MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sếp Toyota: Quy mô sản xuất ô tô Việt quá nhỏ, chỉ bằng 1/7 Indonesia, 1/13 Thái Lan, dù nội địa hoá linh kiện cũng không thể rẻ hơn nhập khẩu!

30-10-2018 - 20:14 PM | Thị trường

Một nhà đầu tư tất sẽ tính toán lợi nhuận khi cân nhắc việc nhập khẩu linh kiện hay sử dụng linh kiện nội địa hoá. Theo công thức từ Toyota, Chi chí cắt giảm/linh kiện = (Chi phí linh kiện nhập khẩu - Chi phí linh kiện nội địa hoá) x Sản lượng. Tuy nhiên, quy mô sản lượng ô tô của Việt Nam hiện quá nhỏ, "chỉ bằng một phần mười mấy so với quy mô thị trường của các nước trong khu vực", Phó Giám đốc Toyota Việt Nam Shinjiro Kajikawa nhìn nhận.

Sản lượng sản xuất quá thấp, khó có thể phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

Thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam hiện có một loạt vấn đề. Quy mô doanh nghiệp nhỏ, chỉ có 358 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô là 214, quá thấp so với con số 385 doanh nghiệp ở Malaysia và 2.500 doanh nghiệp ở Thái Lan. Tỷ lệ nội địa hoá đối với dòng xe cá nhân sau nhiều năm vẫn chỉ ở mức 7 - 10%.

"Tập quán kinh doanh của các doanh nghiệp toàn cầu thường sử dụng các doanh nghiệp đã từng cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong chuỗi sản xuất của họ hoặc các doanh nghiệp cùng quốc tịch", ông Lương Đức Toàn - Phó trưởng phòng Công nghiệp chế biến, chế tạo, Cục Công nghiệp, Bộ Công thương cho biết.

Phân tích ở góc độ nhà đầu tư, đại diện từ Toyota cho rằng có 2 vấn đề lớn với thị trường ô tô Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp do dự khi đầu tư vào thị trường này.

Theo đó, thị trường ô tô con Việt Nam (không bao gồm xe tải/xe bus) từng có lịch sử bất ổn rất lớn do sự không ổn định về chính sách.

Vấn đề thứ 2, cũng là vấn đề nan giải hiện nay, là quy mô sản lượng còn quá nhỏ. Sản lượng của Toyota Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực ASEAN.

"Có lợi thì nhà đầu tư mới sản xuất trong nước"

"Sản xuất càng nhiều linh kiện thì càng thuận lợi trong việc giúp giảm chi phí. Hiệu quả của việc giảm chi phí sẽ lớn hơn khi quy mô của sản phẩm xe càng lớn".

"Tuy nhiên, so với các nước trong vùng như Thái Lan, Indonesia, quy mô sản lượng của Việt Nam chỉ bằng một phần mười mấy so với họ, cho nên việc cắt giảm chi phí cũng rất khó. Đây chính là nguyên nhân lớn dẫn đến chi phí sản xuất của Việt Nam cao", ông Shinjiro Kajikawa - Phó Giám đốc Toyota Việt Nam - cho biết.

So sánh sản lượng của nhóm sản phẩm ô tô có sản lượng lớn của các nước ASEAN có ngành công nghiệp ô tô, dòng sản phẩm lớn nhất tại Việt Nam có quy mô sản lượng ở mức 30.000 sản phẩm, chỉ bằng 1/4 quy mô sản lượng của Malaysia, 1/7 của Indonesia và 1/13 Thái Lan.

Phía Toyota cho biết do sản lượng thấp, nếu nội địa hoá linh kiện cũng không thể rẻ hơn so với nhập khẩu.

Đầu tư hơn 10 triệu USD sản xuất cản trước, cản sau..., quy mô thị trường phải tăng gấp 3 mới mong có lãi sau 5 năm

Đại diện Toyota Việt Nam lấy ví dụ cụ thể về việc nội địa hoá cho các linh kiện ô tô như cản trước, cản sau và bảng táp lô chẳng hạn. Các linh kiện trên hiện đang nhập khẩu từ nhà cung cấp Thái Lan.

Nếu muốn chuyển hướng từ nhập khẩu sang nội địa hoá, nhà đầu tư cần sản xuất linh kiện tại nhà máy hiện có và đầu tư thêm dây chuyền lắp ráp. Các thiết bị và dụng cụ chuyên dụng như khuôn ép, đồ gá… sẽ cần đầu tư hơn 12 triệu USD, và cần thu hồi vốn trong vòng 5 năm.

Tuy nhiên, theo tính toán của Toyota, chi phí giảm được từ việc đầu tư nội địa hoá sẽ thay đổi đối với các sản lượng khác nhau. Hiện tại, quy mô sản lượng loại linh kiện này ở mức 20.000 chiếc/năm. Tuy nhiên, việc hoàn vốn đầu tư đối với sản lượng hiện tại hay sản lượng có tăng gấp đôi hiện tại, lên 40.000 chiếc, thì doanh nghiệp đầu tư đều gặp khó khăn. Sau 5 năm vẫn chưa thể thu hồi vốn.

Theo tính toán, quy mô thị trường phải tăng lên gấp 3, ở mức 60.000 chiếc/năm thì việc nội địa hoá các linh kiện trên mới có thể sinh lời theo đúng lộ trình. Đại diện Toyota cho biết thêm là các con số trên chỉ là ví dụ dễ hình dung, không phải là câu chuyện thực tế.

Nhận định về ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam, ông Shinjiro cho biết: 3 yếu tố quan trọng nhất của một ngành công nghiệp hỗ trợ là Q - C - D (Quality - Chất lượng, Cost - Chi phí, Delivery - Giao hàng). Tuy nhiên ngành công nghiệp này ở Việt Nam, cả 3 yếu tố trên đều chưa có sức cạnh tranh cao.

Hiện doanh nghiệp Việt đang gặp khó khăn trong việc quản lý ổn định Chất lượng sản phẩm và Giao hàng, do thiếu nhân lực có trình độ để quản lý chất lượng. Tuy nhiên, với yếu tố COST, đại diện Toyota cho rằng đây là vấn đề mang tính hệ thống, khó có giải pháp tự thân của mỗi doanh nghiệp do chi phí cao này lại bắt nguồn từ quy mô sản xuất và thị trường nhỏ.

Theo tính toán, Chi chí cắt giảm/linh kiện = (Chi phí linh kiện nhập khẩu - Chi phí linh kiện nội địa hoá) x Sản lượng

"Có lợi thì nhà đầu tư mới sản xuất trong nước. Khi sản lượng đủ hấp dẫn để đầu tư sản xuất linh kiện trong nước thì chắc chắn các DN sẽ nghiên cứu đầu tư sản xuất", Phó Giám đốc Toyota Việt Nam cho biết.



Theo Bảo Bảo

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên