Shark Hưng đầu tư 2 tỷ cho startup bàn học chống gù vì lý do "cảm tính" cho dù nhận định mô hình kinh doanh còn nhiều khó khăn
Anh Nguyễn Tuấn Hải, CEO – Founder của FUT Group - đơn vị sản xuất bàn chống gù chống cận cho các em học sinh. Tuấn Hải kêu gọi 2 tỷ cho 10% cổ phần của công ty FUT Group.
Startup thứ ba đến với Shark Tank là Nguyễn Tuấn Hải, CEO – Founder của FUT Group - đơn vị sản xuất bàn chống gù chống cận cho các em học sinh. Tuấn Hải kêu gọi 2 tỷ cho 10% cổ phần của công ty FUT Group.
Startup chia sẻ thông tin rằng tại Hà Nội và Tp.HCM hiện nay đang có 48% học sinh bị gù và cận. Ghế Esca của FUT Group có thể đẩy lên được phía trước và mặt bàn nâng lên một góc từ 15-20 độ, trẻ sẽ có tư thế ngồi thoải mái không còn bị cúi gù thụ động. Việc cúi gù này sẽ dẫn đến trẻ bị chùng cơ và nhìn gần thụ động lâu ngày sẽ gây nên cận thị. Bàn Esca có các cách sắp đặt mặc định để phù hợp với chiều cao từ lớp 1 đến lớp 12, và có thể dễ dàng di chuyển.
Hiện FUT đã hoàn tất một đơn hàng 216 triệu đến trường học và một đơn hàng 451 triệu đang được ký kết, bắt tay vào sản xuất. Tuấn Hải cũng cho biết có 8-10 trường có quan tâm đến bàn Esca. Sản phẩm đã đăng ký bản quyền sở hữu công nghiệp.
Anh Hải tâm sự thêm rằng ngày xưa học anh rất nhiều và ra trường là Thạc sĩ – Kiến trúc sư trường ĐH Kiến Trúc Hà Nội. Anh thường xuyên phải làm việc với máy tính nhiều giờ một ngày nhưng không bị cận. Trong khi đó các con anh, một bé trai học lớp 4 cận 4,5 diop, và chị của cháu học lớp 7 vừa bị gù vừa bị cận 7,5 diop. Việc này ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của các con. Tuấn Hải hiện còn một bé 2 tuổi, mong ước của anh là khi cô con gái đến tuổi đến trường thì sẽ có nhiều trường học trang bị bàn chống gù chống cận trên lớp. Bé sẽ không bị gù cận như anh chị mình.
Bàn Esca có nhiều giá thành, từ 1,8 triệu - 3,5 triệu/chiếc, được Shark Liên khen mẫu mã đẹp và giá cạnh tranh.
Shark Hưng lo lắng về việc phân phối hệ thống này vào các trường học, bởi vì nếu hướng đến bán hộ gia đình thì khá ổn nó tương đối dễ nhưng sản lượng sẽ nhỏ mà lại không giải quyết được vấn đề triệt để vì các bé lại tiêu tốn thời gian ở trường hơn rất nhiều so với ở gia đình. Phân phối ở trường học thì phải có quy trình mua sắm tài sản, phải đấu thầu nhưng giá thành cao khi chưa được chứng minh hiệu quả khác biệt hoàn toàn thì rất khó đấu thầu.
Tuấn Hải giải đáp rằng thay đổi nhận thức của các nhà giáo dục và phụ huynh rất là khó, anh sẽ đi bằng con đường tiếp cận các trường có học phí từ 4,5 triệu trở lên. Ở trường đầu tiên anh đến, nhà trường rất là muốn nhưng mà trong đợt Covid rất khó khăn về mặt kinh tế thì anh có chia sẻ với hội phụ huynh, và hội phụ huynh đã lập tức đứng lên mua tài trợ cái bàn này cho các em học sinh lớp 1.
Nhưng Shark Liên cho anh chỉ đang vận động để chạy thử, chưa có sự đồng bộ. Tuy vậy, bà cũng cho biết mình rất cảm động. "Em là một người cha có trách nhiệm và em đã phải dày công để nghĩ ra được, sáng chế ra được ý tưởng này. Nó quá tuyệt vời và thực sự là em đã chạm vào trái tim của chị."
Vốn điều lệ của FUT là 5 tỷ đồng, thực góp của anh Tuấn Hải là 8,769 tỷ đồng. Hiện giờ còn 600 triệu vì công ty anh chuyên sản xuất những đồ ergonomic (công thái học) cho trẻ em. Công ty FUT còn hơn 100 sản phẩm sáng chế khác với tổng doanh thu là 6,716 tỷ.
"Với sản phẩm này còn rất nhiều điều có thể cải tiến", Shark Hưng nhận định.
Cổ đông công ty hiện nay có anh Hải là chủ tịch chiếm 85%, một cổ đông người Nhật chiếm 5%, một kỹ sư tin học 5% và giám đốc phụ trách truyền thông 5%. Nếu các Shark khác đầu tư, Tuấn Hải sẽ nhượng lại số phần trăm cổ phần của chính mình.
Shark Phú cảm thấy đây là ý tưởng rất là tốt và nhân văn, tuy nhiên ông thấy quy mô tăng trưởng sẽ gặp nhiều khó khăn. Ông quyết định sẽ không đầu tư, nhưng về sản xuất thì ông có thể hỗ trợ được vì ông có nhà máy cơ khí gần như đầy đủ hết máy móc thiết bị.
Shark Linh nghĩ startup cần có MVP (minimum viable product) – sản phẩm khả thi tối thiểu. "Tất cả các công ty khởi nghiệp sẽ xuất phát từ 1 vấn đề và nghĩ ra 1 sản phẩm để giải quyết được vấn đề đó, khi mà mình bắt đầu mình nên suy nghĩ tối thiểu. Với chị cái sản phẩm này hơi quá, mình không nhất thiết phải tạo ra sản phẩm 3 triệu trở lên chỉ để thử nghiệm cái lý thuyết của mình, rằng nếu mình đưa sách lên như vậy thì sẽ giảm bớt tỷ lệ bé bị cận. Có nhiều cái kệ ngoài thị trường để đặt lên bàn, rồi đưa cuốn sách đó lên. Bạn có thể thiết kế một cái đơn giản hơn, có thể dễ sử dụng với giá thành khoảng vài trăm ngàn, lúc đó các trường có thể dễ sử dụng hơn. Nói chung mình nên xem xét lại sản phẩm này có đúng hướng đi ngay lúc đầu không hay mình có thể tìm sản phẩm đơn giản hơn." Shark Linh quyết định không đầu tư.
"Nếu chị thấy bàn 3,5 triệu đồng mà đắt nhưng có nhiều trường đang mong muốn đặt hàng thì đó là tín hiệu mừng. Còn nếu anh Phú cho thấy bàn của em có thể làm rẻ hơn thì khả năng kinh doanh phía trước vẫn còn, em vẫn tin tưởng và đi theo con đường của mình. Trong đội ngũ của em có một nhà đầu tư Nhật và mục đích chính của bác mong muốn xuất khẩu sản phẩm sang Nhật nhưng khi mình muốn làm cái gì đó thì mình phải trao đi một giá trị nhất định đã", anh Tuấn Hải chia sẻ.
Shark Liên tuy cảm động vì Startup có trách nhiệm của một người cha tuyệt vời, nhưng Startup không thuộc lĩnh vực của bà nên bà không đầu tư.
Shark Hưng khá quan tâm đề tài tuy nhiên ông lo sản phẩm khi bắt đầu ra thị trường rồi sẽ xuất hiện rất nhiều đối thủ, nhất khi là Startup khai thông được kênh phân phối. Ông nhận định trong nhóm cổ đông và sáng lập hiện nay chưa thấy có ai làm kinh doanh. Ông đề nghị đầu tư 2 tỷ đổi lấy 25% cổ phần. Tuấn Hải không đồng ý và thương lượng mức 2 tỷ cho 15%.
Shark Hưng đề nghị: "Cưa đôi. Tôi đề nghị 25%, bạn đề nghị 15%, cưa đôi lấy nửa 20%? Thật ra đây chỉ là offer (đề nghị) ban đầu tôi, chúng ta còn rất nhiều việc phải đánh giá và phải làm nữa".
Tuấn Hải hội ý với đội ngũ rồi đưa ra đề xuất tới: "Em cũng thực góp bằng 8 tỷ 796 triệu, anh góp thêm 2 tỷ, coi như tỷ lệ 1:1, thì 18% là đúng tỷ lệ 1:1 như Founder từ đầu của cty."
Shark Hưng đồng ý với đề nghị 2 tỷ cho 18%. Thương vụ kết thúc thành công kèm theo sự ủng hộ tinh thần của Shark Bình: "Anh sẽ mua ủng hộ em 2 cái bàn cho 2 đứa con nhà anh".
Sau khi thương vụ được phát sóng, Shark Hưng cho biết mặc dù đây không phải giải pháp mới trên thị trường có rất nhiều giải pháp như đèn cống cận, balo chống gù, rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng với sức khoẻ học đường nhưng Tuấn Hải thể hiện kiến thức về kiến trúc và quyết tâm khởi nghiệp nên Shark Hưng đánh giá rất cao.
"Tôi còn rất nhiều ý kiến liên quan đến mô hình kinh doanh và tôi đã đóng góp cho bạn startup sau khi ghi hình. Nếu chúng ta đưa ra được giải pháp cải tiến sản phẩm sao cho giá thành hợp lý hơn, khả năng lan rộng hơn thì rất tốt. Khoản đầu tư hơi có tính chất "cảm tính" liên quan đến tính nhân văn của sản phẩm tuy nhiên tôi cho rằng mô hình kinh doanh còn khó khăn nếu muốn đưa vào hệ thống của các trường học. Tôi sẽ giúp bạn ở 2 điểm, thứ nhất là nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm, tìm đơn vị đối tác gia công sản phẩm với giá thành hợp lý hơn, tìm kênh phân phối thích hợp không chỉ đưa vào các trường học tư nhân và quốc tế mà phủ rộng ở các trường tiểu học", Shark Hưng chia sẻ.