MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Shark Tank tập 4: “Cá mập” tranh giành đầu tư vào startup giao hàng nhanh

04-12-2017 - 17:30 PM | Doanh nghiệp

“Nghẹt thở” với những pha trả giá kịch tính, tập 4 của Shark Tank Việt Nam mang đến cho người xem kinh nghiệm bổ ích trong việc định giá doanh nghiệp. Cùng với đó, những chiêu thức thương lượng đầu tư mới tiếp tục được các “shark” tung ra, khiến startup không khỏi bất ngờ.

Startup giao hàng nhận 2 tỷ đầu tư

Phần trả giá được xem là sôi nổi nhất chính là dự án thoạt nghe không có gì khác biệt của Lê Thanh Hoài. Anh là nhà sáng lập công ty giao hàng Super Ship với đội ngũ 70 shipper và 30 nhân viên văn phòng đang làm việc. Tháng 10 vừa qua, startup này kiếm được gần 1 tỷ đồng với tỷ suất lợi nhuận trung bình 4% mỗi tháng. Thanh Hoài đề nghị một gói đầu tư 2 tỷ đồng cho 10% cổ phần công ty.

Giao hàng nhanh là một thị trường đang tăng trưởng nóng ở Việt Nam với nhiều “đại gia” lớn và không thể đếm hết các công ty nhỏ mọc lên trong thời gian gần đây. “Shark” Linh không thấy sự khác biệt nên quyết định không đầu tư. Tuy nhiên, sau chất vấn của các “shark” còn lại về định hướng phát triển, giải pháp quản trị rủi ro, Thanh Hoài dần lấy điểm trong mắt ban đầu tư.

Không chỉ nêu ra giải pháp cụ thể cho từng câu hỏi, Thanh Hoài còn nắm rất kỹ tình hình sức khỏe công ty với các thông số về doanh thu, tăng trường, lượng đơn hàng, lợi nhuận… được trả lời mạch lạc, rõ ràng. Tuy nhiên, “shark” Hưng cho rằng, định giá công ty là 20 tỷ là khá tham vọng khi tài sản vật chất cố định hiện nay của Super Ship chỉ khoảng 1,5 tỷ đồng. Do đó, “cá mập” đến từ CEN Group đề nghị một gói 2 tỷ cho 49% cổ phần.

Không mổ xẻ thêm về định giá chưa hợp lý, các “shark” tung chiêu áp định giá theo quan điểm riêng để đưa ra lời mời rót vốn nhằm “lái” suy nghĩ của Thanh Hoài. “Shark” Vương đưa ra đề nghị hấp dẫn hơn với 2 tỷ cho 40% cổ phần.

Ngay sau đó, “cá mập” Lê Đăng Khoa tiếp tục dùng chiêu “đường mật” bằng cách giới thiệu các thế mạnh sẵn có. Đề nghị 2 tỷ cho 35% cổ phần, “shark” Khoa cam kết Super Ship sẽ có thêm 10.000 đơn hàng giao hoa mỗi tháng từ hệ thống anh đang sở hữu và bí quyết xây dựng thương hiệu thành công.

Cuộc đua không dừng lại khi đến phiên “shark” Phú giới thiệu lợi thế “khủng”. “Cá mập” này đang sở hữu một công ty logistics với đội tàu container và xe tải. Công ty hiện chỉ thiếu một mảnh ghép là giao hàng nhanh bằng xe máy nên ông đề nghị chi 3 tỷ đổi lấy 30% cổ phần Super Ship.

“Cờ đã về tay”, Thanh Hoài càng tự tin và không tỏ ra nhượng bộ khi khẳng định chỉ mở room tối đa 20% cho các nhà đầu tư. Không thể từ bỏ, “shark” Vương đồng ý đề nghị gói 2 tỷ đổi 20% công ty. Trước deal cạnh tranh mới, hai cá mập Lê Đăng Khoa và Nguyễn Xuân Phú quyết định liên minh để đề xuất gói 3 tỷ đổi 30% cổ phần. Cuối cùng, kiên định giữ quan điểm, Thanh Hoài đã có cú bắt tay thành công với “shark” Vương trong phi vụ này.

Startup chấp nhận thế chấp nhà đổi lấy 5 tỷ đầu tư từ “cá mập”

Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải do Lưu Hải Minh làm chủ tịch, sở hữu bằng sáng chế về công nghệ Nano Curcumin dạng dung dịch và hiện đang có sản phẩm chuyên dành cho người đau dạ dày.

Mỗi tháng, Hải Minh đang bán được 2.000 sản phẩm với giá trung bình 120.000 đồng mỗi sản phẩm. Công ty anh lên kế hoạch tiêu thụ 10.000 sản phẩm mỗi tháng vào cuối 2018. Tự tin vào hàm lượng chất xám và nhu cầu thị trường, Hải Minh định giá công ty của mình đạt 100 tỷ đồng. Anh đến với chương trình với lời mời 1 tỷ đồng cho 1% cổ phần, khiến các “shark” không khỏi bất ngờ.

Tuy nhiên, “cá mập” vẫn là “cá mập” với đầy đủ bản lĩnh và điềm tĩnh để tìm ra giá trị thật của một dự án. “Shark” Phạm Thanh Hưng cho biết rất quan tâm đến công nghệ nano nên tiên phong đề xuất gói đầu tư 1 tỷ cho 19% cổ phẩn. Trong khi đó, shark Linh cho rằng, định giá 100 tỷ là quá vô lý nên không tham gia. Tiếp đến, dù Hải Minh có tuyên bố sẽ chấp nhận tỷ lệ góp vốn tối đa đến 15% nhưng “shark” Lê Đăng Khoa và Trần Anh Vương cũng từ chối đầu tư vì tỷ lệ 15% là không đáng để tham gia.

Dù bị cá mập “vùi dập” là tự định giá quá cao nhưng Hải Minh vẫn bảo vệ quan điểm của mình, dựa trên trình độ công nghệ và triển vọng tương lai. Anh cho biết, một chuyển giao công nghệ của công ty từ Nhật đã có giá trị 600.000 USD. Đó là chưa kể chưa đơn vị nào ở Việt Nam làm được Nano Curcumin dạng dung dịch. Nhà sáng lập kể rằng mình là kỹ sư cơ khí và có khả năng mua những thiết bị từ Nhật về để cải hoán thành những thiết bị chưa ai có. Do vậy, anh cho rằng công ty Nhật Hải cũng triển vọng như … Facebook hay Google.

Không khí kịch tính không hề giảm dù chỉ còn “shark” Phú và “shark” Hưng. “Shark” Phú bắt đầu phân tích giá trị thật của startup bằng những con số mà Hải Minh cung cấp. Theo đó, công ty đã được đầu tư tổng cộng 30 tỷ đồng. Tổng tài sản máy móc thiết bị hiện là 15 tỷ, tiền mặt còn 2 tỷ, chi phí vận hành hơn 300 triệu mỗi tháng. Dù Hải Minh tuyên bố công ty đang có lãi nhưng “shark” Phú kết luận công ty đang lỗ theo chuẩn mực kế toán vì phải tính thêm khấu hao thiết bị. Vì thế, định giá 100 tỷ đồng là rất cao. “Tỉnh” ra trước những lập luận dựa trên số liệu rõ ràng, Hải Minh không thể bảo vệ quan điểm 100 tỷ của mình.

Bất ngờ không dừng lại, dù đã chỉ ra sai lầm trong định giá của startup nhưng “shark” Phú vẫn đưa ra một đề nghị bất ngờ và mới lạ với 5 tỷ đổi 15% sở hữu công ty, kèm theo điều kiện sinh lời ít nhất 30%/năm và Hải Minh phải dùng nhà của chính mình làm tài sản đảm bảo. Ngay lập tức, shark Hưng điều chỉnh deal với mức 3 tỷ đổi 15% với điều kiện sinh lời ít nhất 18%/năm và vẫn buộc đảm bảo bằng nhà.

Băn khoăn trước hai lời đề nghị đầu tư lạ lùng, Hải Minh gọi điện tham vấn ý kiến vợ và quyết định chọn gói đầu tư của “shark” Phú. Anh nói rất ngạc nhiên trước lời đề xuất kỳ lạ của hai nhà đầu tư nhưng vẫn chấp nhận vì muốn đặt mình vào thế chân tường để quyết tâm thành công.

Shark Phú và Lưu Hải Minh dành cho nhau một cái ôm sau khi hợp tác thành công.
Shark Phú và Lưu Hải Minh dành cho nhau một cái ôm sau khi hợp tác thành công.

Startup âm nhạc gọi vốn thất bại vì định giá phi lý

Mang đến một tiết mục văn nghệ rất bắt tai và đáng yêu, Giám đốc Đoàn Nhược Quý của Adam Muzic đã khiến “shark” Hưng rời khỏi ghế để biểu diễn cùng ca sỹ và “shark” Vương không ngừng “hồi teen” để nhún nhẩy.

Adam Muzic của Nhược Quý tìm kiếm tiền từ hoạt động giảng dạy âm nhạc và sản xuất các sản phẩm âm nhạc nhằm mục đích quảng bá cho các doanh nghiệp. Trong nửa đầu năm, startup này thu được 500 triệu đồng, tức chưa đầy 100 triệu mỗi tháng. Tuy nhiên, công ty mạnh dạn gọi vốn 7 tỷ đồng cho 5% cổ phần vì nghĩ rằng giá trị công ty vào khoảng 140 tỷ đồng.

Lý giải cho điều này, Nhược Quý cho rằng anh đang sở hữu một đội ngũ gắng bó, có thể sáng tạo những sản phẩm âm nhạc tốt khai thác tiềm năng thị trường. Anh chứng minh rằng Việt Nam đang có 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Mỗi doanh nghiệp đầu tư 1.000 – 2000 USD cho mỗi sản phẩm âm nhạc quảng bá thì thị trường là 1,2 tỷ USD. Ngoài ra, thị trường streaming, quảng cáo trong nước cũng có dung lượng tiềm năng đến 95 triệu USD.

Để giúp startup “tỉnh mộng” về giá trị “khủng” chưa chắc có trong tương lai, “shark” Khoa và Hưng phân tích rằng Adam Muzic không có gì đảm bảo được sẽ khai thác được “mỏ vàng” của thị trường. Bằng chứng là qua 2 năm thành lập, doanh thu công ty vẫn lẹt đẹt ở mức 800 triệu trong năm đầu và dự kiến 1,2 tỷ đồng trong năm nay với quỹ lương ọp ẹp.

Adam muzic nhận phải 5 cái lắc đầu vì định giá phi lý.
Adam muzic nhận phải 5 cái lắc đầu vì định giá phi lý.

Chính vì thế, rất thẳng thắn, “shark” Linh, Khoa và Vương cho rằng, định giá công ty của Nhược Quý là quá cao trong khi sản phẩm không thật sư nổi bật trong một thị trường đang có nhiều đối thủ cạnh tranh. Cả ba quyết định từ chối đầu tư. Với “shark” Hưng, dù thừa nhận rất hứng thú với sản phẩm ẩm nhạc ban đầu nhưng cũng nhận xét Adam Muzic chưa biết cách đóng gói sản phẩm để hấp dẫn với nhà đầu tư. Thế nên, “cá mập” còn lại cũng đành chia tay Nhược Quý.

Trải qua 4 tập lên sóng, Shark Tank bắt đầu trở thành một chương trình truyền hình gây sốt và được chia sẻ đông đảo trên mạng xã hội bởi những khán giả trẻ. Điều đó cho thấy, gout thưởng thức của công chúng Việt không đóng khung vào những sản phẩm thuần giải trí như nhiều người vẫn nghĩ. Rõ ràng, những chương trình về khởi nghiệp, kinh doanh và kinh tế vẫn có một sức hút đủ lớn nếu các yếu tố học thuật, giải trí được khai thác một cách hài hòa.

“Tôi đã vài lần được xem phiên bản Mỹ của Chương trình Shar Tank. Các bài học kinh doanh thực tế được thể hiện qua sự tranh luận giữa nhà đầu tư và các startup đến gọi vốn trong chương trình đã tạo ra niềm cảm hứng rất lớn cho cộng đồng khởi nghiệp và toàn xã hội. Tôi nghĩ rằng Shark Tank vào Việt Nam mang lại nhiều cơ hội phát triển cho các nhà đầu tư và startup Việt cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước”, ông Phạm Linh – Phó tổng giám đốc Ngân hàng Việt Á nhận xét.

Đón xem “Shark Tank Việt Nam – Thương Vụ Bạc Tỷ” chương trình thực tế về đầu tư khởi nghiệp được phát sóng lúc 11h10 thứ 7 hàng tuần trên kênh VTV3.

Thông tin thêm truy cập Fanfage: #sharktankvietnam; website:sharktankvietnam.com.vn

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Á (VietABank) được thành lập vào ngày 04/07/2003 trên cơ sở hợp nhất hai tổ chức tín dụng đã hoạt động lâu năm trên thị trường tiền tệ, tài chính Việt Nam: Công ty tài chánh cổ phần Sài Gòn và Ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn Đà Nẵng. Trải qua hơn 15 năm hoạt động, VietABank đã và đang từng bước xây dựng và phát triển vững mạnh, đạt nhiều thành tựu và dần khẳng định vị thế là đơn vị tài chính tiên phong, đặc biệt ưu tiên cho sự phát triển của doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp.

A.D

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên