Siết lại kỷ luật chính sách tiền tệ
Trước khi xem xét hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đang phải siết lại kỷ luật chính sách tiền tệ.
- 05-02-2020Thái Lan giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế do tác động của virus Corona
- 05-02-2020Trung Quốc khử trùng tiền mặt để tránh lây lan virus corona
- 05-02-2020ABBank tung gói tín dụng 4.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi
Ngày 4/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng nắm bắt tình hình để có giải pháp hỗ trợ các khách hàng, doanh nghiệp vay vốn bị ảnh hưởng từ bệnh dịch virus corona.
Trả lời BizLIVE, chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng thương mại lớn cho biết, ngay từ ngày 5/2, hệ thống ngân hàng ông sẽ tiến hành rà soát, đánh giá để có những báo cáo ban đầu.
Theo đó, tác động bất lợi của bệnh dịch virus corona đối với doanh nghiệp vay vốn cần một thời gian nhất định để đánh giá và nắm bắt, có những ngành hàng phải chờ độ trễ tác động để ghi nhận cụ thể. Khi định hình các cơ sở, tính toán rõ ảnh hưởng, ngân hàng sẽ xác định giải pháp và mức độ hỗ trợ như cơ cấu thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi suất …
Ngày 5/2, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1/2020, dự tính được đưa ra: tăng trưởng GDP quý I/2020 có thể giảm khoảng 1%.
Trước khi xác định các giải pháp và mức độ hỗ trợ, tại thời điểm này Ngân hàng Nhà nước vẫn đang phải tăng cường kỷ luật điều hành chính sách tiền tệ. Nổi bật nhất vẫn là cân đối tiền.
Như BizLIVE cập nhật thời gian qua, từ hiện tượng hai phiên liên tiếp trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đến cuối tuần qua và cho đến hôm nay (5/2), Ngân hàng Nhà nước liên tiếp và liền mạch hút bớt tiền trong hệ thống các tổ chức tín dụng về.
Đáng chú ý, phiên hôm nay (5/2) ghi nhận nhà điều hành tăng mạnh quy mô hút về: xấp xỉ 8.000 tỷ đồng so với chỉ 5.000 tỷ đồng/phiên trước đó. Tính chung, tổng lượng tiền hút bớt về hiện đã lên tới gần 43.000 tỷ đồng, qua số dư tín phiếu Ngân hàng Nhà nước lưu hành.
Phần lớn lượng tiền trên Ngân hàng Nhà nước trả lãi suất 2,65%/năm, cùng kỳ hạn 91 ngày, tức là một lượng lớn dự kiến sẽ tập trung đáo hạn và chảy trở lại thị trường từ tháng 4/2020.
Như trên, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành hàng dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng bất lợi từ bệnh dịch virus corona, tăng trưởng kinh tế có thể giảm đáng kể ngay từ quý I, một số nhận định từ tổ chức đầu tư gần đây đề cập đến khả năng chính sách tiền tệ sẽ có hỗ trợ qua giảm lãi suất, mở rộng tín dụng…
Tuy nhiên, như đang thể hiện, trước hết Ngân hàng Nhà nước vẫn phải thực hiện kỷ luật điều hành, trong cân đối tiền. Cân đối này rất đáng chú ý năm 2020.
Cụ thể, hội nghị Chính phủ với các địa phương cuối năm 2019, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, năm 2019 đã mua vào khoảng 20 tỷ USD, đưa xấp xỉ 500.000 tỷ đồng vào nền kinh tế.
Quy mô lượng tiền đưa ra lớn, đòi hỏi các nghiệp vụ điều tiết và trung hòa, để giảm thiểu tác động bất lợi đối với lạm phát. Trong khi đó, lạm phát tháng 1 vừa qua đã có dấu hiệu tăng bất thường, khi cao nhất trong 7 năm gần đây. Quy mô hút bớt tiền về gần 43.000 tỷ đồng tính đến ngày 5/2 theo đó dự kiến sẽ chưa dừng lại.
Dù vậy, nhìn ra bên ngoài, trước ảnh hưởng của bệnh dịch virus corona, điển hình như Trung Quốc, hay tại Hàn Quốc, chính sách tiền tệ đã được kích hoạt để tăng cường hỗ trợ nền kinh tế.
Còn tại Việt Nam, các biện pháp hỗ trợ nói chung mới chỉ đang ở bước tính toán và xem xét, như Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành trong phiên họp thường kỳ hôm nay (5/2).
Bizlive