MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Shark Bình: "Trí tuệ nhân tạo mà không tạo ra tiền thì đừng nói chuyện!"

07-10-2019 - 08:40 AM | Doanh nghiệp

"Ngày nay "AI, big data, blockchain" là từ khoá mà bất cứ nhà sáng lập startup nào khi họ đến gặp nhà đầu tư cũng đưa ra để huy động vốn. Tôi tham gia chương trình Shark Tank và tôi phải hét lên tại sao họ hay dùng mấy từ đó, tôi gọi đó là "ngáo nghệ", Chủ tịch NextTech chia sẻ về việc lạm dụng "trend" trí tuệ nhân tạo của các startup hiện nay.

Vietnam Frontier Summit (VFS) là sự kiện công nghệ thường niên được đồng tổ chức bởi RubikAI, một dự án được phát triển bởi Nexus Frontier Tech và VTV24. Với chủ đề năm nay "Intelligence in Motion", VFS hướng tới xây dựng một diễn đàn dành cho các cá nhân và những nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, kết nối cộng đồng công nghệ Việt Nam với thế giới và thúc đẩy sự phát triển của trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.

Tại sự kiện lần này, các chuyên gia đến từ Temasek, Nexus Frontier Tech, Hello Tomorrow Singapore, IBM Việt Nam, NextTech Group... mang đến các đánh giá và nghiên cứu tổng quan về thực tiễn xảy ra khi áp dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Shark Bình: Trí tuệ nhân tạo mà không tạo ra tiền thì đừng nói chuyện! - Ảnh 1.

Dữ liệu giống như đất đai, đóng vai trò tư liệu sản xuất, không có dữ liệu không có trí tuệ nhân tạo

Theo ông Sang Shin, Giám đốc Đổi mới kỹ thuật số của Temasek nhận định: "Không có dữ liệu thì không thể có trí tuệ nhân tạo". Vấn đề của AI hiện nay không phải ở thuật toán mà là ở nguồn dữ liệu. Các quốc gia cần phải xác định các chính sách về việc xuất nhập và chia sẻ dữ liệu như thế nào. Giống như những gì đang diễn ra với hệ thống ngân hàng, tức là phải có những quy định chung mà các quốc gia phải tuân thủ. Dữ liệu đóng vai trò như tiền tệ trong hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo. 

Chuyên gia Temasek cho rằng chính phủ các nước phải hiểu rõ giá trị của dữ liệu và các quy định về chia sẻ dữ liệu. Tại Singapore, Chính phủ làm việc với Temasek để tạo ra đc sandbox về dữ liệu để thử nghiệm, kết hợp giữa dữ liệu khối tư và khối công để bổ trợ cho AI.

Ngoài ra, cần quan tâm đến vấn đề đạo đức trong trí tuệ nhân tạo, có những điểm nguy hại mà AI mang lại, làm sao quy định và kiểm soát được AI tại mỗi quốc gia.

Tại phiên thảo luận "Đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo tại Châu Á", ông Hajime Hotta, Chief AI Scientist của Nexus FrontierTech, đơn vị tổ chức sự kiện chia sẻ công ty này đang đầu tư vào 60 doanh nghiệp khởi nghiệp về AI và có 100 nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực AI, cung cấp giải pháp cho thị trường Nhật, Mỹ.

Không phủ nhận vai trò quan trọng của dữ liệu, tuy nhiên ông Hajima cho rằng các doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực AI trước khi bắt tay làm cũng phải đánh giá được quy mô của thị trường. "Nếu huy động được 1 triệu USD trong một thị trường quy mô 100 triệu USD thì tôi cho rằng quy mô đó đáng để đầu tư". "Ở Việt Nam có rất nhiều dữ liệu, nhưng về mặt chiến lược thì dữ liệu đó có quan trọng hay không, phải có suy nghĩ rất nghiêm túc làm thế nào có khả năng phòng vệ mang tính bền vững về dữ liệu". 

Nếu trí tuệ nhân tạo không kiếm ra tiền, thì gọi là "ngáo nghệ"

Shark Bình: Trí tuệ nhân tạo mà không tạo ra tiền thì đừng nói chuyện! - Ảnh 2.

Chủ tịch NextTech Group Nguyễn Hoà Bình chia sẻ, "Tôi luôn nói về tiền, AI có thể quan trọng nhưng quan trọng là ứng dụng có tạo ra tiền hay không, nếu không có tiền thì không nói chuyện (no money, no talk), các startup phải thực tế và sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra tiền. Chủ tịch NextTech cho biết họ là thế hệ doanh nghiệp Việt nam đầu tiên chuyển đổi số và xây dựng các ứng dụng để số hoá, "thách thức hiện nay là làm thế nào để các ứng dụng trở nên thông minh hơn, chúng tôi chú ý nhiều hơn đến việc sử dụng AI trong lĩnh vực cho vay và bảo hiểm".

Về cơ hội cho các startup trong lĩnh vực AI, Chủ tịch NextTech cho rằng "nguồn nhân lực Việt Nam rất dồi dào, các kỹ sư tài năng nhờ nền giáo dục tập trung vào các môn khoa học tự nhiên. Do đó người Việt Nam rất giỏi logic và giỏi toán, là cơ sở ban đầu của nguồn nhân lực AI. Điểm mạnh thứ 2, nền kinh tế Việt Nam có năng suất lao động thấp trong khu vực, đây là cơ hội cho AI vì chúng ta dùng công nghệ để nâng cao năng suất lao động và chúng ta kiếm được tiền từ ứng dụng cụ thể". 

Ông Bình chỉ ra 2 thách thức với các startup trong lĩnh vực AI. Thứ nhất là tư liệu sản xuất, các kĩ sư như các nhà nông dân đang phải khai thác đất (là dữ liệu, thông tin, big data) nhưng data thuộc quyền sở hữu của các địa chủ là Chính phủ, là doanh nghiệp lớn, các ngân hàng, tổ chức giáo dục. Các đối tượng này có nhiều tư liệu nhưng họ có sẵn sàng chia sẻ dữ liệu hay không, đó là thách thức lớn nhất khi các startup chưa tìm được tiếng nói chung với Chính phủ và các doanh nghiệp truyền thống.

Thứ hai, các doanh nghiệp AI thường được sáng lập và lãnh đạo bởi những người thuần kỹ thuật, các founder này hay bay bổng và không biết cách kiếm tiền. AI sẽ chết nếu đứng một mình, các bạn không đủ năng lực để làm và không đủ năng lực phát triển thị trường. Câu chuyện ở đây là các bạn phải tìm cách kết hợp với các DN truyền thống, hỏi xem họ có vấn đề gì và đưa AI để giải quyết vấn đề của họ. "Hãy kiếm tiền để chia nhau chứ đừng bán cho họ phần mềm, giúp họ tăng năng suất lao động mới là cách kinh doanh thành công", chủ tịch NextTech chia sẻ.

"Hôm qua tôi nói chuyện về chuyển đổi số với 700 CEO ở trung tâm hội nghị quốc gia, rất nhiều CEO nói rằng làm thế nào để tìm được CTO. Nên tôi đã nảy ra ý định là NextTech có thể làm cầu nối giữa doanh nghiệp công nghệ và doanh nghiệp truyền thống", ông Bình chia sẻ. 

"Tôi là người thực tế. Ngày nay "AI, big data, blockchain" là từ khoá mà bất cứ nhà sáng lập startup nào khi họ đến gặp nhà đầu tư cũng đưa ra để huy động vốn. Tôi tham gia chương trình Shark Tank và tôi phải hét lên tại sao họ hay dùng mấy từ đó, tôi gọi đó là "ngáo nghệ", đây là điều phổ biến ở startup. Đôi khi có những startup là "fake AI" (trí tuệ nhân tạo rởm)", Shark Bình vẫn giữ quan điểm như ở chương trình Shark Tank, gọi một số startup là "ngáo giá", "ngáo nghệ".

Chủ tịch NextTech khẳng định AI là tương lai, và các ứng dụng cần thông minh hơn. Nhưng lời khuyên của Shark Bình vẫn là AI không quan trọng, quan trọng hơn cả là cách kiếm tiền, là cách ứng dụng trong kinh doanh (business model). "Khi tôi gặp một số doanh nghiệp truyền thống, có người đã nói rằng sử dụng AI nhưng không thấy tính tối ưu và kết quả của nó. Nếu ứng dụng của bạn không giúp tối ưu hoá kết quả kinh doanh và kiếm thêm tiền cho doanh nghiệp thì bạn thất bại". 

"Phải mang lại giá trị gia tăng và dừng nghĩ quá nhiều về thuật toán, hãy nghĩ về việc triển khai kinh doanh như thế nào. Các startup nên học hỏi từ hệ sinh thái nông nghiệp của Việt Nam, kết hợp 4 nhà (nông dân, nhà khoa học, nhà kinh doanh và Chính phủ). Trí tuệ nhân tạo cũng như vậy, chúng ta có thể là nông dân và cần phải kết hợp với các nhà kinh doanh truyền thống". Chủ tịch NextTech chia sẻ công ty này đang kìm kiếm giám đốc AI và partners AI.

Châu Cao

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên