MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Siết chặt quản lý mạng xã hội và game online

23-12-2024 - 16:16 PM | Kinh tế số

Nghị định 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/12/2024 sẽ có những chính sách mới ảnh hưởng và thay đổi một số thói quen sử dụng mạng xã hội của người Việt Nam.

Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng đã được Chính phủ ban hành ngày 09/11/2024, thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Nghị định 147/2024/NĐ-CP được xây dựng hướng tới mục tiêu khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn sau hơn 10 năm thi hành Nghị định 72/2013/NĐ-CP, phù hợp với xu thế phát triển hội nhập công nghệ số, nội dung số và các dịch vụ Internet và kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị định 72/2013/NĐ-CP. Ngoài ra, Nghị định còn có các mục đích khác như: đơn giản hóa các thủ tục hành chính, trực tuyến hóa thủ tục cho doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp thực hiện các thủ tục hành chính; tạo điều kiện cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước phát triển lành mạnh và cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài; tăng cường bảo đảm an ninh thông tin và chế tài xử lý tranh chấp tên miền, xử lý vi phạm trong lĩnh vực tên miền phù hợp thông lệ quốc tế và các quy định pháp luật có liên quan.

Nghị định 147/2024/NĐ-CP (tạm gọi là Nghị định 147) có những chính sách mới nhằm điều chỉnh hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, bao gồm: dịch vụ Internet, tài nguyên Internet; thông tin trên mạng; cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng.

Bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội

Một trong những điểm mới của Nghị định 147 là quy định người sử dụng dịch vụ mạng xã hội (tạm gọi là người dùng mạng xã hội) phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Chỉ trong trường hợp người dùng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam, đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.

Trường hợp người sử dụng dịch vụ mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại, đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử. Các đơn vị cung cấp dịch vụ phải bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

Siết chặt quản lý mạng xã hội và game online- Ảnh 1.

Người dùng Facebook sẽ phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại/số định danh cá nhân từ ngày 25/12/2024 (Ảnh: AP)

Thông qua quy định về bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội, Nghị định 147 sẽ ràng buộc trách nhiệm của người dùng và các nhà mạng nhằm sàng lọc nội dung xấu độc, bảo vệ thông tin người dùng.

Cũng theo Nghị định 147, chủ tài khoản, chủ kênh nội dung, chủ trang cộng đồng, người quản trị nhóm cộng đồng trên mạng xã hội không được đặt tên tài khoản, trang, kênh, nhóm giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí hoặc có những từ ngữ (bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài tương đương) có thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí hoặc hoạt động báo chí như: báo, đài, tạp chí, tin, tin tức, phát thanh, truyền hình, truyền thông, thông tấn, thông tấn xã...

Tài khoản mạng xã hội có thể bị khóa vĩnh viễn

Theo Khoản 7 Điều 35 của Nghị định 147, các tài khoản của người dùng cá nhân, trang, nhóm cộng đồng, kênh nội dung trên các nền tảng mạng xã hội có thể sẽ bị khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn nếu mắc phải các vi phạm sau:

- Khóa tạm thời các tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên đăng tải nội dung vi phạm pháp luật (trong 30 ngày có ít nhất 5 lần cung cấp nội dung vi phạm pháp luật hoặc trong 90 ngày có ít nhất 10 lần cung cấp nội dung vi phạm bị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ) chậm nhất là 24 giờ khi có yêu cầu bằng điện thoại, văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Sở Thông tin và Truyền thông địa phương và các cơ quan có thẩm quyền theo pháp luật chuyên ngành hoặc khi tự phát hiện vi phạm. Thời gian khóa tạm thời từ 7 ngày đến 30 ngày, tùy thuộc vào mức độ và số lần vi phạm.

- Khóa vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung đăng tải nội dung xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung đã bị tạm khóa từ 3 lần trở lên khi có yêu cầu bằng điện thoại, văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Sở Thông tin và Truyền thông địa phương và các cơ quan có thẩm quyền theo pháp luật chuyên ngành.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội không xử lý nội dung, dịch vụ vi phạm pháp luật, không tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn hoạt động các tài khoản vi phạm pháp luật theo yêu cầu, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội hoặc thu hồi giấy phép/giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội đã cấp cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Theo các nhà cung cấp dịch vụ trên Internet, Nghị định 147 đã làm rõ quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Trong khi người dùng phải xác thực, chịu trách nhiệm về các nội dung, thông tin của mình, các nền tảng cũng sẽ phải có biện pháp bảo vệ thông tin, tránh lộ lọt dữ liệu cá nhân, đảm bảo lợi ích và sự an toàn cho khách hàng.

"Những quy định mới được đưa ra nhằm điều chỉnh các hành vi, từ đó giữ được trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng" - ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông - nhấn mạnh.

Siết chặt quản lý mạng xã hội và game online- Ảnh 2.

Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông (Ảnh: Bộ TT&TT)

Các chuyên gia cho rằng, Nghị định 147 được ban hành kịp thời và đúng thời điểm khi hội đủ các điều kiện về hạ tầng công nghệ. Hiện tại, 100% người dân đã có mã số định danh hoặc căn cước công dân gắn chip. Các tài khoản viễn thông, tài khoản thanh toán cũng đã được định danh.

Kiểm soát nội dung trò chơi điện tử trên mạng

Trong bối cảnh các trò chơi điện tử (game) mô phỏng sòng bạc hay cờ bạc trá hình đang tràn lan trên không gian mạng, Nghị định 147 đưa ra quy định mới nhằm hạn chế tình trạng này. Theo đó, các game mô phỏng như trong sòng bạc, game sử dụng hình ảnh lá bài sẽ không được cấp phép hoạt động nhằm hạn chế tác động tiêu cực tới người chơi.

Bên cạnh đó, Nghị định 147 cũng yêu cầu xác thực người chơi bằng số điện thoại di động tại Việt Nam, bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được tham gia chơi trò chơi.

Trung bình một ngày, một người dùng Internet dành khoảng 80 phút để chơi game hoặc các chương trình giải trí khác. Việc lạm dụng chơi trò chơi điện tử thời gian dài có thể dẫn đến nghiện, nhất là trẻ em. Nghị định 147 đưa ra các quy định giúp kiểm soát được vấn đề này.

Siết chặt quản lý mạng xã hội và game online- Ảnh 3.

Game cờ bạc trá hình quảng cáo đầy rẫy trên không gian mạng

Cụ thể, người chơi dưới 16 tuổi khi đăng ký chơi game thì cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự phải đăng ký tài khoản bằng thông tin của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự và có trách nhiệm giám sát, quản lý thời gian chơi, nội dung trò chơi của người chơi dưới 16 tuổi truy cập.

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1, G2, G3, G4 trên mạng phải có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm quản lý thời gian chơi trong ngày (từ 00h00 đến 24h00) của người chơi dưới 18 tuổi không quá 60 phút đối với từng trò chơi nhưng không quá 180 phút/ngày đối với tất cả trò chơi dành cho người chơi dưới 18 tuổi do doanh nghiệp cung cấp.

Nhà phát hành cũng phải có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm hiển thị liên tục kết quả phân loại trò chơi theo độ tuổi đối với tất cả các trò chơi do doanh nghiệp cung cấp khi giới thiệu, quảng cáo và phát hành; có thông tin khuyến cáo với nội dung "Chơi quá 180 phút/ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe" tại vị trí dễ nhận biết ở diễn đàn của trò chơi (nếu có) và trên màn hình thiết bị của người chơi theo tần suất 30 phút/lần trong quá trình chơi trò chơi.

Nghị định 147 được đánh giá là hành lang cần thiết để hạn chế các tác động xấu của game. Tuy nhiên, cần thiết hơn vẫn là sự đồng hành của các bậc phụ huynh để con mình có thời gian chơi, giải trí lành mạnh, bổ ích.


Theo Phi Long

vtv.vn

Trở lên trên