Shark Tank mùa 5 chưa chiếu, Shark Phú và Shark Liên đã ‘cà khịa’ nhau nảy lửa
Trong buổi ra mắt chương trình Shark Tank Việt Nam 2022, Shark Liên nhận xét về Shark Phú là người ‘khi thẩm định thì tính toán từng con số và không để tiền lọt ra ngoài một cách dễ dàng’. Đáp trả, Shark Phú cũng thừa nhận mình là người "quý tiền" và cho rằng "không phải ai cũng may mắn như chị Liên".
- 19-05-2022Bí mật "ghế Shark" ở Shark Tank Việt Nam mùa 5: Chế tác thủ công từ gỗ nguyên khối, giá 500 triệu đồng/chiếc
- 18-05-2022Chân dung Shark Lê Hùng Anh, "cá mập" mới trong bể Shark Tank: Bỏ học Bách Khoa đi khởi nghiệp, kinh doanh đa ngành từ BĐS, truyền thông đến thanh toán
- 15-05-2022Hành trình 3 năm ‘săn tìm’ Shark Việt của Founder Mực Nhảy Biển Đông: Đợi 4 ngày 3 đêm cũng không thể gặp, đến Shark Tank thì tập đó Shark không ngồi ghế nóng
Không cần phải quá tinh tế, ai cũng thấy Shark Phú và Shark Liên là 2 nhà đầu tư có phong cách trái ngược trên ghế nóng chương trình Shark Tank Việt Nam, Shark Phú theo trường phái lý tính, còn Shark Liên theo trường phái cảm tính.
Cụ thể, trong khi "khẩu vị" của Shark Liên là những startup có mô hình kinh doanh có tác động tốt đến cộng đồng hoặc xã hội; thì Shark Phú lại chỉ quan tâm đến những dự án đang hoạt động hiệu quả, ở ngành có tiềm năng lớn trong tương lai hoặc bổ trợ được cho hệ sinh thái Sunhouse của mình.
Vậy nên, khi trao đổi với các startup trên chương trình, trong khi Shark Liên hỏi về cảm hứng thành lập doanh nghiệp, tạo tác động to lớn như thế nào cho xã hội và những khó khăn mà startup hay gặp phải; ngược lại, Shark Phú sẽ xoáy sâu vào các chỉ số tài chính, khả năng mở rộng thị trường trong tương lai hay khi các Shark vào thì nhận được lợi ích gì…
Ngay cả cách tiến hành Due Diligence (DD) và hỗ trợ cho các startup của 2 vị "cá mập" cũng hoàn toàn khác nhau.
Due Diligence là gì?
Thẩm định doanh nghiệp là quy trình để nhà đầu tư kiểm định lại những thông tin về tình trạng hoạt động, hiệu quả kinh doanh của startup. Qua đó nhà đầu tư sẽ có cái nhìn tổng quát hơn về doanh nghiệp và nhận diện được các rủi ro tiềm ẩn. Khi đã có đủ thông tin, nhà đầu tư sẽ ra quyết định có nên tiếp tục thương vụ này, hoặc có điều chỉnh các điều kiện thỏa thuận đã đưa ra ban đầu hay không.
Theo lời kể của Bùi Thành Ninh – Co-Founder AnHome trong sự kiện ra mắt chương trình Shark Tank Việt Nam 2022, dù đã được Shark Phú đồng ý đầu tư 100.000 USD để lấy 40% cổ phần trên sóng truyền hình trong mùa 4, nhưng để được vị ‘cá mập’ này giải ngân, họ cũng ‘trầy vi tróc vảy’.
Trước khi quyết định DD với AnHome, Shark Phú đã ra một bài toán mà Sunhouse đang cần giải cho team của Ninh; như thêm 1 lần thẩm định kỹ thuật của startup này. Theo lời của Bùi Thành Ninh, thì đề tài đó với team AnHome không khó, nên họ đã nhanh chóng giải xong. Sau khi thẩm định xong phần kỹ thuật, Shark Phú nhìn đến những phần khác và tất cả đều khiến ông không hài lòng.
Hội đồng đầu tư Shark Tank mùa 5.
"Như chúng ta biết, Shark Phú là người rất chắc chắc; trong khi quả thật là các kế hoạch về tài chính, marketing hay bán hàng gì của AnHome đều không tốt. Vậy nên, để có thể trở thành 1 phần trong hệ sinh thái của SunHouse cũng như thuyết phục được Shark Phú xuống tiền sau chương trình, chúng tôi đã phải cố gắng rất nhiều nữa.
Như tất cả các công ty có Founder là dân kỹ thuật, cảm giác AnHome khá là ‘bay’, chỉ sau khi va chạm cùng Shark Phú và SunHouse, chúng tôi mới thực tế hơn rất nhiều. Nhờ sự cố vấn của Shark Phú cùng team của ông, mọi thứ của AnHome đã thực tế và chi tiết hơn", Bùi Thành Ninh kể tiếp.
Cũng cùng là một trong những startup hiếm hoi được các Shark xuống tiền trong mùa 4 – 3,5 tỷ cho 10% cổ phần, tình cảnh của Vua Cua lại nhẹ hàng hơn AnHome rất nhiều.
"Với Vua Cua, đại dịch đúng là ‘đại nạn’ khi chúng tôi phải đóng cửa tất cả các nhà hàng cũng như cửa hàng nhỏ, chỉ bán online cầm chừng.
Tuy nhiên, bất chấp điều đó, Shark Liên cùng team của mình vẫn quyết định tiến hành thẩm định chuỗi Vua Cua nhằm rót vốn theo cam kết. Kết quả cho thấy, Vua Cua đạt 7/10 điểm. Trong quá trình làm DD, Shark Liên chưa từng chất vấn tôi về bất cứ điều gì, đặc biệt là về các con số.
Lúc đó, Vua Cua rớt số không phanh, nên rõ ràng việc Shark Liên vẫn giữ lời hứa của mình chứng tỏ cô đã có những sự ưu ái nhất định với chúng tôi. Shark Liên cũng từng nói rằng, khi đầu tư, đầu tiên bà nhìn người – bởi tướng sinh tâm, chứ không phải nhìn vào mô hình kinh doanh hoặc chỉ số tài chính của doanh nghiệp.
Vậy nên, con xin hứa sẽ không để cô nhìn lầm người", chị Anh Thư – Co-Founder Vua Cua kể.
Shark Liên từng nói 1 điều mà khiến Anh Thư nhớ mãi: Khi làm kinh doanh, doanh nhân không nên quá đặt nặng vấn đề doanh số và lợi nhuận mà nên nhìn vào cảm xúc – cảm hứng làm nghề của bản thân. Bởi nếu quá tập trung vào các con số, các Founder hay CEO dễ biến chất và đi lệch hướng sứ mệnh ban đầu mà mình theo đuổi. Lúc đó, doanh nhân không giải cứu thế giới mà chỉ đang giải cứu bản thân chúng ta.
Vậy nên, trong panel tiếp theo của các Shark, Shark Liên đã không nhịn được mà ‘cà khịa’ bạn cùng bể một chút.
"Trong Shark Tank Việt Nam mùa 4, khẩu vị đầu tư của tôi sẽ không thay đổi. Xuất thân là một cô giáo, tôi vẫn cứ thích những startup có mô hình kinh doanh hoặc hoạt động trong lĩnh vực có tác động tốt đến môi trường – xã hội, như ngành bảo hiểm mà tôi đang làm.
Tôi muốn trở thành một ‘bà đỡ’ giúp các startup cất cánh thành công. Tôi muốn truyền cảm hứng khởi nghiệp cho các bạn trẻ và cũng đang được các bạn trẻ truyền lại cảm hứng cho mình. Theo tôi, ‘hòa khí mới sinh tài’.
Vì xuất thân là dân văn, tôi không giỏi về các con số, không như các Shark khác. Khi thấy các Shark vặn vẹo các startup về đủ loại chỉ số tài chính, tôi có hỏi ‘sao các em phải làm thế, là các em thì có nhớ hết tất cả các chỉ số kinh doanh hay không’.
Với các startup, Shark Phú luôn thẩm định – tính toán từng con số. Để tiền của Shark Phú lọt ra ngoài không dễ dàng!
Năm nay, khẩu vị món ăn yêu thích của tôi vẫn sẽ không thay đổi, chỉ thêm việc coi trọng tướng số hơn. Tuy nhiên, khi gặp startup mà tôi yêu quý, dù có thuộc ‘khẩu vị’ của mình hay không, tôi cũng sẽ chiến đến cùng", Shark Liên gửi ‘chiến thư’.
Không phủ nhận, Shark Phú ngay lập tức tự nhận mình là người vô cùng ‘quý tiền’, vì theo ông: tiền bạc chính là thước đo cho sự hiệu quả trong hoạt động của doanh nghiệp và năng lực của người lãnh đạo.
"Tôi chỉ thích những startup có mô hình kinh doanh được nhiều người công nhận và chấp nhận, đã bán được hàng. Tiền đầu tư của tôi phải được rót đúng chỗ, đúng người và tạo ra giá trị cho thế hệ tiếp theo. Không phải ai cũng may mắn như chị Liên!", Chủ tịch Sunhouse bày tỏ.
Cũng như những mùa Shark Tank Việt Nam trước, năm nay ông cũng chỉ đánh giá cao những startup đã tồn tại thời gian đủ dài – tức đã sinh tồn được trong thời gian dài với những đồng tiền ít ỏi mà mình có. Với những startup quá non trẻ, nếu có ‘thi đậu’ Shark Tank thì có khi các ‘cá mập’ chưa kịp xuống tiền, đã chết trước rồi!
"Trong những mùa Shark Tank Việt Nam trước, vì quá bận, nên ngoài chuyện xuống tiền, tôi chưa dành nhiều thời gian cho các startup mà mình đầu tư. Nhưng theo quan sát của tôi, với các startup, nếu không có sự đồng hành - hỗ trợ từ nhà đầu tư hoặc cổ đông lớn, thì rất khó thành công.
Vậy nên, rõ ràng, việc tôi đầu tư tiền thôi là chưa đủ, mà phải đầu tư cả thời gian để cùng các Founder nuôi dưỡng và triển khai các ý tưởng. Trong quá trình kinh doanh, có nhiều ý tưởng là tốt, những phải biết chắc lọc và chỉ chọn những ý tưởng có thể mang lại giá trị thực sự. Tôi hứa sẽ dành nhiều thời gian hơn cho các startup về team mình trong năm nay", Shark Phú tiết lộ.
Nhịp sống kinh tế