MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Siết vốn vay ngắn hạn, doanh nghiệp huy động tiền từ đâu?

29-04-2019 - 10:20 AM | Tài chính - ngân hàng

Trái phiếu doanh nghiệp là một trong những kênh huy động vốn mà thời gian tới đây các doanh nghiệp sẽ tìm đến nhiều hơn.

Theo các chuyên gia, trong thời gian vừa qua, do tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn quá nhiều trong khi nhu cầu vốn trung và dài hạn lại quá cao nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) buộc phải cho phép các ngân hàng cho vay vốn lệch pha với mức cao như vậy.

Cụ thể, trước 1/1/2018, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được giới hạn ở mức 50%, giảm xuống 45% kể từ 1/1/2018 và 40% từ 1/1/2019.

Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới rất nhiều rủi ro, vì thế NHNN mới đây tiếp tục đưa ra lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo hai phương án.

Siết vốn vay ngắn hạn, doanh nghiệp huy động tiền từ đâu? - Ảnh 1.

 Siết vốn vay ngân hàng, doanh nghiệp phải tìm nguồn vốn mới.

Phương án 1, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn đến hết 30/6/2020 là 40%, từ 1/7/2020 – 30/6/2021 là 35% và từ sau 1/7/2021 là 30%. Phương án 2, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn ở mức 40% đến 30/6/2020 và giảm còn 37% từ 1/7/2020 – 30/6/2021. Sau đó, từ 1/7/2021 – 30/6/2022, tỷ lệ này hạ xuống mức 34%, từ 1/7/2020 giảm xuống 30%.

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, việc NHNN dần siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là hợp lý và lẽ ra phải điều chỉnh từ lâu. Quy định này sẽ bắt buộc các ngân hàng phải khai thác nguồn vốn trở về đúng nguyên tắc, cơ cấu.

Nghĩa là huy động như nào thì phải cho vay như thế, bởi việc dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn sẽ gây rủi ro lớn cho ngân hàng. Thậm chí, có chuyên gia còn đưa ra đề xuất, NHNN tiến tới nên giảm xuống còn 20%.

Ngược lại với quan điểm này, vẫn còn những ý kiến lo lắng việc siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ buộc các chủ thể tham gia thị trường tài chính phải đứng trước bước ngoặt lớn trong hoạt động kinh doanh.

Một chuyên gia phân tích, DN nhỏ và vừa hiện chiếm khoảng 98% tổng số DN và nguồn vốn sản xuất kinh doanh vẫn chủ yếu phụ thuộc vào ngân hàng, số lượng DN phát hành cổ phiếu và trái phiếu còn hạn chế. Trong khi đó, để hạn chế rủi ro nguồn vốn, các ngân hàng sử dụng cách thức phát hành chứng chỉ tiền gửi…

Trước những lo lắng trên, NHNN cho rằng việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn hàng năm 5% không tác động lớn đến hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và nhu cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế.

Mặt khác, khi tỷ lệ này giảm sẽ thúc đẩy các DN không phụ thuộc vào vốn ngân hàng, chủ động tiếp cận các nguồn vốn khác như phát hành cổ phiếu tăng vốn, phát hành trái phiếu hay hợp tác thực hiện dự án với các đối tác nước ngoài.

Đồng tình với cách tính toán trên của NHNN, song một số chuyên gia cũng cho rằng NHNN về lâu dài nên có những biện pháp quản lý mang tính chất dài hơi hơn chứ không đơn thuần chỉ là biện pháp hành chính như hiện nay.

"Nếu NHNN đưa ra các chỉ số quản lý thanh khoản tổng thể thì không nhất thiết phải dùng tới biện pháp này. Ví dụ như có thể quản lý các ngân hàng thông qua chỉ số cho vay/vốn huy động hoặc thông qua độ lệch các kỳ hạn của các ngân hàng trong quá trình rà soát các cơ chế quản lý rủi ro của họ", một chuyên gia nêu ý kiến.

Cũng theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, việc siết chặt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn có thể tạm thời làm tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài, nhưng điều này không quá đáng lo ngại.

Một khi thị trường trái phiếu DN phát triển hơn thì DN sẽ chuyển sang kênh huy động vốn này, làm giảm nhu cầu vốn trung và dài hạn từ kênh ngân hàng. Điều đó cũng phù hợp với chủ trương phát triển thị trường trái phiếu mà Chính phủ đã đề ra.

Theo Ngọc Vy

VTCnews

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên