MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sếp VincaCapital tiết lộ 'khẩu vị' đầu tư đối với quỹ trị giá 100 triệu USD mới thành lập

11-10-2018 - 08:05 AM | Doanh nghiệp

Ngày 30/8 vừa qua, quỹ VinaCapital đã thông báo thành lập VinaCapital Ventures với quy mô 100 triệu USD để đầu tư vào các startup công nghệ.

Ông Trần Nhật Khanh - Giám đốc Đầu tư công nghệ và đối tác của VincaCapital tại VinaCapital Ventures cho biết VinaCapital Ventures sẽ theo mô hình công ty cổ phần chứ không phải hình thức quỹ do không muốn bị rằng buộc bởi thời gian thoái vốn. Đồng thời, mô hình này cũng giúp VinaCapital Ventures theo đuổi các mô hình tài chính chiến lược khác như liên doanh và đồng đầu tư với các tập đoàn.

Ông Khanh nói: "Vì những loại đầu tư khác nhau này, một công ty sẽ thực sự trở nên có ý nghĩa hơn. Nó đem lại sự linh hoạt để tăng thanh khoản cho những lần thoái vốn cũng như tầm nhìn dài hạn cho sự hợp tác giữa công ty và các tập đoàn khác".

VinaCapital Ventures đã công bố hai khoản đầu tư đầu tiên của mình vào ứng dụng logistic LOGIVAN và ứng dụng gọi xe FastGo. Ông Khanh nhận thấy triển vọng trong việc thực hiện các khoản đầu tư vào các công tư khởi nghiệp của Việt Nam trong trung hạn nhờ vào sự cải thiện sinh thái và sự tăng cường hỗ trợ của Chính phủ trong những năm gần đây.

Dưới đây là phần lược dịch bài phỏng vấn ông Trần Nhật Khanh của tờ Dealstreetasia:

Tại sao ông lại ra mắt VinaCapital Ventures ở thời điểm này thay vì một vài năm trước đây?

Thời gian qua, chúng tôi đã giảm đầu tư vào DFJ VinaCapital. Trong 12 tháng qua, chúng tôi bắt đầu suy nghĩ về điều quan trọng cần làm tiếp theo cho VinaCapital và cho Việt Nam nói chung là gì. Chúng tôi cũng cân nhắc khá nhiều về quy mô của mô hình. Chúng tôi muốn mang lại lợi ích cho đất nước và gần đây, chúng tôi mới thực sự hoàn thành các điều khoản, thống nhất về quy mô và cấu trúc của nền tảng này. Chính vì vậy, trong những năm vừa rồi, chúng tôi đã nỗ lực giảm đầu tư cho DFJ VinaCapital để có thể tạo tiền đề phát triển như hiện nay.

Tình hình của DFJ VinaCapital ra sao?

Chúng tôi rất hài lòng với kết quả của DFJ VinaCapital hiện tại. Một trong những điểm đáng chú ý là Vietnam Online Network đã được CareerBuilder mua lại vào năm 2013, cổ phần tại Chicilon Media đã được bán lại cho chính người sáng lập vào năm 2017 và thành công gần đây nhất chính là Yeah1 với giá trị hơn 400 triệu USD. Chúng tôi không thể tiết lộ thêm do thỏa thuận về bảo mật giữa các bên liên quan.

Tại sao VinaCapital Ventures lại không theo mô hình quỹ?

Lý do chúng tôi cấu trúc nó theo mô hình công ty cổ phần vì chúng tôi không hướng đến tiến trình bán vốn. Với mô hình này, chúng tôi sẽ không có thời gian đầu tư bắt buộc. Chúng tôi đang thực hiện hai loại hình đầu tư. Loại đầu tiên là vốn đầu tư mạo hiểm thông thường, theo đó, chúng tôi sẽ lấy một số cổ phần thiểu số đáng kể trong các công ty khởi nghiệp như LOGIVAN và FastGo. Loại thứ hai là quan hệ với các đối tác lớn, đồng đầu tư cũng như liên doanh với các quỹ PE và tập đoàn tại Việt Nam. Mục đích là khi đã triển khai được phần lớn trong số 100 triệu USD đầu tiên, trong tương lai, chúng tôi sẽ nhận được nhiều tài trợ hơn.

Nhận định về môi trường đầu tư tại Việt Nam?

Trong một vài năm trở lại đây, khá nhiều công ty đầu tư mạo hiểm lớn đã "nhảy dù" vào Việt Nam. Môi trường đầu tư tại Việt Nam không có nhiều khoản đầu tư trong các vòng gọi vốn B và C. Đó là nguyên nhân chúng tôi luôn phải làm việc chặt chẽ ngay từ đầu. Chúng tôi đang tìm hiểu thêm về việc xây dựng một cộng đồng đầu tư".

VinaCapital Ventures đang đầu tư khoảng 2-10 triệu USD vào các startup. Điều VinaCapital tìm kiếm là gì?

