MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Shell ‘miễn cưỡng’ theo đuổi các mục tiêu về năng lượng tái tạo

11-02-2023 - 10:05 AM | Tài chính quốc tế

Cho đến hiện tại, nỗ lực khử CO2 của Shell chưa thực sự hiệu quả, phần vì các cam kết miễn cưỡng.

Năm 1902, Royal Dutch Petroleum của Hà Lan xây dựng nhà máy lọc dầu ở Rotterdam. Cơ sở này sau đó được chuyển về hạ lưu, đến làng Pernis để xử lý dầu thô, theo Bloomberg.

Vào thời điểm đó, dầu mỏ chủ yếu được tinh chế thành dầu hỏa để đốt cháy lấy nhiệt và ánh sáng. Tuy nhiên, dầu thô Sumatra đặc biệt nhẹ và ít lưu huỳnh, do đó phù hợp với mục đích cung cấp năng lượng cho ô tô. Năm năm sau, để cạnh tranh với gã khổng lồ Standard Oil của Mỹ, công ty Hà Lan này quyết định sáp nhập với một đối thủ cùng ngành.

Trong thế kỷ tiếp theo, nhu cầu về các sản phẩm dầu mỏ tăng theo cấp số nhân. Nhà máy lọc dầu Pernis, tên chính thức là Shell Energy and Chemicals Park Rotterdam, hiện là nhà máy lớn nhất châu Âu với diện tích hơn 5 nghìn mét vuông. Mỗi năm, 20 triệu tấn xăng dầu chảy qua các bể chứa, bộ phận xử lý cùng hàng chục nghìn km đường ống, sau đó chuyển hóa thành xăng, dầu diesel, nhiên liệu máy bay và các nguyên liệu hóa học khác.

Hiện tại, một thiết bị mới đang được xây dựng nhằm biến chất thải động vật và dầu ăn đã qua sử dụng thành dầu diesel và nhiên liệu hàng không. Nếu thành công, vào năm 2024, nó sẽ có thể sản xuất tới 820.000 tấn nhiên liệu sinh học mỗi ngày và trở thành một trong những cơ sở lớn nhất châu Âu. Đây là bước đầu tiên trong một cuộc cách mạng chuyển đổi xanh, sau khi hơn 60 bộ phận nhà máy được tái sử dụng hoặc thay thế.

“Chúng tôi dừng một số máy móc và xây thêm nhiều tổ máy mới để thay thế chúng. Danh mục sản phẩm của chúng tôi cũng sẽ thay đổi”, Jos van Winsen, tổng Giám đốc nhà máy, nói.

Shell, công ty dầu khí quốc tế lớn nhất thế giới tính theo giá trị vốn hóa thị trường, đang cố gắng làm một điều gì đó khác biệt. Vào năm 2020, giám đốc điều hành lúc bấy giờ của nó, một kỹ sư hóa học người Hà Lan tên Ben van Beurden, đã tuyên bố rằng đây sẽ trở thành một trong những công ty đạt mục tiêu netzero vào năm 2050. Nếu thành công, Shell có thể thích ứng tốt với quá trình chuyển đổi hệ thống năng lượng cần thiết giúp duy trì nhiệt độ Trái đất ở mức 1,5 độ C. Hơn hết, mục tiêu của Shell không chỉ áp dụng trong hoạt động kinh doanh mà còn với khách hàng - những người mua xăng từ hàng nghìn trạm tiếp nhiên liệu.

Shell ‘miễn cưỡng’ theo đuổi các mục tiêu về năng lượng tái tạo - Ảnh 1.

Shell ‘miễn cưỡng’ theo đuổi các mục tiêu về năng lượng tái tạo

Dưới áp lực từ chính phủ và cổ đông, những gã khổng lồ năng lượng châu Âu khác cũng đưa ra lời hứa tương tự, trong đó, BP của Anh cam kết loại bỏ hoặc bù đắp lượng khí thải vào năm 2050 và phát triển một doanh nghiệp năng lượng tái tạo quy mô lớn. Total SE của Pháp cũng đổi tên thành Total Energies SE để khẳng định mình không chỉ là một công ty dầu khí mà còn đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo.

Một “netzero” Shell sẽ phải hoàn toàn Shell của hiện tại. Vào năm 2021, tập đoàn này và các khách hàng của mình đã thải gần 1,4 tỷ tấn CO2, tức nhiều hơn lượng khí thải của Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Năm ngoái, việc khủng hoảng xung đột Nga-Ukraine khiến nguồn cung đứt gãy đã giúp Shell và các đối thủ cạnh tranh ghi nhận lợi nhuận kỷ lục về khai thác, vận chuyển, giao dịch, đầu cơ dầu mỏ và khí thiên nhiên.

Cho đến hiện tại, nỗ lực khử CO2 của Shell chưa thực sự hiệu quả, phần vì các cam kết miễn cưỡng. Thông báo thu nhập của Shell vào ngày 2/2 nhắc tới kế hoạch netzero, hay còn được gọi là Powering Progress, song chi tiêu cho năng lượng tái tạo lại không được đẩy mạnh.

Quay trở lại những năm 1997 - thời điểm Shell thành lập một công ty có tên Shell International Renewables.

“Năng lượng tái tạo hiện là một trong những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của chúng tôi. Nó thể hiện mục tiêu đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng bền vững”, đại diện công ty cho biết. Đến năm 2001, Shell hợp tác với công ty tiện ích E.ON SE và Siemens AG để sản xuất các tấm pin mặt trời tại Hà Lan và Đức. Sau khi mua lại các đối tác liên doanh vào năm 2002, Shell nhanh chóng trở thành một trong những nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, trong suốt đầu những năm 2000, Trung Quốc trợ cấp ồ ạt cho ngành năng lượng mặt trời, giảm thuế và tín dụng giá rẻ để mở rộng quy mô. Điều này khiến giá của các tấm pin mặt trời giảm xuống nhanh hơn hầu hết dự báo của các chuyên gia.

Shell ‘miễn cưỡng’ theo đuổi các mục tiêu về năng lượng tái tạo - Ảnh 2.

Shell, công ty dầu khí quốc tế lớn nhất thế giới tính theo giá trị vốn hóa thị trường, đang cố gắng làm một điều gì đó khác biệt.

Sau khi thị trường tràn ngập quang điện giá rẻ của Trung Quốc, Shell buộc phải đóng cửa nhà máy chính tại châu Âu, cố gắng chuyển sang công nghệ pin mặt trời nhưng không thành công. Đến cuối những năm 2000, công ty cũng tạm dừng việc mở rộng danh mục đầu tư năng lượng gió - lĩnh vực đóng góp nhiều nhất cho hoạt động kinh doanh năng lượng tái tạo của Shell.

Ngay cả khi việc sử dụng dầu mỏ và khí đốt được dự đoán sẽ đạt đỉnh trong một hoặc hai thập kỷ tới, hoạt động kinh doanh của Shell vẫn mang lại lợi nhuận cao. Michael Liebreich, cựu Giám đốc điều hành BloombergNEF kiêm chuyên gia tư vấn năng lượng, cho biết: “Các công ty dầu khí lớn chấp nhận rằng biến đổi khí hậu đang diễn ra và xã hội mong đợi họ giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, rất khó để làm điều đó vì về cơ bản, dầu và khí đốt vẫn sẽ tiếp tục hoạt động. Đó là thứ duy nhất kiếm ra tiền”.

Shell tham vọng trở thành “một công ty lớn khi nhắc đến điện”. Nó mở rộng không chỉ lĩnh vực gió, mặt trời mà còn xây dựng thêm mạng lưới bộ sạc EV - những thứ rất khác so với dầu mỏ và khí đốt.

“Mục tiêu netzero vào năm 2050 của chúng tôi phụ thuộc vào sự tiến bộ của xã hội. Có rủi ro đáng kể rằng Shell sẽ không thể đạt được mục tiêu này nếu thế giới cũng bỏ lỡ netzero”, công ty viết trong báo cáo thường niên gần đây nhất của mình.

Đúng là sản lượng dầu của Shell thực sự đang giảm sau khi đạt đỉnh vào năm 2019, song điều đó một phần do công ty này tập trung nhiều hơn vào khí đốt tự nhiên. Sawan, Giám đốc điều hành mới của Shell cho biết công ty sẽ không vội vàng từ bỏ khí đốt bởi thế giới vẫn rất cần nó lúc này.

Shell ‘miễn cưỡng’ theo đuổi các mục tiêu về năng lượng tái tạo - Ảnh 3.

Cho đến hiện tại, nỗ lực khử CO2 của Shell chưa thực sự hiệu quả, phần vì các cam kết miễn cưỡng.

Tính đến nay, phần lớn các mục tiêu phát thải Shell đạt được chỉ nhờ bán bớt các giếng dầu và nhà máy lọc tại Mỹ, Đan Mạch và Đức. Lượng khí thải này được loại ra khỏi sổ sách của Shell, song lại không hoàn toàn biến mất.

“Biến đổi khí hậu là một vấn đề thực sự đáng lo ngại và tôi nghĩ Shell làm chưa đủ”, Dimitri Lafleur, chuyên gia phân tích tại Global Climate Insights nói. Được biết Dimitri Lafleur từng làm việc cho Shell, thuyết phục Shell theo đuổi các mục tiêu năng lượng tái tạo nhưng không thành. “Rất nhiều thứ Shell có thể làm,” Lafleur nói. “Với trình độ chuyên môn và kỹ năng quản lý, họ có thể thực hiện nhiều dự án phức tạp hơn”.

Theo: Bloomberg

Theo Vũ Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên