MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Siêu cổ phiếu' VNZ tuột đỉnh, nhà đầu tư có bị mắc kẹt?

'Siêu cổ phiếu' VNZ tuột đỉnh, nhà đầu tư có bị mắc kẹt?

Sau 10 phiên tăng trần liên tiếp, hôm nay (16/2), cổ phiếu VNZ (CTCP VNG) lần đầu ghi nhận sắc đỏ. Đà tăng đứt đoạn, dù vậy VNZ vẫn có giá cao nhất lịch sử chứng khoán trong nước (1,35 triệu đồng/cổ phiếu). Cổ phiếu đi lên không có thanh khoản, chuyên gia lo ngại, rủi ro cho những nhà đầu tư “đu đỉnh” là không biết bán cho ai.

Khó có cơ hội “làm mưa, làm gió”

Sáng nay, VNZ không còn giữ được mạch tăng trần như thường lệ. Sau khi vượt ngưỡng 1,5 triệu đồng/cổ phiếu, VNZ bắt đầu đảo chiều. Đến 11h, VNZ giảm 4,3% xuống 1,3 triệu đồng/ cổ phiếu. Có 7.000 cổ phiếu được sang tay trong khoảng 2 tiếng buổi sáng; bên bán chiếm ưu thế. Dư bán 8.700 cổ phiếu, trong khi dư mua 1.500 đơn vị.

Siêu cổ phiếu VNZ tuột đỉnh, nhà đầu tư có bị mắc kẹt? - Ảnh 1.

VNZ đã quay đầu giảm giá sau chuỗi 10 phiên tăng trần.

Khối lượng giao dịch của VNZ tăng dần qua 4 phiên gần đây, đều trên dưới 6.000 cổ phiếu/phiên. Chỉ 2 tiếng phiên sáng, khối lượng giao dịch của VNZ đã vượt thanh khoản cả phiên của những ngày trước. Cổ phiếu đang trong xu hướng tăng, nhưng đột ngột có phiên diễn biến không đồng thuận giữa giá và khối lượng giao dịch khiến giới đầu tư lo ngại về hiện tượng “phân phối đỉnh”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta - nhận định, bản chất thị trường chứng khoán là cung cầu, phản ánh vào thanh khoản. Với VNZ, cổ phiếu đi lên không có thanh khoản, thì rủi ro cho người mua là không biết bán cho ai.

“Nếu cổ phiếu cứ giảm giá mà thanh khoản không có, mẫu hình cây thông sẽ xuất hiện. Đây là mẫu hình đã xuất hiện ở nhiều cổ phiếu từng "làm mưa, làm gió" trên thị trường. Đến giai đoạn phân phối tạo đỉnh, người mua lướt sóng vội vàng bán ra thì không có thanh khoản”, ông Minh nói.

Theo ông Minh, thị trường chứng khoán vừa qua có phần giống với thời kỳ tiền rẻ ( giai đoạn mà người đi vay có thể dễ dàng vay tiền với lãi suất thấp từ hệ thống tài chính) của năm 2007 - 2008. Đó là giai đoạn IPO (lên sàn) rất dễ, nhiều cổ phiếu được đẩy lên mức hàng trăm nghìn đồng. Vừa qua, năm 2020 cũng được coi là thời kỳ tiền rẻ, mua bán cổ phiếu dễ dãi, nên giá càng được đẩy lên. Doanh nghiệp tận dụng điều đó, “vẽ” ra định giá hấp dẫn, hô hào nhà đầu tư, đẩy cổ phiếu lên rất cao.

Hiện tại, ông Minh cho rằng, nhà đầu tư đã kinh nghiệm hơn qua những cú sập mạnh, lại là giai đoạn thị trường nhiều khó khăn nên cổ phiếu như VNZ khó có cơ hội “làm mưa, làm gió”.

“Nếu rơi vào thời kỳ thuận lợi, VNZ có thể hút được nhiều nhà đầu tư hơn. Nhưng hiện là lúc khó khăn, tâm lý phòng thủ bao trùm, cổ phiếu tăng không kèm thanh khoản càng khiến nhà đầu tư nghi ngờ” - ông Minh nhấn mạnh.

Giám đốc phân tích của Chứng khoán Yuanta còn cho rằng, 3 năm gần đây, nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức luôn bị mù quáng bởi định giá niềm tin vào các công ty công nghệ và khởi nghiệp. Trên thế giới, bài học về đầu tư vào công ty công nghệ là quỹ Softbank. Ông chủ SoftBank “bỗng dưng” mắc nợ gần 5 tỷ USD vì đầu tư cổ phiếu công nghệ.

Thận trọng với định giá niềm tin

Điểm chung của các công ty công nghệ, theo ông Minh là thường vẽ ra bức tranh sáng, dùng những miễu từ hứa hẹn tương lai nhưng hiện tại chưa có lãi, vẫn đang trong cuộc đua đốt tiền.

VNZ không ngoại lệ. Quý IV/2022, VNG lỗ thêm hơn 547 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ 2021 (267 tỷ đồng). Đây là quý thua lỗ thứ 5 liên tiếp của VNG. Lũy kế cả năm, VNG lỗ sau thuế hơn 1.315 tỷ đồng, tăng gần 19 lần so với số lỗ tính tới năm ngoái (71 tỷ đồng).

Theo giải trình của VNG, nguyên nhân lỗ sau thuế tăng mạnh do công ty thúc đẩy quảng cáo sản phẩm mới, sản phẩm chiến lược, đầu tư mở rộng và phát triển các thị trường mới.

Siêu cổ phiếu VNZ tuột đỉnh, nhà đầu tư có bị mắc kẹt? - Ảnh 2.

Siêu cổ phiếu VNZ tuột đỉnh, nhà đầu tư có bị mắc kẹt? - Ảnh 3.

Các khoản đầu tư của VNZ.

VNG tăng đầu tư vào các công ty liên kết, đơn vị khác, từ gần 400 tỷ đồng hồi đầu năm lên 1.484 tỷ đồng vào cuối năm. Đáng chú ý, chỉ duy nhất khoản đầu tư vào Dayone là có lãi trong năm, còn lại các công ty Tiki Global, Rocketeer, Ecotruck, Beijing Youtu, Telio, Funding Asia đều thua lỗ. Trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn của VNG cũng tăng mạnh, cuối kỳ là gần 2.720 tỷ đồng, tăng 1.180 tỷ đồng so với đầu năm.

Cổ phiếu vẫn tăng mạnh bất chấp doanh nghiệp lỗ triền miên. Giải trình cho đà tăng trần vừa qua, VNZ cho biết, giá cổ phiếu tăng hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu cung cầu của thị trường.

Giải trình của VNZ tương tự lý do nhiều doanh nghiệp khác đưa ra. Nhận định về việc này, chuyên gia Nguyễn Thế Minh cho rằng: “Nếu doanh nghiệp có lý do khác, sẽ vô tình mang tội giao dịch nội gián, biết mà không báo cáo, công bố thông tin”, ông Minh lý giải.

Theo ông Minh, thị trường chứng khoán ở các quốc gia khác không có quy định giải trình việc tăng trần/ giảm sàn 5 phiên liên tiếp như Việt Nam. Quy định đang gây phát sinh thủ tục hành chính, nhưng không đem lại giá trị thông tin cho thị trường.

Vừa qua, VNZ là tâm điểm của thị trường, với chuỗi 10 phiên tăng trần. Thị giá lên VNZ 1,3 triệu đồng cổ phiếu, cao gấp 4,6 lần thời điểm lên sàn. VNZ thành cổ phiếu giá cao nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam. Vốn hóa của VNG đạt gần 39 nghìn tỷ đồng (khoảng 1,7 tỷ USD). Đà tăng của VNZ khiến cả thị trường sửng sốt, bởi trước đó, cổ phiếu này “nằm im” suốt 1 tháng sau khi lên sàn.


Theo Việt Linh

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên