Sếp VinaCapital Ventures: Doanh nghiệp do nữ lãnh đạo rất tập trung, còn đàn ông khi vừa có thành quả lại bị phân tán, ví dụ như đánh golf
Ông Hoàng Đức Trung bày tỏ sự yêu thích đối với những doanh nghiệp do nữ điều hành, vì độ chăm chút, tập trung cho công ty của họ rất lớn. Còn với các founder nam, khi bắt đầu có thành quả, đặc biệt là với startup, sự tập trung của họ bị phân tán ra nhiều thứ khác.
- 19-11-2021Phó Thủ tướng “chốt” mốc hoàn thành giai đoạn 1 “siêu sân bay” Long Thành vào tháng 1/2025
- 19-11-2021Cách đây 5 năm, tỷ phú Phạm Nhật Vượng trả lời ra sao khi nhận được lời khuyên 'đừng vội sang Mỹ cắm cờ' của lãnh đạo Viettel?
- 18-11-2021Giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng từ 30/12: Lúa mì 0%, thép cao nhất 15%
Trong tọa đàm “Định hướng đầu tư năm 2022”, nằm trong khuôn khổ Triển lãm doanh nghiệp cựu sinh Úc 2021 do Đại học RMIT Việt Nam tổ chức mới đây, các diễn giả đã có những bình luận về điểm đặc biệt, nổi trội của thị trường Việt Nam trong mắt nhà đầu tư.
Bà An Đỗ - Giám đốc Patamar Capital
Bà An Đỗ đến từ Patamar Capital cho rằng, nếu đứng ở góc nhìn vĩ mô, Việt Nam vẫn là một trong những thị trường mới nổi với tiềm năng tăng trưởng tốt nhất trong khu vực. Bên cạnh đó, khung pháp lý về kinh tế số tại Việt Nam đã từng bước ra đời và đi vào ổn định, đặc biệt là phong trào chuyển đổi số. Năm 2021, TP.HCM và Hà Nội đều lọt top 100 nền sinh thái khởi nghiệp mới nổi của thế giới, cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp cũng như nền kinh tế số đã có bước phát triển bứt phá.
Đáng nói, chỉ số đo lường cụ thể của Tp.HCM xấp xỉ với Singapore. Chỉ số nhân tài và năng lực được đánh giá 8/10.
"So với các hệ sinh thái khởi nghiệp khác thì Việt Nam không có chuyện phải nhập khẩu kỹ sư lập trình, kỹ sư công nghệ. Hệ thống đào tạo của mình khá đầy đủ. Thậm chí chúng ta còn xuất khẩu nhân tài, thông qua việc có nhiều công ty outsourcing phần mềm cho nước ngoài", bà An Đỗ nhận định.
Trong khi đó, ông Hoàng Đức Trung – Giám đốc VinaCapital Ventures cho rằng một điểm nổi bật của Việt Nam đó là số lượng phụ nữ tham gia kinh doanh và thành công đứng hàng đầu trên thế giới. Có thể điểm nhanh ngay một vài cái tên nổi bật như Vietjet Air của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Vinamilk do bà Mai Kiều Liên lãnh đạo hay Tập đoàn TH của bà Thái Hương.
"VinaCapital rất thích đầu tư vào những doanh nghiệp do nữ điều hành. Tại vì độ thành công, độ chăm chút, tập trung cho công ty của họ rất lớn. Tôi không nói đàn ông làm việc là không thành công. Nhưng khi bắt đầu có thành quả, đặc biệt là với startup, thì sự tập trung của các founder nam bị phân tán vào những thứ khác", ông Trung chia sẻ.
Lãnh đạo quỹ VinaCapital Ventures lấy ví dụ, founder nam thành công một chút thường đi đánh golf.
"Họ đến với nhà đầu tư, nói: Bây giờ Handicap (chỉ số chỉ khả năng của người đánh golf, chỉ số càng thấp chứng tỏ trình độ càng cao) của tôi là 5 hoặc 10. Vậy để chơi golf thì mất khoảng 5 tiếng cho một ngày, để nuôi một handicap nhỏ thì mỗi ngày các anh ấy phải mất bao nhiêu tiếng? Một tháng anh mất bao nhiêu tiếng? Và như vậy thì thời gian chăm chút cho doanh nghiệp không còn nhiều nữa. Đó là nói vui nhưng thực tế là như vậy".
Ngoài ra, theo ông Trung, lịch sử chiến tranh Việt Nam đã tạo ra một thế hệ những người phụ nữ (có thể bây giờ đã về hưu) rất thành công. Vì trong chiến tranh, nhiều nam giới tham gia chiến đấu, hy sinh và không thể trở về. Việc chăm chút gia đình, kinh doanh, làm nội trợ, rất rất nhiều việc trong xã hội đều đổ lên vai người phụ nữ,
Thêm nữa, văn hoá Việt Nam rất trọng chữ nghĩa, cha mẹ dạy con không phân biệt nam hay nữ, đều được chăm chút phát triển văn hoá. Do đó mà tỷ lệ nữ giới tham gia lao động ở Việt Nam rất cao.
"Chính vì vậy tỷ lệ phụ nữ thành công trong xã hội rất cao. Như tôi đề cập lúc đầu, phụ nữ thành công thì doanh nghiệp của họ thường rất bền vững, có chiều sâu".
Thực tế, theo số liệu của Grant Thornton năm 2021, tỷ lệ phụ nữ giữ các vai trò cấp cao trong doanh nghiệp tại Việt Nam đạt 39% (tăng 6% so với 2020) và xếp thứ 3 trên thế giới (trong số 29 quốc gia được khảo sát).
Các vị trí hàng đầu thường được phụ nữ đảm nhận trong doanh nghiệp tại Việt Nam năm 2021 là Giám đốc tài chính với tỉ lệ 60% (tăng từ 32% của năm 2020) đưa Việt Nam đứng số 1 tại Châu Á Thái Bình Dương. Vị trí Giám đốc Nhân sự đứng thứ hai với 59%, đây cũng là một vị trí rất phổ biến tại các khu vực còn lại của Châu Á Thái Bình Dương. Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong tỉ lệ phụ nữ giữ vị trí Giám đốc điều hành với mức tăng từ 7% lên 20% vào năm 2021 (xếp thứ 7 trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương).
Nhìn vào danh mục đầu tư của quỹ VinaCapital Ventures, không khó để thấy sự hiện diện của một số startup có nữ giới làm CEO hoặc đồng sáng lập. Ví dụ vào ngày 13/9 mới đây, quỹ này đã đầu tư vào startup công nghệ bảo hiểm GlobalCare do bà Đinh Thị Ngọc Niềm và ông Hàng Minh Lợi sáng lập. Bà Ngọc Niềm là một nhân sự kỳ cựu trong ngành bảo hiểm và kiêm luôn chức CEO.
Tương tự, tháng 9/2021, VinCapital còn rót vốn vào nền tảng công nghệ DutyCast, do bà Nguyễn Lê Hoa làm đồng sáng lập và CEO. Hay Logivan – một ứng dụng công nghệ đặt xe tải do 9x Linh Phạm sáng lập cũng là startup nằm trong danh mục của VinaCapital.
Doanh nghiệp và Tiếp thị