MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sếp Blackstone: “Kinh tế Mỹ khó suy thoái”

08-10-2019 - 09:55 AM | Tài chính quốc tế

Nền kinh tế Mỹ hiện tại trông “khá mạnh” và khó rơi vào suy thoái, nhà sáng lập công ty quản lý tài sản hàng đầu thế giới nhận định...

Nền kinh tế Mỹ hiện tại trông "khá mạnh" nhờ thị trường việc làm lành mạnh và tiêu dùng tăng trưởng khả quan - ông Steve Schwarzman, nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ hàng đầu thế giới Blackstone Group, nhận định trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC ngày 7/10.

Loạt dữ liệu u ám của kinh tế Mỹ vào tuần trước cho thấy cuộc chiến thương mại dai dẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế lớn nhất thế giới, có nguy cơ gây ra một cuộc suy thoái. Trong đó, số liệu từ Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ (ISM) cho thấy ngành sản xuất Mỹ trong tháng 9 có sự suy giảm mạnh nhất hơn 10 năm.

Tuy nhiên, ông Schwarzman nhấn mạnh rằng ngành sản xuất chỉ chiếm khoảng 11% nền kinh tế Mỹ. "Tiêu dùng chiếm khoảng 70%, thậm chí là hơn, trong nền kinh tế Mỹ, và 70% này đang hoạt động khá là tốt", ông nói.

"Vì sao như vậy? Đó là bởi chúng ta có tỷ lệ thất nghiệp rất thấp. Mức thất nghiệp 3,5% là thấp nhất kể từ năm 1969… Tình trạng khan hiếm lao động này đang bắt đầu tạo ra mức lương cao hơn cho người lao động, và khi kiếm được nhiều tiền hơn, người ta cũng chi tiêu nhiều hơn. Bởi vậy mà 70% nền kinh tế đang hoạt động mạnh mẽ", ông Schwarzman phát biểu.

Trên cơ sở đó, nhà quản lý quỹ nổi tiếng cho rằng kinh tế Mỹ chỉ có thể rơi vào suy thoái nếu gặp phải một vấn đề địa chính trị nào đó.

"Tôi không cho là chu kỳ kinh doanh bình thường sẽ đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái", ông nói.

Tiêu dùng của Mỹ trong tháng 8 chỉ tăng 0,1% so với tháng 7, theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ công bố hồi tháng 9. Trong tháng 9, Mỹ áp thuế quan 15% lên khoảng 112 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Ngân hàng JPMorgan Chase ước tính rằng thuế quan mới này, cùng với kế hoạch áp thuế dự kiến thực hiện vào giữa tháng 12, sẽ khiến mỗi hộ gia đình ở Mỹ thiệt hại 1.000 USD/năm.

Tuy nhiên, mối lo kinh tế Mỹ sắp rơi vào suy thoái đã được xoa dịu phần nào vào hôm thứ Sáu, sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố thống kê cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nước này có thêm 136.000 công việc mới trong tháng 9. Số việc làm mới này thấp hơn con số dự báo 145.000 công việc, nhưng giới đầu tư vẫn lạc quan khi chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 3,5%, mức thấp nhất 50 năm.

Mặc dù vậy, tiền lương bình quân tính theo giờ của người lao động Mỹ trong tháng 9 hầu như không thay đổi so với tháng 8. Trong 12 tháng qua, tiền lương bình quân tăng 2,9%.

Đánh giá về đàm phán thương mại Mỹ-Trung, ông Schwarzman nói Mỹ "đang đề nghị Trung Quốc thay đổi".

"Trung Quốc trước đây là một nước kém phát triển. 40 năm trước, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ là vài trăm USD. Giờ đây, con số là 10.000 USD/người/năm. Đây có lẽ là điều thần kỳ kinh tế lớn nhất trong lịch sử thế giới", ông nhận định.

Theo ông Schwarzman Trung Quốc đã gặt hái thành công kinh tế một phần nhờ "bức tường thuế quan, thuế, những thị trường đóng kín hoặc chỉ mở cửa một phần, các khoản trợ cấp của chính phủ, tài sản trí tuệ của nước ngoài - những việc mà chúng ta không làm ở phương Tây, ở thế giới phát triển".

"Vì thế, Mỹ nói với Trung Quốc rằng ‘chúng tôi muốn các ông thay đổi’. Có nhiều người ở Trung Quốc đồng ý thay đổi, nhưng những người khác lại không muốn. Bởi vậy mà chúng ta có ba bên trên bàn đàm phán: Mỹ, những nhà cải cách ở Trung Quốc, và những người theo quan điểm cứng rắn ở Trung Quốc", ông Schwarzman nói.

Theo nhà quản lý quỹ, vòng đàm phán cấp cao Mỹ-Trung tuần này ở Washington có thể sẽ phản ánh rõ hơn lập trường của Trung Quốc trong thương chiến kéo dài hơn 1 năm qua với Mỹ.

Theo Thăng Điệp

VnEconomy

Trở lên trên