MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Shark Hưng nói gì khi được hỏi lý do tỷ lệ đầu tư thật quá thấp so với cam kết trên Shark Tank?

21-09-2023 - 20:11 PM | Doanh nghiệp

Shark Hưng nói gì khi được hỏi lý do tỷ lệ đầu tư thật quá thấp so với cam kết trên Shark Tank?

Khi được hỏi về việc đầu tư thật chỉ chiếm 20-25% so với cam kết trên truyền hình, Shark Phạm Thanh Hưng cho biết không chỉ riêng Việt Nam, các chương trình Shark Tank khác trên thế giới cũng có tỷ lệ tương tự như vậy.

Chương trình Shark Tank Việt Nam đã trải qua 5 mùa, với tổng cộng 243 startup tham gia gọi vốn. Trong đó, 143 startup nhận được cái bắt tay với các nhà đầu tư trên sóng truyền hình, 30 startup vượt qua vòng thẩm định và được rót vốn thực. Ngoài ra, có 10 startup từng lên Shark Tank đã thành công với các thương vụ huy động vốn bên ngoài “Bể Cá Mập”.

Theo số liệu ghi nhận từ mùa Shark Tank gần đây nhất, tổng số vốn cam kết sau 14 tập là 305 tỷ đồng dành cho 31 startup. Trong đó, có 5 thương vụ triệu USD là hệ thống Anh ngữ Á Châu, nhãn hàng Nerman, hãng thời trang Melya, EM&AI và doanh nghiệp cung cấp gỗ tự nhiên bảo hành 10 năm e-Timber.

Tuy nhiên, sau một năm, mới chỉ có 4 trong số 31 startup tại mùa 5 được rót vốn thực, bao gồm hệ thống Anh ngữ Á Châu, Công ty TNHH Jungle Boss, các sáng chế của kỹ sư Nguyễn Vĩnh Sơn và công ty Seesaw Vietnam. Tổng số vốn được đầu tư thực tế là hơn 46 tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 15% so với tổng số vốn cam kết trong chương trình.

Shark Hưng nói gì khi được hỏi lý do tỷ lệ đầu tư thật quá thấp so với cam kết trên Shark Tank? - Ảnh 1.

Số vốn cam kết của các nhà đầu tư trên Shark Tank Việt Nam mùa 5.

Tại buổi tọa đàm thuộc khuôn khổ Sự kiện Ra mắt Shark Tank Việt Nam mùa 6, người điều phối cũng đề cập đến một thông tin được “truyền miệng” là chỉ 20-25% cam kết trên sóng truyền hình là đầu tư thật, đồng thời đặt ra câu hỏi con số này có đúng hay không, và tại sao tỷ lệ rót vốn thực thấp như vậy.

Trả lời câu hỏi này, Shark Phạm Thanh Hưng – Chủ tịch CEN Academy, Chủ tịch hội đồng đầu tư Colombo Capital Partners nhận định đây là con số chính xác, đồng thời cho biết không chỉ riêng Việt Nam, chương trình Shark Tank trên toàn thế giới cũng có tỷ lệ tương tự như vậy.

Nếu tính số lượng startup đến được giai đoạn ký kết hợp đồng và được giải ngân thì tỷ lệ rơi vào khoảng 30%. Nếu xét theo số vốn được giải ngân thì tỷ lệ còn thấp hơn nữa, bởi nhiều startup dù được ký hợp đồng nhưng chỉ được giải ngân một phần ”, Shark Hưng chia sẻ.

Vị “cá mập” này giải thích rằng nguyên nhân đến từ cả hai bên, không phải chỉ do các nhà đầu tư không xuống tiền.

Một là các startup không chứng minh được những cam kết hoặc số liệu đáng tin cậy như trên truyền hình. Chúng tôi cam kết đầu tư dựa vào những gì các bạn trình bày, nhưng khi đi sâu nghiên cứu, thẩm định thì mọi thứ không như vậy. Hoặc không đúng bản chất, hoặc sai lệch, nên cuối cùng hai bên không đạt được thỏa thuận.

Ngoài ra, có những startup từ chối nhận đầu tư luôn. Đã có lần một số Shark phải nói rằng đừng làm thế, vì chúng tôi lên đây tranh giành mãi mới có một deal tốt mà cuối cùng lại cắt deal ”, Shark Hưng bày tỏ.

Tiếp tục tham gia Shark Tank Việt Nam mùa 6 trong bối cảnh “mùa đông gọi vốn” kéo dài, Shark Hưng đặt mục tiêu đầu tư vào các startup hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề truyền thống, nhưng có áp dụng công nghệ vào mô hình kinh doanh. Định hướng trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, Shark Hưng đã tham gia xây dựng quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Colombo Capital.

Cụ thể, những startup muốn được Shark Hưng lựa chọn phải định giá doanh nghiệp hợp lý theo các chỉ số tài chính, chứng minh được khả năng tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận và nhà đầu tư có khả năng thoái vốn sau tối đa 5 năm.

Theo Minh Anh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên