MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Siết chặt quản lý để ngăn ‘chảy máu’ khoáng sản

Các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần siết chặt quản lý, minh bạch thông tin khai khoáng để ngăn chảy máu khoáng sản, chống thất thu ngân sách.

Thực trạng quản lý khai thác khoáng sản còn lỏng lẻo, nạn khai thác trái phép, buôn lậu khoáng sản vẫn diễn ra không chỉ gây thiệt hại tài nguyên quốc gia, thất thu ngân sách nhà nước mà còn sinh ra nhiều hệ lụy về môi trường và xã hội. Do đó, nhiều chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần xốc lại công tác quản lý khai khoáng.

Nâng cấp trách nhiệm địa phương quản lý

Theo chuyên gia kinh tế độc lập Nguyễn Thanh Sơn, hiện tại ngành khoáng sản của Việt Nam đang có rất nhiều vấn đề như: tiềm năng nhỏ, trữ lượng ít, chủng loại thiếu, tiêu chuẩn đánh giá trữ lượng rất thấp, công nghệ lạc hậu, tai nạn lao động lớn, năng suất lao động và hiệu quả thấp, xâm hại nghiêm trọng đến môi trường.

Còn GS. TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, do khai thác khoáng sản đem lại lợi ích lớn, nên không ít doanh nghiệp khai thác thác lậu, trái phép. Điều này không chỉ làm tổn thất tài nguyên quốc gia, mà còn gây nhiều bất bình trong xã hội. Vì thông thường, doanh nghiệp khai thác khoáng sản lậu gắn với có thế lực “chống lưng”, bảo kê, xã hội đen. Trong khi đó, chức năng, nhiệm vụ của địa phương trong việc quản lý các mỏ khoáng sản chưa được trú trọng.

Theo GS. Võ, về mặt chiến lược quản ký khai thác khoáng sản, quy hoạch của Trung ương chưa thực sự chuẩn xác nhưng dù sao nó vẫn tại ra những quy tắc, còn lại là vấn đề của địa phương. Bởi đơn cử như tình trạng khai thác lậu khoáng sản ở địa phương, thì địa phương phải có lực lượng đối phó, huyện hỗ trợ xã phường như thế nào, xã phường chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp trên địa bàn như thế nào?

Cho nên, theo GS. Võ, việc rất cần kíp là phải xốc lại hệ thống quản lý ở địa phương. Tránh để xảy ra việc giấy phép một đằng, khai thác một nẻo, hoặc khai thác mà ảnh hưởng xấu đến môi trường và điều kiện sống của người dân địa phương (canh tác nông nghiệp, nguồn nước…).

GS. Đặng Hùng Võ đặc biệt nhấn mạnh, “muốn ngăn chặn nạn bảo kê khai thác khoáng sản lậu, cần quy rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý của người đứng đầu địa phương (từ xã/phường, huyện/quận) về khoáng sản trên địa bàn; phải chấm dứt tình trạng giấy phép một đằng, khai thác một nẻo, khai thác trái phép, trá hình. Cùng với đó, cần rà soát nghiêm túc các mỏ khoáng sản đang được khai thác và những dự án sắp khai thác để tránh các lỗ hổng, hạn chế độ vênh giữa quản lý thực tại và quản lý trên giấy.

Đặc biệt, Nhà nước cần hoàn thiện chính sách, xốc lại công tác quản lý, giám sát doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về khai thác khoáng sản. Người dân cũng phải tích cực bảo vệ tài sản của mình, của quốc gia. Cần công khai và minh bạch thông tin khai thác khoáng sản để mọi cấp, ngành, người dân có quyền giám sát, phát hiện sai phạm. Như vậy mới có thể góp phần chấn chỉnh hoạt động khai thác lậu khoáng sản.

Liên quan việc quản lý trên giấy, bà Trần Thanh Thủy, Điều phối viên Liên minh Khoáng sản cho biết, trong vấn đề cấp phép, hiện tại Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp những mỏ lớn và quan trọng. Đối với những mỏ nhỏ, lẻ phân tán, ngoài quy hoạch của quốc gia thì do UBND cấp tỉnh cấp. Tuy nhiên, năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, thanh tra công tác cấp phép khai khoáng tại địa phương cho thấy, có tới 50% các mỏ cấp không đúng pháp luật về quy mô, thẩm quyền, chưa có báo cáo tác động môi trường.

Cần biết “lắc đầu” với khoáng sản

Ông Nguyễn Thanh Sơn, chuyên gia độc lập và nguyên là Giám đốc Ban Quản lý Các dự án than Đồng bằng sông Hồng, khuyến nghị Việt Nam không nên coi tài nguyên khoáng sản là một “cứu cánh” của nền kinh tế, cần tập trung phát triển kinh tế đất nước bằng trí tuệ và thực lực của người Việt. Nếu tiếp tục khai thác khoáng sản tràn lan, thiếu kiểm soát như hiện nay thì thế hệ con cháu sau này phải nhập khẩu tài nguyên khoáng sản từ A đến Z, chưa kể môi trường còn bị phá hủy khó phục hồi.

Bà Trần Thanh Thủy thì nêu giải pháp: Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI) giúp giải quyết các lỗ hổng của chính sách thuế tài nguyên. Nguyên tắc của EITI là doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ cùng công khai các thông tin trên chuỗi giá trị công nghiệp khai thác từ cấp phép, khai thác, quản trị doanh nghiệp nhà nước, nộp ngân sách và quản lý ngân sách. Các số liệu được đối chiếu và đưa vào báo cáo EITI. EITI tạo cơ chế so sánh và đối chiếu thông tin hiệu quả giữa các doanh nghiệp và qua đó hỗ trợ quản lý thu.

Nếu tham gia EITI, theo bà Thủy sẽ góp phần giảm hành vi trốn và tránh thuế trong lĩnh vực khoáng sản; giảm rủi ro pháp lý cho Chính phủ. Đặc biệt là đoạn cấp phép, tạo môi trường đầu tư tốt hơn, qua đây có thể lựa chọn được những dự án có hiệu quả, giúp hỗ trợ quản trị tốt hơn tài nguyên khoáng sản bởi sự minh bạch trong cấp phép, sản xuất và thu ngân sách. Do vậy, theo bà Thủy, Việt Nam nên nhanh chóng áp dụng các sáng kiến quốc tế về quản lý thuế. Hiện tại, có 49 quốc gia trong đó có nhiều quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Na -Uy…

Cần minh bạch thông tin về khai khoáng

GS.Đặng Hùng Võ thì kiến nghị Nhà nước cần rà soát lại chiến lược để định vị loại khoáng sản nào cần khai thác. Mạnh dạn loại bỏ khai thác khoáng sản thô để xuất khẩu, vì đó là phục vụ cho các nước khác chứ không phục vụ cho đất nước ta. Khoáng sản thô giữ lại cho thế hệ sau, lúc đó công cụ, công nghệ khai thác tốt hơn, đem lại nhiều lợi ích cho quốc gia hơn. Nhanh chóng thay đổi quy hoạch, phải xử lý triệt để khai thác lậu, trái phép. Còn những khoáng sản cần phục vụ cho sự phát triển đất nước thì cần thay đổi cơ chế quản lý gắn quản trị, và yếu tố kỹ thuật để quản lý chặt.

“Cần áp dụng cơ chế minh bạch nguồn thu khoáng sản để quản lý khai thác. Vấn đề này phụ thuộc vào cơ quan quản lý tiếp cận việc khai thác khoáng sản ở góc độ nào. Nếu muốn biết khoáng sản sẽ đi về đâu thì cần xem cả nó đi bằng phương tiện gì. Tôi kỳ vọng, chúng ta sẽ có được bức tranh sáng sủa hơn về quản lý khai khoáng trong thời gian tiếp theo” - GS.Đặng Hùng Võ

Đặc biệt, minh bạch việc chia sẻ lợi ích từ khoáng sản, rõ ràng khoản nào sử dụng cho khôi phục môi trường, phần nào để động viên người dân, phần nào cho doanh nghiệp, và phần nào nộp thuế.

Đồng thời, “Nhà nước cần nắm thế chủ động trong việc đánh giá trữ lượng khoáng sản, kiểm soát sản lượng thực khoáng sản mà các doanh nghiệp khai thác được, không nên thụ động xem báo cáo của doanh nghiệp. Khi quản chặt khai thác khoáng sản, chắc chắn thu ngân sách nhà nước tăng lên”- GS. Võ nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cần minh bạch thông tin về khai khoáng. Vì theo khảo sát đánh giá mức độ minh bạch của ngành khai khoáng ở Việt Nam cho thấy nhiều chỉ số đáng quan ngại.

Đơn cử, việc cần mối quan hệ với cơ quan nhà nước để có thể có thông tin về khoáng sản thì doanh nghiệp khai khoáng trả lời khảo sát có tới 67%; 58% và 72% doanh nghiệp trả lời có trong các năm lần lượt 2012, 2013, 2014. Hay trên website của Tổng cục Địa chất Khoáng sản hiện đăng tải 38 trường hợp xin cấp phép thăm dò khoáng sản không qua đấu giá. Nhưng mỗi trường hợp lại không có thông tin về ngày đăng hay thời gian hết hạn. Trong 3 năm, 2012-2014, Bộ TNMT đã cấp 112 giấy phép thăm dò khoáng sản không qua đấu giá, 17 trường hợp gia hạn, 95 trường hợp cấp mới.

Một thực tế nữa là việc công bố khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ (để địa phương cấp phép). Thực tế, các địa phương đề nghị đưa vào 874 khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, Bộ TNMT mới chỉ chấp nhận 167 khu vực. Phê duyệt theo đợt (đến nay mới có 3 đợt). Các quyết định phê duyệt này không được công bố…/.

Theo Hà Phương

VOV

Trở lên trên