MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Siết mua bán bất động sản để tránh thất thu thuế

01-04-2022 - 11:03 AM | Bất động sản

Siết mua bán bất động sản để tránh thất thu thuế

Để siết chặt hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, tỉnh Bắc Giang đã đề ra một loạt biện pháp mạnh tay, cụ thể.

Hiện nay, tình trạng thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản (BĐS) diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương. Nhiều tỉnh như: Bắc Giang, Phú Thọ... đã có văn bản yêu cầu các sở, cơ quan, địa phương tăng cường quản lý vấn đề này.

Còn khoảng trống pháp lý

Ông Nguyễn Quyền, một nhà đầu tư BĐS lâu năm tại nhiều tỉnh miền Bắc, cho biết trong giao dịch BĐS, hầu hết bên mua đều yêu cầu bên bán ghi số tiền trên hợp đồng thấp hơn thực tế 20%-35% để được giảm tiền thuế thu nhập cá nhân phải nộp cho nhà nước. Với mảnh đất nhỏ, số tiền thuế giảm không nhiều nhưng với những lô đất có giá lên tới hàng trăm tỉ đồng thì khoản tiền chênh lệch là rất lớn. Khoản tiền này nằm ngoài hợp đồng, hoàn toàn không có giấy tờ nào chứng minh.

Theo ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, để tăng cường quản lý công tác chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS, tỉnh đã yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện hàng loạt biện pháp. Bắc Giang đã yêu cầu chấn chỉnh các chủ đầu tư khu dân cư, khu đô thị chưa đủ điều kiện chuyển nhượng đã bán "lúa non" dưới dạng góp vốn.

Siết mua bán bất động sản để tránh thất thu thuế - Ảnh 1.

“Cò đất” mời chào mua bán bất động sản ở xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang

Bắc Giang còn yêu cầu các sàn giao dịch BĐS báo cáo định kỳ hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS qua sàn giao dịch theo quy định, bảo đảm số liệu trung thực, đúng và đủ; cung cấp trung thực hồ sơ, thông tin về BĐS và chịu trách nhiệm về hồ sơ, thông tin cung cấp khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Bên cạnh đó, các đơn vị phải tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh của các sàn giao dịch BĐS, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, các doanh nghiệp đầu tư khu dân cư, khu đô thị.

Ông Tuấn cho rằng trường hợp chuyển nhượng BĐS mà giá kê khai trên hợp đồng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế là hành vi vi phạm pháp luật về thuế, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, việc kê khai trung thực giá bán trên hợp đồng chuyển nhượng sẽ tránh được rủi ro nếu có tranh chấp trong việc thanh toán tiền.

"Tỉnh cũng yêu cầu tăng cường công tác quản lý đối với các hoạt động công chứng, chứng thực, nghiêm cấm công chứng "treo" hợp đồng giao dịch, nhất là các hợp đồng giao dịch về BĐS" - ông Tuấn nhấn mạnh.

Phải giao nhiệm vụ cụ thể

Chỉ ra nguyên nhân thất thu thuế lớn nhất là khi không thể quản lý được giá trong giao dịch, TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nhìn nhận để chống thất thu thuế trong giao dịch BĐS, nếu chỉ triển khai vài biện pháp chắp vá thì khó giải quyết được triệt để. Việc thất thu ngân sách lớn nhất là khi không thể quản lý được giá trong giao dịch, cơ sở dữ liệu về giá của nhà nước cũng chưa có hoặc chưa cập nhật nên khó xác định được đâu là giá thị trường.

Theo luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law Firm, tình trạng bán "lúa non" trong BĐS diễn ra nhiều năm nay, gây rủi ro lớn cho người mua. Đối với tình trạng này, phương án tốt nhất là phải nêu cao trách nhiệm quản lý nhà nước. Chính quyền địa phương phải quản lý chặt chẽ các dự án BĐS hình thành trong tương lai.

Luật sư Trương Anh Tú cho rằng các cơ quan nhà nước cần thực hiện đúng phạm vi trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai ở địa phương; có cơ chế phối hợp với sở, ngành liên quan để ngăn ngừa và xử lý những dấu hiệu kinh doanh BĐS chưa đủ điều kiện ở các nơi. Chính quyền địa phương cũng cần quản lý việc phân lô, tách thửa theo quy hoạch được duyệt và thanh tra, kiểm tra kịp thời đối với những dự án trái phép; đồng thời xử lý nghiêm dự án sai phạm, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Theo luật sư Trương Anh Tú, trong Luật Đất đai có điều khoản quy định rất rõ chính quyền cơ sở là nơi đầu tiên phát hiện và ngăn chặn sai phạm. Tuy nhiên, có những trường hợp doanh nghiệp san lấp, phân lô, bán nền trên diện rộng mà chính quyền không có phản ứng.

"Các địa phương cần có những giải pháp, yêu cầu cụ thể với từng cơ quan, đơn vị để gắn trách nhiệm thì mới có hiệu quả. Chẳng hạn, tỉnh Bắc Giang đã giao trách nhiệm, yêu cầu cụ thể cho từng sở, ngành. Phải như vậy thì mới hy vọng chặn được tình trạng bán "lúa non" hay thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS" - luật sư Trương Anh Tú nhìn nhận.

Một chuyên gia về BĐS cũng cho rằng từ thực tế, các địa phương cần có những hành động thiết thực như Bắc Giang, Phú Thọ để siết chặt việc quản lý BĐS. Việc quản lý hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS hiện nay ở nhiều địa phương còn lỏng lẻo. Các địa phương cần siết chặt quản lý vấn đề này như Bắc Giang để tránh thất thu thuế, giảm thiểu rủi ro cho người mua. Cơ quan nhà nước cũng cần có những biện pháp căn cơ chứ không thể cứ vài biện pháp chắp vá mà giải quyết được.

Điều tra, xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế

UBND tỉnh Bắc Giang giao Công an tỉnh phối hợp với Cục Thuế điều tra, xử lý các hành vi kinh doanh, chuyển nhượng BĐS có dấu hiệu trốn thuế nhằm răn đe, ngăn chặn và truy thu thuế cho ngân sách nhà nước.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn; văn phòng công chứng yêu cầu người dân, doanh nghiệp kê khai trên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo giá thực tế mua bán, chuyển nhượng BĐS; phối hợp với chi cục thuế khu vực rà soát các cá nhân, tổ chức chuyển nhượng, kinh doanh BĐS để đưa vào quản lý thuế theo quy định.

Theo Bạch Huy Thanh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên