Sếp Samsung Vina nói về “cơ duyên” với Việt Nam
“Chính phủ Việt Nam đã đặt trọng tâm vào phát triển công nghệ cao trong chiến lược phát triển kinh tế và đó là “cơ duyên” cho Samsung gắn kết và mở rộng đầu tư tại Việt Nam”, Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam, ông Hyun Woo Bang trò chuyện cùng chúng tôi.
- 07-03-2017Samsung Việt Nam lý giải: Tại sao nhất thiết phải đầu tư mạnh vào Bắc Ninh mà không phải các tỉnh khác?
- 14-01-2017Samsung Vina giải thích lý do tăng trưởng tốt bất chấp sự cố Note 7
- 06-01-2017Bất chấp sự cố Note 7, Samsung Việt Nam vẫn đạt doanh thu 46,3 tỷ USD
- 04-06-2016Lý do Samsung Vina “mất” doanh nghiệp ưu tiên
Vì sao chọn Việt Nam?
Samsung là một thương hiệu ấn tượng tại Việt Nam, đặc biệt trên thị trường các sản phẩm điện tử, điện thoại di động. Vì sao Samsung lựa chọn Việt Nam trong chiến lược phát triển của mình?
Samsung đã có mặt tại Việt Nam từ 1995 với nhà máy sản xuất ti vi tại Tp.HCM. Ban đầu, mục tiêu đặt nhà máy tại Tp.HCM chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại Việt Nam.
Thời gian qua, cùng với chính sách đổi mới được thực hiện, kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và Samsung quyết định đầu tư nhà máy sản xuất điện thoại di động dựa trên nhiều yếu tố thuận lợi về kinh tế và xã hội của Việt Nam.
Ngoài yếu tố ổn định về chính trị - xã hội, so với các quốc gia Đông Nam Á khác như, điều kiện cơ sở hạ tầng của Việt tốt hơn. Việt Nam có số dân khoảng 95 triệu người và số người lao động trẻ chiếm tỷ lệ cao. Chính phủ Việt Nam có chính sách khuyến khích như ưu đãi đầu tư về thuế và đất đai.
Có ý kiến cho rằng, Samsung được nhận rất nhiều ưu đãi của Chính phủ. Ông có bình luận gì về điều này?
Chính phủ Việt Nam đã đặt trọng tâm vào phát triển công nghệ cao trong chiến lược phát triển kinh tế và đó là “cơ duyên” cho Samsung gắn kết và mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Những ưu đãi mà Samsung nhận được cũng là những ưu đãi mà Chính phủ Việt Nam không chỉ dành cho tất cả các doanh nghiệp nước ngoài mà bao gồm cả doanh nghiệp Việt Nam đầu tư công nghệ cao.
Nếu nói đến điều chưa tốt thì ông nói gì?
Chúng tôi hài lòng với phần lớn các yếu tố về môi trường đầu tư kinh doanh, tuy nhiên, vẫn còn một số điểm cần được phát triển tích cực hơn.
Một là, điều kiện cơ sở hạ tầng xã hội cần được cải thiện hơn nữa.
Hai là, cần sự thay đổi tích cực về các quy định pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Một ví dụ của việc này là khái niệm thép phủ (coating steel) hiện nay chỉ được pháp luật Việt Nam quy định một cách chung chung, không phân biệt là thép phủ dùng làm tôn lợp mái và thép phủ dùng cho sản xuất đồ điện tử gia dụng. Hai loại thép này có bản chất và công dụng hoàn toàn khác nhau và được quy định rõ ràng tại pháp luật của các nước khác.
Kết quả là, khi quyết định chống bán phá giá với thép phủ được áp dụng thì cả hai loại thép này đều chịu chung tình trạng hạn chế nhập khẩu vào Việt Nam.
Sự việc ở Hàn Quốc không ảnh hưởng nhiều đến Samsung Việt Nam
Được xem là một trong những tập đoàn nước ngoài có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu, Samsung thực hiện sứ mệnh này thế nào?
Hiện đang có 20 doanh nghiệp Việt Nam trong tổng số 250 doanh nghiệp làm nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung. Chúng tôi kỳ vọng cuối năm nay, số doanh nghiệp Việt Nam làm nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung sẽ nâng lên con số 29. 179 doanh nghiệp Việt Nam đang là nhà cung ứng cấp 2 cho Samsung.
Việc phát triển các doanh nghiệp cung ứng không thể thực hiện trong thời gian ngắn như 6 tháng hay 1 năm. Một nhà cung ứng cấp 1 đòi hỏi đáp ứng các yêu cầu ngặt nghèo về khả năng sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, thời gian giao hàng nhanh chóng.
Để trở trở thành nhà cung ứng cấp 1, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể làm nhà cung ứng cấp 2, cấp 3 cho Samsung để tích luỹ kinh nghiệm và dần dần trở thành nhà cung ứng cấp 1. Đây là cách làm hiệu quả và khả thi.
Sự việc ở Hàn Quốc liên quan đến Samsung vừa qua có ảnh hưởng đến Samsung Việt Nam?
Tôi khẳng định chiến lược đầu tư của Samsung tại Việt Nam không thay đổi. Đồng thời Samsung vừa được phê duyệt việc mở rộng quy mô sản xuất, điều này cho thấy sự việc ở Hàn Quốc không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của Samsung tại Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam bày tỏ nhiều lần về kỳ vọng vào cuộc cách mạng công nghiệp thế hệ thứ tư với vai trò to lớn của cộng đồng các doanh nghiệp. Samsung nhìn nhận thế nào về chiến lược này của Việt Nam?
Thay đổi nền công nghiệp sản xuất toàn cầu thông qua việc tự động hóa quy trình sản xuất, kết hợp các hệ thống ảo và thực thể, hội tụ của các công nghệ mới, Internet vạn vật (Internet of Things - IoT) là xu hướng chung của toàn thế giới và trong đó sẽ có Việt Nam.
Samsung cũng đang nỗ lực theo sự phát triển của cuộc cách mạng này và hy vọng có thể đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện chiến lược phát triển này tại quê hương của các bạn.
“Chạm” vào cảm xúc của người dùng
Nhiều doanh nghiệp trẻ Việt Nam đang thể hiện nỗ lực tham gia vào việc phát triển các sản phẩm công nghệ. Ông có lời khuyên nào cho giới trẻ làm công nghệ Việt Nam?
Nói đến công nghệ cao không thể không nhắc đến những đòi hỏi về khả năng sáng tạo, nhận thức về giá trị công nghệ của sản phẩm đối với người dùng. Các doanh nghiệp trẻ cần chuẩn bị năng lực đáp ứng những yêu cầu này.
Nhìn vào các nhân vật vĩ đại, những người đã góp phần mở ra kỷ nguyên công nghệ mới như Bill Gates hay Steve Jobs có thể thấy, họ không phải là những người trực tiếp tiến hành công việc lập trình.
Quan trọng hơn, họ là người đưa ra khái niệm về giá trị công nghệ, xây dựng thành công những giá trị cảm xúc của sản phẩm công nghệ để có thể “chạm” vào cảm xúc của người dùng.
Trong nỗ lực đẩy mạnh phát triển các sản phẩm công nghệ, Samsung thực hiện những hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Samsung có trung tâm R&D tại Hà Nội với 1.500 nhân viên. Tại các nhà máy ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, Samsung cũng có các kỹ sư chuyên nghiên cứu và phát triển các sản phẩm của Samsung.
Những cán bộ, kỹ sư làm R&D ở Hà Nội chú trọng phần mềm còn các kỹ sư làm R&D ở Thái Nguyên và Bắc Ninh chú trọng phần cứng và phát triển chu trình mới, thực hiện các công việc liên quan đến kỹ thuật của nhà máy.
Với cuộc cách mạng công nghệ đặt trọng tâm là IoT, việc phát triển phần cứng và phần mềm có tầm quan trọng tương đương.
Tôi hy vọng là các kỹ sư Việt Nam sẽ đóng góp tích cực cho công tác R&D của Samsung và chúng tôi nhìn thấy nguồn nhân lực tốt từ các dự án hợp tác nghiên cứu với các trường đại học ở Việt Nam.
Đây cũng là nguồn nhân lực và yếu tố quan trọng giúp Việt Nam bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
VnEconomy