Siết tín dụng, dòng vốn nào sẽ đổ vào thị trường BĐS năm 2020?
Sức hút của thị trường bất động sản Việt Nam được giải thích bởi một số yếu tố chính như giá bán hấp dẫn, tiềm năng lợi nhuận cao, sản phẩm chất lượng do có sự tham gia của các nhà phát triển uy tín và Luật Nhà ở được nới lỏng tạo điều kiện cho người nước ngoài mua nhà.
Đây chính là các yêu tố đảm bảo cho dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ mạnh vào BĐS trong năm tới. Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, thị trường bất động sản không thể lúc nào cũng tốt. Đối với những thị trường có tính đầu tư cao như thị trường bất động sản Việt Nam thì việc nền kinh tế vĩ mô có ổn định hay không là rất quan trọng.
Nhìn vào tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam, trong 3 năm gần nhất đều có sự phát triển ổn định trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều vấn đề. Điều này cũng tạo nên sự hấp dẫn với thế giới. Từ đó có thể thấy những triển vọng lớn cho thị trường trong năm 2020, niềm tin nhà đầu tư vẫn không bị suy giảm.
Tại Diễn đàn BĐS thường niên năm 2019 diễn ra mới đây tại Hà Nội, PGS. TS. Trần Kim Chung chia sẻ hiện có 9 nguồn vốn cơ bản dịch chuyển vào thị trường bất động sản. Vốn FDI dịch chuyển vào Việt Nam đang tăng, số liệu 18 tháng gần nhất cho thấy gia tăng rõ rệt.
Theo Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 11 tháng năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 31,8 tỉ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 17,69 tỉ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Các nhà đầu tư ngoại tiếp tục rót vốn vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 21,56 tỉ USD. Đứng thứ hai là lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư 3,31 tỉ USD, chiếm 10,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nếu so với 11 tháng của năm 2018, vốn FDI vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 6,5 tỉ USD thì năm nay vốn ngoại đã giảm gần 50%.
Vốn ngân hàng thương mại (NHTM) đã được cải thiện nhưng có xu hướng siết chặt vào cuối năm; 119 nghìn tỷ vốn trái phiếu, trong đó các ngành được 90%, đây là luồng tiền quan trọng của thị trường bất động sản. Trong năm 2019, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao nhất.
Một số dòng vốn khác như: Nguồn đầu tư gián tiếp; Nguồn kiểu hối. Sau năm 2016 có suy giảm, nhưng đến 3 năm gần đây đạt 16 tỷ đồng vào 2019; Nguồn đầu tư tư nhân vào hạ tầng bắt đầu trỗi dây, chứng tỏ kinh tế tư nhân làm được những việc mà cách đây 20 năm chỉ là viễn cảnh. Mở rộng từ bất động sản thì rất nhiều doanh nghiệp tham gia đấu thầu công trình BT là một điều tích cực; Nguồn phái sinh; Kênh chứng khoán; Đầu tư công.
Cho nên, theo vị chuyên gia này, xem xét nguồn vốn đầu tư vào thị trường 2019, thì sẽ thấy tình hình 2020 sẽ không có nhiều biến động đặc biệt với nguồn vốn đầu tư. Vận hành vào từng thị trường ngách khác nhau sẽ khác nhau, nhưng vẫn phải quan tâm đến luồng tiền vì đây là động lực phát triển của thị trường. "Năm 2020 nếu có điều gì cực đoan xảy ra thì đến trên 50% thị trường bất động sản 2020 sẽ theo hướng tịnh tiến ngoại suy, đi lên một chút theo hướng bình ổn", PGS. TS. Chung nhận định.
Ông Yoshinori Nakata, Giám đốc Công ty Global Link Cooperative (Nhật Bản) đánh giá, thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Từ 10 năm trước, ông đã bắt đầu hợp tác kinh doanh tại Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang rất phát triển với nhiều tòa nhà cao tầng được xây dựng. Lĩnh vực bất động sản ngày càng phát triển để trở thành kênh đầu tư số một.
Một số ý kiến khác cũng nhận định rằng ngay khi các NHTM siết chặt cho vay đầu tư và mua BĐS, cộng với việc Nhà nước đang xem xét lại một số yếu tố mang tính rủi ro của việc phát hành trái phiếu nên thị trường vẫn còn "dựa" nhiều vào dòng vốn FDI và M&A. Cùng với việc trở thành quốc gia đông dân thứ 15 thế giới, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đồng thời là quốc gia có sự gia tăng nhu cầu về nhà ở tại các khu đô thị hàng đầu trong khu vực.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho rằng quá trình đô thị hóa tại Việt Nam diễn ra với tốc độ cao, dân số đô thị sẽ tăng nhanh, nhất là tại các đô thị lớn; thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng… dẫn tới hàng năm, Việt Nam phải xây mới khoảng 100 triệu mét vuông nhà ở, trong đó khoảng 70% nhà ở để đáp ứng nhu cầu của dân cư đô thị.
Mặt khác, nhu cầu về văn phòng, căn hộ cho thuê, khách sạn và công trình thương mại đang tăng nhanh, nhất là nhu cầu thuê căn hộ, khách sạn phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế tại các đô thị lớn cũng như các khu du lịch trên địa bàn cả nước. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục thể hiện sự quan tâm và những cam kết đối với thị trường bất động sản Việt Nam, qua đó cho thấy những tiềm năng phát triển mạnh mẽ của thị trường.
Song song đó, ông Lê Tuấn Bình, Quản lý cấp cao, Phòng Tư vấn đầu tư Savills Hà Nội cho rằng, hiện các nhà đầu tư ngoại đang đặc biệt quan tâm đến bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn, căn hộ dịch vụ, văn phòng, bán lẻ. Đây là các phân khúc có lợi nhuận cao và an toàn trong đầu tư.
"Việt Nam là thị trường mới nổi, có thể so sánh với các thị trường như Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc). Do có lợi nhuận cao nên nhiều nhà đầu tư đang rất tích cực tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam. M&A bất động sản thời gian tới sẽ bùng nổ", ông Bình nhận xét.