Sếp ngân hàng lớn nhất nhì nước Nga cảnh báo: Lệnh trừng phạt của phương Tây 'quá mạnh', lãi suất 21% cũng không thể hạ nhiệt lạm phát
Một trong những lãnh đạo ngân hàng hàng đầu của Nga nhận định rằng biện pháp kiểm soát lạm phát của Nga hiện tại không mang lại nhiều hiệu quả do ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt cứng rắn của phương Tây.
Andrei Kostin, giám đốc ngân hàng Nga VTB, cho biết: “Trong bối cảnh chi tiêu cho quân sự vẫn tăng cao và các lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến nền kinh tế, một công cụ như lãi suất chủ chốt không thể hoàn toàn hiệu quả trong việc kiểm soát lạm phát.”
Giám đốc VTB, ngân hàng lớn thứ 2 của Nga, đã đưa ra nhận định này sau khi ngân hàng trung ương Nga nâng lãi suất chuẩn lên 21% vào tháng 10. Chi phí đi vay cao là biện pháp ưu tiên hàng đầu của ngân hàng trung ương nhằm kiềm chế tình trạng giá cả nóng lên, khi tỷ lệ lạm phát của Nga đang gần chạm mức 8,7%.
Dù 21% là mức lãi suất cao nhất kể từ năm 2003, nhưng các khoản trợ cấp cho vay của nhà nước, gói chi tiêu lớn cho quân sự và tác động từ các biện pháp hạn chế thương mại của phương Tây đã làm giảm tính hiệu quả trong hành động của ngân hàng trung ương, theo Kostin.
Trong khi đó, chính sách cho vay bị thắt chắt dường như đang khiến các doanh nghiệp Nga không hài lòng. Kostin nhận định rằng mức lãi suất cao như vậy thực ra không cần thiết.
Ông cho hay: “Tôi không phải là người theo chủ nghĩa tiền tệ và tin rằng tỷ lệ lạm phát 8,5% không quá căng thẳng với Nga, mức này thật ra là có thể chấp nhận được.”
Tuy nhiên, cho đến nay, ngân hàng trung ương Nga vẫn duy trì cách tiếp cận này, nỗ lực kiềm chế đà tăng của giá cả vốn đã ảnh hưởng đến cả những mặt hàng thực phẩm cơ bản nhất. Tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng và cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên 13,5 nghìn tỷ rúp của Điện Kremlin lại càng gây khó khăn cho nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách.
Hiện tại, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Nga đang lo ngại về tác động sâu rộng nếu giới chức ngân hàng trung ương vẫn giữ vững lập trường cứng rắn. Một số người đã cảnh báo về tình trạng xuất khẩu các thiết bị quân sự bị hạn chế, rủi ro xảy ra lạm phát đình trệ - một giai đoạn có thể còn khó khăn hơn nhiều so với suy thoái đối với nhiều nền kinh tế.
Nhóm vận động hành lang ngành công nghiệp của Nga đã lên tiếng phản đối về bước đi hiện tại của ngân hàng trung ương. Theo Carnegie Politika, Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga đã phác thảo đề xuất về việc trao quyền giám sát chính sách tiền tệ một phần cho chính phủ, theo đó ngân hàng trung ương đã phải cứng rắn hơn với cách tiếp cận của mình.
Tháng trước, Thống đốc Ngân hàng Nga (BOR), Elvira Nabiullina, cho biết lạm phát đang tiến gần đến mức “bước ngoặt” có thể tạo điều kiện cho việc nới lỏng chính sách vào năm tới. Tuy nhiên, Kostin dự báo lãi suất chuẩn của Nga vẫn sẽ tăng lên 23% trước khi năm 2024 kết thúc.
Dù không cho rằng tình trạng phá sản sẽ lan rộng, nhưng Kostin ước tính tăng trưởng cho vay nhìn chung sẽ chậm lại ở mức 10% vào năm tới, giảm từ mức 20%. Ông nói thêm rằng, trong bối cảnh đó, lợi nhuận của VTB sẽ giảm 27%.
Kostin cũng dự báo tăng trưởng GDP của Nga sẽ chậm lại còn 1,9% vào năm tới, thấp hơn so với mức ước tính của chính phủ trong năm nay là 3,9%. Ông cho hay: “Nền kinh tế không thể trải qua những sự kiện như vậy mà không chịu hậu quả. Song, đà tăng trưởng vẫn diễn ra và nhìn chung kinh tế Nga vẫn ở trạng thái lành mạnh.”
Tham khảo BI
Nhịp sống thị trường