MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sếp VinaCapital: "Mỗi khi đầu tư phải bê nguyên cả bộ máy lãnh đạo vào vì không có đủ nhân lực"

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2017 sáng nay, ông Andy Ho cho biết, hầu hết các tập đoàn nước ngoài đều e ngại về vấn đề tìm nhân sự trung và cao cấp ở Việt Nam khi đầu tư vào các dự án. CIO VinaCapital cho rằng, nếu không cải thiện điều này, việc thu hút đầu tư của Việt Nam sẽ bị hạn chế.

VinaCapital đang đầu tư vào Việt Nam 2 tỷ USD và Andy Ho nhận xét: "Việt Nam là thị trường quan trọng đối với tập đoàn, được quan tâm không chỉ về vốn FDI mà còn FII".

Việt Nam có nhiều nhân tố tích cực như: Sự phát triển mạnh của các doanh nghiệp FDI như Samsung, Intel; Hệ thống lao động tốt với giá cả phải chăng; tăng trưởng hàng năm ổn định; vị trí địa lý chiến lược với hơn 3.000 km đường bờ biển kéo dài thuận tiện cho việc giao thương… “Đấy chính là mấu chốt giúp Việt Nam thu hút đầu tư”, Chief investment officer (CIO) VinaCapital nhận xét.

Đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam, ông nhận định đây là thị trường phát triển tốt, là điểm sáng trong các thị trường mới nổi. Bên cạnh đó, có rất nhiều cơ hội mà Việt Nam có thể tận dụng được. Hiện vốn hoá thị trường chứng khoán của Việt Nam đang có hơn 100 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng GDP là “triển vọng lớn cho tăng trưởng Việt Nam”.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh phải tìm được lối ra để có thể nhân vốn lên. Andy Ho cho biết các tập đoàn lớn nước ngoài khi đầu tư vào thường mong muốn mua các công ty hơn là thiết lập công ty. Do đó, CIO VinaCapital gợi ý Chính phủ Việt Nam cần tìm cách khuyến khích các tập đoàn này đầu tư vào các công ty có sẵn. Đặc biệt là những công ty chế biến chế tạo để đạt được nhiều giá trị gia tăng hơn.

Ông Andy Ho trong những lần thảo luận với những CEO khác hay các chuyên gia kinh tế đã rút ra kết luận, hầu hết các tập đoàn đều ngại ngần về vấn đề nhân sự trung và cao cấp ở Việt Nam.

“Mỗi khi đầu tư phải bê nguyên cả bộ máy lãnh đạo vào vì không có đủ nhân lực. Đương nhiên chúng tôi có thể làm điều đó, nhưng nếu các bạn không cải thiện được thì sẽ hạn chế đầu tư”, ông Andy Ho nói.

Ông đề xuất phải cải thiện giáo dục để bù đắp nguồn nhân lực. “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ”, ông nói.

Bên cạnh đó, để duy trì cạnh tranh, ông Andy Ho cho rằng phải phát triển cơ sở hạ tầng. Hiện cơ sở hạ tầng ở Việt Nam nhiều nhưng tốc độ triển khai còn chậm mà theo ông, phải đẩy nhanh hơn để tương xứng với mục tiêu tăng trưởng 6,5% mà Chính phủ đề ra.

“Các nhà đầu tư luôn nhìn vào cơ sở hạ tầng để quyết định. Phát triển hạ tầng nhanh bao nhiêu thì dự án đầu tư vào nhiều bấy nhiêu”, ông cho biết.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên