MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Shark Hưng: Nếu muốn kiểm soát công ty của startup, tôi đã không là nhà đầu tư

07-07-2019 - 09:44 AM | Doanh nghiệp

Khi nhận đầu tư, các startup thường lo ngại rằng, nếu để nhà đầu tư chiếm quá nhiều cổ phần của công ty thì họ sẽ mất quyền kiểm soát. Tuy nhiên, Shark Hưng khẳng định rằng, tôi không muốn chi phối công ty của các bạn vì tôi là nhà đầu tư, chứ không phải lãnh đạo công ty.

Shark Hưng (tên thật là Phạm Thành Hưng) hiện là Phó Chủ tịch HĐQT Tập Đoàn Cengroup và được nhiều người biết đến thông qua chương trình Shark Tank Việt Nam. Shark Phạm Thanh Hưng được mệnh danh là "cá mập kén ăn" bởi khẩu vị đầu tư rất đặc biệt. Qua chương trình này, ông đã đầu tư cho rất nhiều startup.

Trong một hội thảo về startup diễn ra vào tháng 6 vừa qua, Shark Hưng đã có những chia sẻ thẳng thắn về quan điểm đầu tư cũng như kinh nghiệm của mình với những người trẻ.

Phải tìm được một người leader thực sự

Trong startup, việc lựa chọn cộng sự đi cùng luôn luôn là bài toán khó của founder (người sáng lập), vì để tìm được người đồng quan điểm và có thể tin tưởng để đi cùng mình là điều không hề dễ dàng.

Có rất nhiều người khi cùng nhau khởi nghiệp lại phân chia vị trí và công việc đồng đều nhau, trong một nhóm không có một leader (người lãnh đạo) thực sự.

Shark Hưng: Nếu muốn kiểm soát công ty của startup, tôi đã không là nhà đầu tư - Ảnh 1.

Trong đội nhóm luôn luôn phải tìm được một leader, một người mà không phụ thuộc vào bất kỳ ai.

Shark Hưng cho rằng: "Trong startup, muốn thành công, trong đội nhóm luôn luôn phải tìm được một leader, một người mà không phụ thuộc vào bất kỳ ai, có thể dẫn dắt được người khác và cũng có thể chịu trách nhiệm về thất bại của cả nhóm".

Trong trường hợp khi bắt đầu startup mà phân công vị trí, vai trò như nhau thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng khi thất bại mọi người sẽ đổi lỗi cho nhau và khi thành công thì ai cũng muốn nhận phần nhiều hơn về mình.

Anh Mai Trường Giang, người sáng lập thương hiệu Chewy Junior và Otoké Chicken đã từng thất bại trong nhiều lần khởi nghiệp lại quan điểm: "Khi thấy mình không đủ năng lực và muốn tìm cộng sự đi cùng mình thì không chỉ tìm người có cùng chí hướng, mà cần tìm người có thể cùng tập trung thời gian để phát triển để phát triển ý tưởng đó. Nếu có hiện tượng chân trong, chân ngoài thì đội nhóm của bạn rất dễ tan rã".

Trong startup, muốn thành công và đi cùng với nhau lâu dài, các startup phải tập trung thời gian và công sức để phát triển ý tưởng đó. Startup khó có thể thành công nếu những người kết hợp trong cùng một đội nhóm đang hoặc đã có ý định ôm đồm, làm một lúc nhiều công việc khác nhau.

"Khi bắt đầu startup, nếu có thể nên đi một mình và cố gắng làm hết mọi việc, chỉ nên nhờ người khác giúp đỡ một phần nào đó và trả tiền một cách sòng phẳng. Với cách làm này bạn sẽ đi nhanh và đi xa hơn. Còn nếu làm theo đội nhóm, khi tan rã, chắc chắn bạn sẽ xuống tinh thần", người sáng lập thương hiệu Chewy Junior và Otoké Chicken nói.

Với vấn đề về cộng sự trong startup sẽ có rất nhiều quan điểm khác nhau, có người cho rằng nên phát triển đội nhóm, nhưng lại có người cho rằng nên đi một mình. Mỗi quan điểm đều có những điểm đúng và phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cũng như tính cách của mỗi người.

Startup yên tâm, nhà đầu tư sẽ không muốn nắm giữ quá nhiều cổ phần!

Đa phần các startup đều có đội nhóm và việc phân chia cổ phần làm sao để công bằng cho từng người luôn là bài toán khó và đau đầu đối với họ. Bởi vì trong khởi nghiệp, những startup đi cùng nhau không chỉ đóng góp những giá trị hữu hình như tiền, nhà… để phát triển ý tưởng, công ty mà có đóng góp cả những giá trị vô hình như công sức, trí tuệ. Vì vậy, khi đạt được thành quả nhất định, việc chia cổ phần lại trở thành việc rất khó và khá nhạy cảm với nhiều startup.

Shark Hưng khuyên rằng: "Ngay từ đầu khi các startup hợp tác với nhau, tất cả những đóng góp từ vô hình đến hữu hình đều phải quy đổi thành một tỷ lệ tương ứng, chẳng hạn như tỷ lệ cổ phần để rõ ràng trong việc phân chia lợi ích".

Thực tế đã có rất nhiều đội nhóm startup khi khó khăn thì có thể đi cùng nhau nhưng khi thành công và bắt đầu có lợi nhuận thì lại "tan đàn xẻ nghé". Nên việc phân chia lợi ích một cách rõ ràng và minh bạch là điều quan trọng giúp các startup có thể cùng nhau tiến xa hơn.

Các startup không chỉ gặp khó khăn trong việc phân chia cổ phần giữa những cộng sự trong nhóm, mà còn hay trăn trở trong vấn đề chia cổ phần cho nhà đầu tư như thế nào và để họ nắm bao nhiêu phần trăm cổ phần là an toàn?

"Các startup có thể yên tâm là khi đầu tư vào các bạn, tôi cũng sẽ chỉ nắm từ 30 – 45%, vì tôi không bao giờ muốn chi phối công ty của các bạn, điều đó là dành cho leader. Tôi chỉ là người đồng hành và người đồng hành thì chỉ đi cùng trong từng chặng đường thôi", Shark Hưng nói.

Nhiều startup luôn nghĩ rằng, nếu để nhà đầu tư nắm quá nhiều cổ phần thì sẽ dẫn đến nguy cơ họ sẽ nắm quyền kiểm soát trong tương lai. Nhưng các startup lại không biết rằng, tư duy của những người đầu tư là đầu tư vào startup để sinh lợi nhuận. Nếu các nhà đầu tư muốn kiểm soát công ty của bạn thì họ đã trở thành những nhà lãnh đạo, quản lý.

Đồng thời, vị Shark này cũng đưa ra lời khuyên với các startup rằng, trong quá trình startup, không nên nghĩ đến việc phân chia lợi nhuận quá sớm mà nên đặt mục tiêu bằng một con số nhất định. Khi đạt đến con số đó, các startup mới nên tính đến chuyện phân chia lợi nhuận.

Điều này sẽ giúp các startup không mất quá nhiều thời gian để nghĩ đến việc đến con số nào và bao giờ thì sẽ phân chia lợi nhuận. Thay vào đó, họ sẽ có thời gian tận trung để phát triển dự án, công ty.


Theo Khởi Minh

Trí thức trẻ

Trở lên trên