MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phát triển mạng xã hội Việt Nam: "Trước hết cần "cởi trói" về chính sách"

VCCorp cho biết, cơ chế bảo hộ ngược ví dụ Google, FaceBook không cần giấy phép, doanh nghiệp nội dung số Việt Nam phải cấp phép và không được sáng tạo ra ngoài những gì được cấp phép theo quy định ban hành cách đây 10 năm.

Tạo cơ chế chính sách thuận lợi để thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư phát triển mạng xã hội của người Việt là một trong những nhiệm vụ mà Bộ TT&TT đặt ra trong mục tiêu thúc đẩy Hệ sinh thái số Việt Nam phát triển.

“Cởi trói” để phát triển mạng xã hội trong nước

Theo ông Nguyễn Huy Dũng, Quyền Cục trưởng Cục An toàn Thông tin, mục tiêu thúc đẩy mạng xã hội Việt Nam không nhằm mục đích thay thế một mạng xã hội nước ngoài, cũng không vì mục đích cấm đoán. Mà theo xu hướng phát triển của cộng nghệ thì Facebook và các mạng xã hội sẽ không thoát khỏi vòng luân hồi “sinh lão bệnh tử” của công nghệ, không có một công nghệ nào có thể sống mãi được mà luôn có những công nghệ mới, thay thế cho những công nghệ cũ. Giống như Yahoo đã bị khai tử khi mà mạng xã hội phát triển. Facebook hiện đang trong giai đoạn sắp sửa thoái trào. 

Các nước đang nói nhiều về hạn chế của Facebook, nhiều nước châu Âu, ngay cả Mỹ cũng quản lý khắt khe hơn với Facebook. Facebook dù đáp ứng tốt nhu cầu giải trí của người dùng, nhưng cũng có nhiều hạn chế như tin giả, tin sai, tin phỉ báng… làm ảnh hưởng tới nhu cầu của thông tin của người dùng. Bên cạnh đó nhiều nhu cầu thông tin của người Việt Nam, Facebook chưa đáp ứng được. Do đó, mục đích của nhà nước là tạo ra một mạng xã hội Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thông tin tốt hơn của người dân Việt Nam, cung cấp những thông tin lành mạnh, thông tin có ích.

Tuy nhiên mong ước có một mạng xã hội của người Việt Nam, do người Việt Nam làm chủ dù đã được nhắc đến từ lâu, nhưng các mạng xã hội Việt Nam tuy có tới hơn 450 mạng được cấp phép nhưng lại có quy mô người dùng rất nhỏ. Trong thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp nội dung số đã nói đến những vướng mắc về cơ chế chính sách đã trói chân, trói tay các doanh nghiệp trong nước, vô tình tạo ra “chính sách bảo hộ ngược” cho các doanh nghiệp nội dung số nước ngoài phát triển, chiếm lĩnh phần lớn thị trường Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp cho biết, cơ chế bảo hộ ngược trong một thời gian dài đang ngăn cản các doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Ví dụ, Google, FaceBook không phải nộp thuế, còn doanh nghiệp Việt Nam nộp đủ 4 loại thuế, phí liên quan doanh nghiệp.

Google, FaceBook không cần giấy phép. Doanh nghiệp nội dung số Việt Nam buộc phải cấp phép và không được sáng tạo ra ngoài những gì được cấp phép theo cách quy định được ban hành và xây dựng cách đây 10 năm.

Mọi người, mọi công ty, mọi tổ chức từ cá nhân, tới báo, tới các tổ chức chính phủ, các công ty và đài truyền hình đều có thể sản xuất và đăng thông tin lên Google và Facebook. Trong khi đó các trang, các đơn vị sản xuất nội dung của Việt Nam không được hợp tác sản xuất và đăng thông tin lên nhau.

“Chính sách phải áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, yêu cầu mạng xã hội Việt thực hiện thế nào thì cũng phải yêu cầu Facebook, Google thực hiện đúng như thế. Phải đặt các doanh nghiệp trong cùng một sân chơi, còn nếu khắt khe với doanh nghiệp Việt nhưng lại dễ dãi với doanh nghiệp nước ngoài là bảo hộ ngược”, ông Tân thẳng thắn phát biểu.

Phát triển mạng xã hội Việt Nam: Trước hết cần cởi trói về chính sách - Ảnh 1.

Mạng xã hội trong nước có thể tận dụng thế mạnh nội dung để cạnh tranh

Theo số liệu từ Forbes, năm 2018, trong 6 công ty có doanh thu quảng cáo trực tuyến lớn nhất Việt Nam, Facebook đứng đầu với 233 triệu USD, Google 132,3 triệu USD, kế đó là 4 doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất của Việt Nam VCCorp đứng thứ 3 với 40 triệu USD, VNExpress đạt 24 triệu USD, Zing 20 triệu USD, 24h đạt 11,5 triệu USD.

Hai nền tảng mạng xã hội nước ngoài dù không sản xuất nội dung nhưng lại chiếm tới 60-65% thị phần quảng cáo trực tuyến ở nước ta. Các đơn vị sản xuất nội dung trong nước có nội dung, có độc giả nhưng lại thiếu nền tảng phân phối mạnh như Facebook, Google nên đã bị các nền tảng như YouTube, Facebook xâm lấn lãnh địa nội dung thông tin. Dẫn đến các hệ thống của Việt Nam hầu như bị trói tay nên không thể phát triển được, hoặc chỉ có thể làm thuê cho nước ngoài.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Thế Tân, các doanh nghiệp nội dung số trong nước vẫn có cơ hội giành lại thị trường, giành lại chủ quyền thông tin từ nền tảng mạng xã hội nước ngoài. Bởi vì, các nền tảng nước ngoài tuy mạnh và độc quyền nhưng vì đặc trưng của họ chỉ là phân phối mà không có sản xuất nội dung, nên các nhà sản xuất nội dung Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để lấy lại chủ quyền thông tin. Các nền tảng nước ngoài là nền tảng phân phối nội dung, nên họ vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ bên sản xuất nội dung. Nếu có các bên có nội dung mạnh thì có thế đàm phán và chiếm lợi thế.

Bên cạnh đó, nhà nước nên coi nội dung số là ngành trọng điểm, tạo cơ chế chính sách thuận lợi, các doanh nghiệp công nghệ trong nước có đủ tiềm lực để phát triển các nền tảng phân phối nội dung mới từ chính các nhà sản xuất nội dung Việt Nam.

Theo Khôi Nguyên

ICTnews

Trở lên trên