Sếp ngân hàng bật khóc khi nói lời nói sau cùng
Khi được nói lời nói sau cùng, Nguyễn Thị Lam và Đặng Đình Hồng cùng các bị cáo trong vụ “rút ruột” 50 tỉ đồng đều bật khóc.
- 28-06-2018Xét xử "hot girl" ngân hàng chiếm đoạt 50 tỷ: Đại diện Eximbank từ chối trả lời về nội dung thỏa thuận với 2 khách hàng được tạm ứng
- 27-06-2018Kiều nữ ngân hàng Eximbank đã rút tiền tiết kiệm của khách hàng rồi chiếm đoạt thế nào?
- 26-06-2018Vụ mất 245 tỷ tại Eximbank: Bà Chu Thị Bình đã nhận tạm ứng 93 tỷ đồng, 2 cán bộ Eximbank được tại ngoại
Cuối buổi chiều 6-7, trước khi HĐXX TAND tỉnh Nghệ An nghị án, 16 bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng cũng bị truy tố trong vụ 50 tỉ đồng trong chi nhánh Ngân hàng Eximbank bị "bốc hơi" lần lượt được đứng trước bục khai báo nói lời nói sau cùng.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử 16 bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Thị Lam (31 tuổi, nguyên nhân viên Phòng giao dịch Đô Lương, Chi nhánh Ngân hàng EximBank tại TP Vinh) – bị đề nghị phạt án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bật khóc.
Bị cáo xin lỗi người thân, đồng nghiệp, khách hàng và chi nhánh Ngân hàng Eximbank , xin được xem xét giảm nhẹ hình phạt để làm lại cuộc đời cùng gia đình khắc phục hậu quả do bị cáo gây ra.
Bị cáo Lam cho rằng số tiền chiếm đoạt được không sử dụng vào mục đích cá nhân mà làm mục đích kiếm lời.
Bị cáo Đặng Đình Hồng, nguyên giám đốc Phòng Giao dịch Eximbank Đô Lương (Nghệ An) và 14 bị cáo khác cùng bị đề nghị phạt án tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, cũng đều bật khóc. Những người này nói lời nói xin lỗi và trình bày hoàn cảnh khó khăn, xin được hưởng án tù treo.
Theo HĐXX sơ thẩm, do vụ án nhiều bị cáo, nhiều tình tiết phức tạp cần nhiều thời gian nghị án nên đến 14 giờ chiều 13-7 sẽ tuyên án.
Bị cáo Nguyễn Thị Lam bật khóc khi nói lời nói sau cùng.
Như đã đưa tin, từ năm 2012 đến 2016, Nguyễn Thị Lam đã lợi dụng lòng tin của khách hàng để ký các lệnh chi, ký khống ủy nhiệm chi, bảng kê chi tiền.
Mỗi lần cần chữ ký của khách hàng, Lam dùng thủ đoạn như trả lãi suất, tiền thưởng cho khách hàng và trộn lẫn các thủ tục này là các chứng từ như: Lệnh chi, bảng kê tiền, ủy nhiệm chi để khách hàng ký. Sau đó, Lam cầm về hợp thức hóa rút tiền hoặc chuyển tiền...
Bị cáo Đặng Đình Hồng.
Do tin tưởng Lam và với sự quản lý lỏng lẻo của Hồng và các nhân viên, ngân hàng đã làm thủ tục cho Lam rút, chuyển tiền mặc dù sổ tiết kiệm khách hàng đang giữ, khách hàng không có mặt.
Bằng các thủ đoạn trên, Lam đã rút tiền gửi của 6 khách hàng ở Nghệ An trong hệ thống ngân hàng Eximbank với tổng số tiền hơn 50 tỉ đồng.
Pháp luật TPHCM