Chúng tôi đang tìm kiếm hai thứ. Một là "mô hình kinh doanh đã được chứng minh". Theo đó, hoặc là công ty đã bắt đầu kiếm được tiền hoặc mô hình kinh doanh của họ đã được chứng minh ở những quốc gia tương tự như Việt Nam về nhân khẩu học, yếu tố kinh tế và một số yếu tố khác. Hai là "chiến lược ngách". Chúng tôi cân nhắc và đánh giá các cơ hội liên doanh và hợp tác với những doanh nghiệp chủ chốt tại Việt Nam. Chúng tôi đang nghĩ tới các tập đoàn bất động sản, F&B và bán lẻ để đầu tư vào sự đổi mới trong những ngành này. Do đó, điều quan trọng là yếu tố chiến lược và chúng tôi sẽ không đưa ra tiêu chuẩn cụ thể cho quy mô sẽ thực hiện.

Ngành fintech phát triển ở Việt Nam như thế nào?

Đây là ngành mà chúng tôi đang tập trung nhiều hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang xem xét những mô hình kinh doanh có thể không phải là fintech ở thời điểm hiện tại nhưng lại có tiềm năng trong việc phát triển cơ sở người dùng – nơi có sức mua phù hợp. Đó cũng sẽ là tiềm năng cho dịch vụ fintech sau này.

Tôi đã có mặt tại một hội thảo mà chúng tôi phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển châu Á tại Hà Nội. Chúng tôi đã mời rất nhiều nhà quản lý và nhà đầu tư lớn từ các nước khác đến Việt Nam và chúng tôi tin rằng đây sẽ là nền tảng cho nhiều công ty fintech trong nước. Có thể trong 6-12 tháng tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tham gia điều tiết và chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng vào một sự bùng nổ của các công ty địa phương mới trong thời gian từ 1 đến 2 năm tới.

Đối với ngành dịch vụ tài chính, các ngân hàng đều đang nỗ lực cải tiến và biến đổi kĩ thuật số để cắt giảm chi phí. Cộng đồng fintech sẽ trở thành một thành phần quan trọng để phát triển toàn bộ ngành công nghiệp. Điểm bùng phát của thị trường fintech có khả năng sẽ sớm hơn nhiều so với thị trường chia sẻ xe.

Điểm ấn tượng khi lần đầu gặp gỡ những người sáng lập FastGo và LOGIVAN?

Khi gặp Nguyễn Hữu Tuất (người sáng lập FastGo), tôi đã rất ấn tượng. Anh ấy là một doanh nhân và đã làm việc trong ngành công nghệ gần 15 năm. Điều đặc biệt là khi nói chuyện với các kĩ sư công nghệ, họ thường chỉ tập trung vào sản phẩm. Vì thế, không dễ để tìm được một người có sự nhạy bén trong kinh doanh và am hiểu về mảng công nghệ của giải pháp như Tuất. Chúng tôi thực sự ấn tượng với tốc độ tăng trưởng của FastGo.

Chúng tôi gặp nhau khi công ty mới thành lập được ba tháng và mọi thứ đã phát triển rất nhanh. Người sáng lập cho biết mục tiêu cuối cùng của họ là tạo ra hàng triệu việc làm cho người dân ở Việt Nam và Đông Nam Á. Chúng tôi thích góc độ đầu tư đó. Để đạt được mục tiêu này, tất nhiên Việt Nam sẽ không phải là thị trường duy nhất mà họ nhắm đến. Vậy nên, họ cần thêm sự hỗ trợ kinh phí để có thể thúc đẩy tăng trưởng.

LOGIVAN lại là một câu chuyện khác. Tôi và Linh Phạm - người sáng lập LOGIVAN đã quen biết từ trước. Chúng tôi cùng học tập tại Anh, sau đó chúng tôi cùng làm việc cho Goldman Sachs trong thời gian ngắn. Và giờ đây chúng tôi đều trở lại Việt Nam với một mong muốn mạnh mẽ là giúp đất nước phát triển.

Gia đình của Linh vốn kinh doanh vận tải đường bộ nên cô ấy đang giúp giải quyết những vấn đề gây đau đầu của ngành này là có tới 70% số xe tải ở trong tình trạng rỗng chiều về. Chúng tôi hi vọng với sự hỗ trợ của mình, LOGIVAN sẽ phát triển thành công tại Việt Nam và hướng tới mở rộng quy mô ở cấp khu vực.

Ông có nghĩ rằng các nhà đầu tư nên có cái nhìn dài hạn về thị trường không?

Theo tôi, nên coi đây là thị trường có tính chất trung hạn. Nguyễn Hữu Tuất đã thành lập công ty đầu tiên của mình 14 năm trước khi các điều kiện quan trọng chưa đầy đủ để hỗ trợ. Chúng tôi cũng phải mất 10 năm mới nhận ra khoản đầu tư đối với trường hợp của Yeah1. Tuy nhiên, đến nay, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều và Chính phủ của chúng tôi cũng đang thúc đẩy nền kinh tế (theo hướng công nghệ) 4.0.

Chính phủ đã nhận ra rằng công nghệ sẽ là một phần quan trọng trong phát triển kinh tế. Những người sáng lập như Linh Phạm đã trở lại Việt Nam cùng kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài để phát triển đất nước. Có thể thấy rằng FastGo và LOGIVAN đang phát triển tại Việt Nam ở quy mô lớn hơn nhiều so với các công ty khởi nghiệp thế hệ trước. Tôi không thể nêu rõ thời gian cụ thể là bao lâu nhưng chúng tôi hi vọng rằng thế hệ các nhà sáng lập và khởi nghiệp mới này sẽ thành công hơn nữa trong tương lai.

Theo Gia Vũ

Trí Thức Trẻ/DealstreetAsia

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên