MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Shark Nguyễn Xuân Phú tiết lộ cách thức để nắm toàn bộ dữ liệu của Sunhouse

26-11-2022 - 00:12 AM | Doanh nghiệp

Shark Nguyễn Xuân Phú tiết lộ cách thức để nắm toàn bộ dữ liệu của Sunhouse

“Nhiều khi chúng ta dễ bắt chước các doanh nghiệp khác mà không hiểu mình cần gì thì hãy nhớ rằng đây chỉ là cách thức vận hành, cách thức đưa các sản phẩm dịch vụ của mình đến với người tiêu dùng một cách nhanh nhất, rẻ nhất trên nền tảng mình hiểu và với chi phí mình có”, Shark Phú chia sẻ.

Tham luận tại Diễn đàn Shark Tank Forum 2022 – STF5 với chủ đề “Đột phá tăng trưởng trong nền kinh tế số”, Shark Nguyễn Xuân Phú cho rằng, chuyển đổi số chỉ là sự thay đổi cách thức phục vụ người tiêu dùng nhanh hơn, rẻ hơn, tốt hơn, chính xác hơn và giúp việc vận hành doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn.

Lấy ví dụ ngay chính doanh nghiệp của mình là Sunhouse, Shark Phú tiết lộ bản thân chỉ cần một chiếc điện thoại để nắm toàn bộ dữ liệu của doanh nghiệp ngay lập tức. Thậm chí chỉ một phiếu xuất nhập kho thì toàn bộ chỉ số thay đổi cũng đều hiện rõ.

Theo ông, với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, càng cần phải ứng dụng chuyển đổi số. Tuy nhiên, ứng dụng như thế nào và với chi phí bao nhiêu lại là câu chuyện khó khăn nhất với đại đa số các doanh nghiệp. “Nhiều khi chúng ta dễ bắt chước các doanh nghiệp khác mà không hiểu mình cần gì thì hãy nhớ rằng đây chỉ là cách thức vận hành, cách thức đưa các sản phẩm dịch vụ của mình đến với người tiêu dùng một cách nhanh nhất, rẻ nhất trên nền tảng mình hiểu và với chi phí mình có”, Shark Phú chia sẻ.

Ông cũng cho biết thêm, trong vấn đề chuyển đổi số, cấu trúc và quy trình lõi của doanh nghiệp mới là then chốt. Khi đã có quy trình chuẩn, phương pháp chuẩn thì số hoá sẽ giúp mọi thứ nhanh hơn.

Đại diện Cen Group là ông Nguyễn Trung Vũ đồng tình với Shark Phú rằng nếu chỉ có một hai dự án thì không cần chuyển đổi số, nhưng đối với doanh nghiệp của ông, hiện tại đang bán khoảng 500 dự án trên toàn quốc thì chuyển đổi số là thứ rất quan trọng. Ông tin rằng chỉ vài năm nữa thôi thì nhờ việc chuyển đổi số này khách hàng có thể được hưởng lợi nhờ việc giảm thiểu chi phí môi giới và chi phí bán hàng.

Khi được hỏi về việc suy giảm của các công ty công nghệ ở thời điểm hiện tại, Shark Phú cho rằng thời điểm dịch bệnh mọi người đều phải giao dịch trên nền tảng internet vì không thể gặp nhau trực tiếp thì các công ty cung cấp những dịch vụ trực tuyến ấy sẽ tăng trưởng rất đột biến.

Tuy nhiên khi dịch bệnh qua đi, người ta có nhu cầu giao tiếp trực tiếp nhiều hơn, đây cũng là lý do các công ty công nghệ trên thế giới giai đoạn vừa rồi suy giảm.

Ông cho rằng đó là sự cân bằng giữa giải pháp mới và giải pháp cũ, cũng giống như trong doanh nghiệp, công nghệ hay chuyển đổi số là một phương thức vận hành và chưa chắc đã đúng 100%. “Cách làm mới mang lại giá trị mới có tiết kiệm hơn không? Nhanh hơn không? Tốt hơn cho chính mình và khách hàng hay không mới là điều then chốt”, Shark Phú chia sẻ.

Nói về chính Sunhouse, Shark Phú cho rằng rất khó để tính toán một cách chính xác giá trị chuyển đổi số trong nền kinh tế số vì những giá trị đóng góp đến từ số hoá quy trình làm năng suất lao động tăng lên, chi phí giảm đi… Tuy nhiên, nếu rạch ròi về mặt doanh thu, ông không ngại thừa nhận nền tảng thương mại điện tử chỉ đóng góp 5% vào doanh thu.

Khi được hỏi về lĩnh vực sẽ chuyển đổi mạnh mẽ nhất tại Việt Nam trong năm 2023, ông Vũ Hồng Phú dự đoán rằng nền kinh tế Việt Nam trong năm tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn, rủi ro về lãi suất cao, tỷ giá cao, chi phí cao, buộc các doanh nghiệp phải nghĩ rất nhiều về việc chuyển đổi số để tiết kiệm chi phí. Với những yếu tố như vậy, ông Vũ Hồng Phú cho rằng lĩnh vực dịch vụ, tài chính ngân hàng, du lịch, logistics… sẽ chuyển đổi số mạnh mẽ nhất để tối ưu hóa chi phí.

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, tổng giá trị hàng hóa của nền kinh tế số Việt Nam từ con số 18 tỷ USD năm 2021 dự kiến tăng lên 23 tỷ USD vào năm 2022. Với tỷ lệ 28%, nền kinh tế số Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về mức độ tăng trưởng. Trong đó, 90% người dùng số dự định duy trì, thậm chí gia tăng tiêu dùng thương mại điện tử.

Dự kiến nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 31% giai đoạn 2022 – 2025. Và cơ hội càng rõ nét hơn khi sau đại dịch, có tới hơn 90% doanh nghiệp SMEs quan tâm đến chuyển đổi số, so với con số chỉ 30 – 40% trước đại dịch.

Nhìn chung, trong giai đoạn hiện nay, “chuyển đổi số” và “linh hoạt” được xác định là hai từ khóa giúp doanh nghiệp nhanh chóng ứng biến trong từng hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao cũng như khó khăn trong thay đổi thói quen là hai rào cản hàng đầu trong chuyển đổi số.

Theo khảo sát của Vinasa, tỷ lệ các doanh nghiệp đang triển khai các hoạt động chuyển đổi số chiếm khoảng 15%. Trong đó, 99% SMEs gặp khó khăn về vốn nên thường coi chuyển đổi số là “sân chơi” dành riêng cho các ông lớn.

Bài toán được đặt ra ở đây là doanh nghiệp cần thích ứng như thế nào, ứng dụng giải pháp, công nghệ gì, xây dựng nguồn lực ra sao để duy trì ổn định và tạo tiền đề cho sự tăng trưởng đột phá thông qua chuyển đổi số.

Thảo Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên