Sếp Nhật nói về thị trường ô tô Việt Nam: 'Quy định khó nhất thế giới' nhưng câu sau mới đáng chú ý
Chúng tôi giới thiệu bài báo của Tomoya Onishi trên tờ Nikkei Asian Review viết về chính sách bảo hộ của Việt Nam trong năm vừa qua.
- 28-01-2019Phó Thủ tướng: Rà soát chính sách về ô tô khi hiệp định ATIGA có hiệu lực
- 28-01-2019Gia nhập CPTPP, thuế nhập khẩu ô tô, xăng dầu còn lâu mới giảm
- 26-01-2019Tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô phát triển
Hơn một năm kể từ khi Nghị định 116 về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô chính thức có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp kinh doanh ô tô nước ngoài vẫn đang hi vọng một thị trường công bằng hơn sẽ xuất hiện.
Những quy định trong Nghị định 116 có mục đích "nuôi dưỡng" ngành công nghiệp ô tô trong nước, tạo thế bất lợi các ngành nhập khẩu ô tô, và cũng khiến General Motors từ bỏ việc sản xuất ô tô trong nước vào năm ngoái. Việt Nam tự tin rằng dân số gần 100 triệu người với tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh là một thị trường tiềm năng của các nhà sản xuất ô tô.
Nghị định 116 khiến xe nhập khẩu nửa đầu 2018 tại Việt Nam gián đoạn.
Chính phủ Việt Nam có kế hoạch thực hiện một số kế hoạch mới để mở rộng ngành sản xuất ô tô trong nước. Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài lo ngại rằng họ có thể gặp bất lợi trước các doanh nghiệp ô tô Việt Nam.
Tháng 1/2018, Việt Nam chính thức bãi bỏ mức thuế nhập khẩu ô tô 30% nội khối ASEAN theo hiệp định AFTA, đây là cơ hội ô tô nhập khẩu từ các nước trong khu vực đổ vào Việt Nam. Nhưng trước đó không lâu, chính phủ đã ban hành Nghị định 116 để tìm cách chặn "cơn lũ" xe nhập khẩu, vì có thể khiến ngành công nghiệp ô tô trong nước rơi vào thế khó.
Nghị định này có rất nhiều quy định nghiêm ngặt đối với việc xuất khẩu ô tô sang Việt Nam. Giám đốc điều hành của một hãng xe Nhật Bản mô tả đây là "quy định khó hơn bất cứ quy định nào khác của các quốc gia trên thế giới". Trong đó bao gồm việc ô tô cần được chứng nhận chất lượng tại quốc gia nơi chúng được sản xuất, và việc kiểm định từng lô hàng ô tô nhập khẩu.
Sự đột ngột của Nghị định 116 khiến các nhà sản xuất ô tô chưa kịp chuẩn bị và buộc họ phải dừng hoạt động nhập khẩu trong một thời gian. Với sự hỗ trợ từ các bên, bao gồm chính phủ Thái Lan, nhiều nhà nhập khẩu ô tô đã có thể đưa xe hưởng thuế 0% vào Việt Nam. Nhưng doanh số xe nhập khẩu từ tháng 1 tới tháng 6 đã giảm 80% so với cùng kỳ năm 2017.
Toyota, thương hiệu đứng đầu doanh số bán xe ở Việt Nam, đã chi hàng triệu USD vào năm ngoái để xây dựng đường thử theo yêu cầu. Nhưng GM đã quyết định từ bỏ hoạt động sản xuất ô tô tại Việt Nam, bán cơ sở cho một đối thủ ở Việt Nam.
Nghị định 116 cũng khiến người tiêu dùng thất vọng về giá xe. Tại một đại lý của Honda vào giữa tháng 1, không ít khách hàng phàn nàn rằng giá CR-V không giảm nhiều như họ kỳ vọng dù được hưởng thuế nhập khẩu 0%. Phiên bản 2018 của mẫu crossover 5+2 có giá cao nhất gần 1,1 tỷ đồng, chỉ thấp hơn 6% so với giá của phiên bản cũ trong năm 2017.
Chính phủ Việt Nam vẫn lạc quan với chiến lược của mình. Bất chấp sự gián đoạn của xe nhập khẩu năm ngoái, nền kinh tế trong nước là điểm tựa thúc đẩy tổng doanh số bán xe tăng 5,8% trong năm 2018, doanh số này gần gấp 3 so với 5 năm trước đây.
Việt Nam muốn nâng tỷ lệ nội địa hóa, mục tiêu 35-40% vào năm 2020, hiện tại trung bình đang ở mức 10%. Nghị định 125 ban hành sau Nghị định 116 không lâu tạo ưu đãi cho những doanh nghiệp đạt được sản lượng yêu cầu.
Về vấn đề này, người đứng đầu một hãng xe Nhật tỏ ra rất thận trọng. "Chúng tôi đang chạy nhiều phương án khác nhau và sẽ đưa ra quyết định sau khi biết chính phủ sẽ hành động như thế nào", Toru Kinoshita, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam cho hay.
Một số người hoạt động trong ngành đặt câu hỏi, liệu các biện pháp của chính phủ Việt Nam, "cuối cùng là nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước", theo lời đại diện một nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại Nhật Bản, theo cách ưu đãi của Bắc Kinh đối với các công ty Trung Quốc.
Tham khảo: Nikkei
Trí thức trẻ