Sếp đèn Led Phú Thành: Lúc làm ăn phát đạt mình ông giám đốc hưởng, khi làm ăn khó lại đẩy mọi người ra đường, không được!
Đây là một chia sẻ cách đây gần 7 năm của ông Hồ Hoàng Hải - Giám đốc công ty cổ phần Phú Thành, đơn vị có tiếng với những sản phẩm tiên phong trên thị trường như mái hiên di động, ảnh kỹ thuật số, đèn Led. Xin mượn câu chuyện cũ để nói về một cách tiếp cận vấn đề đang "nóng" hiện nay: CẮT hay GIỮ người lao động!
- 05-11-2023CEO 18 tuổi lên Shark Tank gọi vốn cho startup thời trang nói gì nếu bị gọi là "rich kid khởi nghiệp, không phải lo về tiền bạc"?
- 05-11-2023Khách sạn nghìn tỷ lớn nhất Đà Lạt không được chấp thuận cho đấu nối giao thông: Chủ đầu tư nhiều lần bị xử phạt, BIDV đấu giá khoản nợ 9 lần
- 04-11-2023Cô tạp vụ nói chuyện toàn cầu hoá, luôn gập chéo giấy vệ sinh và cách FPT chinh phục Airbus, Hitachi: Ai cũng có sứ mệnh giống hệt Chủ tịch!
Tại sự kiện “Gắn kết đội ngũ: Tăng lương hay tăng trải nghiệm” mới đây, ông Hoàng Nam Tiến - Phó chủ tịch Hội đồng trường FPT – cho biết: Trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, phần lớn doanh nghiệp đang đối diện với câu chuyện cắt chi phí hay cắt người.
“Rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp lớn, hay nói “Con người là tài sản quý nhất của doanh nghiệp. Nhưng bao giờ cũng thế, khi nào gặp khó khăn thì cho bớt “tài sản” ấy ra đường. Đấy là sự thật”.
“Một điều thầm kín họ không trả lời công khai, có lẽ rất nhiều lãnh đạo (không phải tất cả), sẽ chọn cắt người. Cho nhàn”, ông Tiến nói.
Ông Hoàng Nam Tiến cũng kể lại câu chuyện của FPT trong đợt dịch Covid năm 2021 với thông điệp chắc nịch của lãnh đạo: Không một ai được mất việc!
Thông điệp này được đặt trong bối cảnh FPT là doanh nghiệp lớn đầu ngành và ngay cả trong những năm Covid, họ vẫn lãi hàng nghìn tỷ. Điển hình như năm 2021, FPT lãi 6.337 tỷ đồng, tăng trưởng 20,4% so với năm trước đó.
Ở một thế khác, những doanh nghiệp SME với tích lũy còn khiêm tốn, gặp phải kinh tế suy thoái, doanh thu giảm, biên lợi nhuận thu hẹp sẽ rất nhanh ăn mòn vào vốn. Vì vậy, việc giảm các chi phí, đặc biệt là chi phí nhân sự là cần thiết để doanh nghiệp trụ lại qua "mùa đông khắc nghiệt".
Tuy nhiên cũng có những trường hợp Giám đốc "cắn răng" bù lỗ để giữ nhân viên cùng vượt qua khó khăn. Chẳng hạn như câu chuyện của Công ty CP Phú Thành trong giai đoạn khủng hoảng năm 2011 được chính Giám đốc Hồ Hoàng Hải kể lại tại 1 Talk show hồi đầu năm 2017.
Đó là quãng thời gian mà Phú Thành càng làm càng lỗ, nhân viên kinh doanh không làm dự án mới, chỉ đi thu nợ, còn ban lãnh đạo họp hành chỉ tập trung bàn cách cắt giảm các chi phí.
"Cắt tất cả mọi thứ có thể, nhưng có một thứ họp nhiều lần tôi vẫn không cắt, đó là bếp ăn trưa. Mặc dù với một bộ máy như thế là một gánh nặng với công ty khi không ra tiền nhưng không đuổi một người nào. Lúc làm ăn phát đạt mình ông giám đốc hưởng, lúc làm ăn khó ông ấy lại đẩy mọi người ra đường. Không được!
Cái thứ hai là bếp ăn, tôi nghĩ là lương mọi người không cao, đang trong khó khăn mọi người chia sẻ với công ty rồi, có mỗi buổi trưa để mọi người gắn kết với nhau và cũng đỡ được tiền cho nhân viên phải ra ngoài. Nếu mà giải tán bếp ăn, ngay cả cô nấu bếp cũng thất nghiệp, đằng sau còn là cả một gia đình...", ông Hồ Hoàng Hải hồi tưởng.
Quan niệm như vậy nên mặc dù bù lỗ 2 năm trời, nhất quyết bếp ăn của Phú Thành vẫn đỏ lửa.
Theo ông chủ Phú Thành, nhân viên luôn là yếu tố quan trọng nhất và cần phải đặt mình vào vị trí của nhân viên. CEO Hoàng Hải kể lại một bài học trong thời gian học MBA, khi thầy giáo yêu cầu mỗi người viết ra những mong muốn thầm kín và được phép giấu tên. Có rất nhiều mong muốn như nhà lầu, xe hơi, giàu có, vợ đẹp, con khôn,... Sau đó, thầy giáo hỏi một câu khiến mọi người suy ngẫm: Nhân viên của các bạn cũng có mong muốn như vậy không?
"Chúng ta đều là con người, đều có nhu cầu, ai cũng mong muốn được sung sướng, đầy đủ hơn nên nhiều khi tôi cũng đặt mình vào vị trí của nhân viên, tất nhiên trong một chừng mực nhất định vì còn phải lo nhiều việc khác" ông Hải đúc kết.
Cũng trong buổi nói chuyện (tháng 1/2017), ông Hải tự hào về việc lương trung bình của nhân viên Phú Thành khi đó là 12 triệu đồng/tháng. Mức lương này nếu so với các công việc văn phòng hay công việc khác thì không phải quá cao, nhưng tỷ trọng công nhân tại Phú Thành tương đối lớn, trên 50%.
"Là ông Giám đốc giỏi thế nào tôi không biết, ông bao nhiêu tiền tôi không biết, sản phẩm của ông thế nào tôi không biết, nhưng ông cứ giỏi là nhân viên phải lương cao! Tức là ông kiếm ra nhiều tiền, có sản phẩm tốt thì nhân viên phải được hưởng những cái đấy" Ông Hồ Hoàng Hải bày tỏ quan điểm.
Công ty cổ phần Phú Thành được thành lập năm 1997 và nổi tiếng với những sản phẩm là mái hiên di động, ảnh kỹ thuật số, đèn Led. Ông Hồ Hoàng Hải là người sáng lập, sở hữu và cũng là người điều hành trực tiếp hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp từ ngày đầu cho đến nay.
Hiện tại, hoạt động của Phú Thành chuyên sâu vào lĩnh vực led, với 3 ứng dụng chính là biển quảng cáo, chiếu sáng mỹ thuật, bảng điện tử. Theo thông tin giới thiệu trên website, Phú Thành là đối tác của hơn 1.000 khách hàng, trong đó có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn, ngân hàng,... với doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Câu chuyện của Phú Thành đã cách đây hơn chục năm, nhưng chu kỳ kinh tế luôn có tính chất lặp lại, và trong giai đoạn khó khăn hiện nay, vấn đề cắt hay giữ nhân sự lại được đặt lên bàn cân của các doanh nghiệp.
Cũng không rõ, Phú Thành vài năm trở lại đây có còn bảo toàn được lực lượng lao động như đã từng trong quá khứ không?
An ninh tiền tệ