MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Shein, Temu khiến ngành bán lẻ Mỹ run sợ: Mỗi ngày vận chuyển 1 triệu kiện hàng, bán hàng ở mức giá thấp vô đối

22-12-2023 - 18:29 PM | Tài chính quốc tế

Shein, Temu nổi lên như 1 hiện tượng.

Theo nhà tư vấn vận chuyển bưu kiện ShipMatrix, Shein và Temu đang ngày càng phát triển. Tại Mỹ, hai nền tảng mua sắm này vận chuyển trung bình khoảng 1 triệu gói hàng mỗi ngày. Để so sánh, Amazon vận chuyển khoảng hơn 20 triệu gói hàng ở Mỹ mỗi ngày.

Satish Jindel, chủ tịch ShipMatrix cho biết, cả Temu và Shein đều đang vô cùng bận rộn trong mùa vận chuyển cao điểm. Khối lượng bưu kiện trung bình hàng ngày ở Mỹ đạt khoảng 82 triệu dịp lễ này.

Shein, được thành lập ở Trung Quốc hơn một thập kỷ trước, xuất hiện lần đầu tại Mỹ vào năm 2017. Hãng ghi nhận doanh thu 23 tỷ USD vào năm ngoái và năm nay còn bí mật nộp đơn IPO tại Mỹ như cột mốc mới trong mục tiêu mở rộng phạm vi tiếp cận toàn cầu. Trong khi đó, công ty thương mại điện tử Trung Quốc PDD Holdings ra mắt Temu tại Mỹ vào năm ngoái thông qua chiến dịch quảng cáo tại giải Super Bowl.

“Khối lượng hàng hóa tại Mỹ của họ đang tăng lên đáng kinh ngạc”, Sunandan Ray, giám đốc điều hành của Unique Logistics International, một công ty logistics cho biết.

Theo WSJ, lượt trung cập Temu hiện đứng thứ 10 trong số các nhà bán lẻ đa danh mục. Apple cho biết hồi đầu tháng này, Temu là ứng dụng miễn phí được tải xuống nhiều nhất trên iPhone tại Mỹ vào năm 2023.

“Thị trường thương mại điện tử giá rẻ lần đầu tiên xuất hiện từ Trung Quốc hoặc được tạo ra tại Trung Quốc, hiện đang thống trị thế giới phương Tây”, Sharon Gai, cựu Giám đốc Alibaba nói. “Các nhà bán lẻ trực tuyến khác đang chứng kiến sự nổi lên của Temu và Shein. Họ không biết liệu mình có thể cạnh tranh được hay không”.

Cả Temu và Shein đều là những cái tên đột phá, thành công nhờ bán các sản phẩm như áo len và tai nghe không dây chỉ với giá 5 USD. Hai nhà bán lẻ cho biết họ có thể giữ giá ở mức thấp nhờ hoạt động hậu cần chuyên nghiệp.

“Bằng cách kiểm tra và đóng gói sản phẩm tại nguồn, chúng tôi loại bỏ được nhiều bước hậu cần truyền thống”, người phát ngôn của Temu nói và cho biết việc xử lý khối lượng đơn đặt hàng lớn giúp đảm bảo một mức phí vận chuyển thấp hơn.

Shein có cơ sở tại Indiana và California để xử lý các mặt hàng phổ biến, song hầu hết các bưu kiện vẫn được đóng gói ở Trung Quốc. Hiện Shein đang thiết lập mối quan hệ với các kho bãi ở Mỹ để đẩy nhanh quá trình chuyển phát nhanh.

Đại diện các công ty vận chuyển cho biết Temu và Shein tiết kiệm được nhiều chi phí cũng nhờ giảm kích thước gói hàng xuống mức tối thiểu, đồng thời đặt cược vào việc khách hàng chấp nhận kéo dài thời gian giao hàng. Theo trang web của Shein, khoảng 76% đơn đặt hàng sẽ đến tay khách hàng Mỹ trong vòng 10 ngày. Với Temu, các gói hàng sẽ đến sau 5 đến 8 ngày làm việc.

Felicia Johnson, giáo viên mẫu giáo 27 tuổi ở New York, người thường xuyên đặt hàng Shein, cho biết: “Tôi có thể chi trả cho các khoản đó. Đó là lý do tại sao tôi sẽ tiếp tục mua sắm tại Shein”.

Tuy nhiên, việc Shein và Temu ‘lách luật’ thuế quan bằng việc giảm kích thước hàng hoá khiến không ít giới chức nhức nhối. Đơn cử, hồi đầu năm nay, Liên minh công nhân dệt may Nam Phi và Liên đoàn bán lẻ quốc gia Nam Phi cáo buộc Shein cố tình gửi hàng trong các kiện nhỏ có giá trị thấp để giảm thuế nhập khẩu. Người phát ngôn của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Cạnh tranh từ chối cung cấp thông tin chi tiết về cuộc điều tra, song khẳng định nó được thực hiện để giải quyết lo ngại của tổ chức.

Trước đó, các nhà sản xuất và hiệp hội tại Mỹ cũng gửi đơn khiếu nại, cho rằng Shein và các nhà bán lẻ Trung Quốc khác đang lợi dụng kẽ hở trong luật hải quan để nhập hàng hóa không cần trả thuế.

“Điều tra bước đầu cho thấy công ty này đã lách luật. Dưới một ngưỡng giá trị nhất định, bạn sẽ không phải trả thuế giống như khi nhập khẩu hàng chục nghìn bộ quần áo”, Etienne Vlok, đại diện liên minh cho biết.

Được biết chính phủ Nam Phi thường tính thuế từ 40% đến 45% đối với quần áo nhập khẩu, tùy thuộc vào giá trị của chúng. Tuy nhiên, Shein có thể chỉ cần trả mức thuế từ 10% đến 20%.

“Nếu đúng như vậy, chúng ta nên tìm cách lấp kẽ hở đó”, Vlok nói. “Shein dường như không tuân thủ đúng luật”.

Nhiều tổ chức tại Mỹ trước đó cũng bày tỏ những quan ngại tương tự về một đạo luật, được gọi là quy tắc tối thiểu. Nó cho phép khách du lịch Mỹ mua những món quà lưu niệm miễn thuế từ nước ngoài và hiện đang được các công ty tận dụng để tránh mất hàng tỷ USD tiền thuế.

Luật này cũng cho phép các nhà bán lẻ Mỹ bán hàng nhập khẩu Trung Quốc và các công ty Trung Quốc bán trực tiếp tới người tiêu dùng Mỹ không phải trả thuế quan, miễn là giá trị các kiện hàng giới hạn trong khoảng 800 USD.

Được biết, các nhà bán lẻ Mỹ phải trả hàng triệu USD tiền thuế nhập khẩu mỗi năm. Năm 2022, thương hiệu quần áo Gap trả 700 triệu USD, trong khi với H&M và nhà bán lẻ đồ cưới David’s Bridal lần lượt là 205 triệu USD và 17 triệu USD. Chính vì vậy, các nhà lập pháp cho rằng hành vi vi phạm thuế quan mang lại cho Temu và Shein những lợi thế không công bằng so với các nhà bán lẻ Mỹ.

Trong một báo cáo được công bố ngày 22/6, nền tảng thời trang nhanh Shein và ứng dụng mua sắm Temu cũng bị cho là đã khai thác các kẽ hở thương mại để nhập hàng hóa vào Mỹ mà không phải trả thuế nhập khẩu. Báo cáo nêu rõ, giá rẻ, các chương trình khuyến mãi cùng sự đa dạng về số lượng mặt hàng đã khiến Shein và Temu lách luật và tạo ra những làn sóng mua sắm mới trong thị trường bán lẻ.

Theo: WSJ, Bloomberg

Theo Vũ Anh

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên