'Siêu' công ty 144 nghìn tỷ đồng: Không phải muốn hủy là hủy ngay được
“Một khi đã thành lập doanh nghiệp nghĩa là đã phát sinh quyền và nghĩa vụ liên quan, không phải muốn hủy là hủy ngay được”.
- 27-02-2020Số vốn 144.000 tỷ đồng là ghi nhầm khi say rượu, các cổ đông của USC Interco hủy hồ sơ thành lập công ty
- 26-02-2020Người nắm 30% công ty vốn 144.000 tỷ trả lời trên Tuổi trẻ: Kiếm sống từ ship nước khoáng, cho mượn giấy tờ lập công ty
- 26-02-2020Chế tài nào dành cho USC Interco nếu việc đăng ký vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng chỉ là "chơi trội"?
Đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội) nói về việc cổ đông công ty 144 nghìn tỷ đồng muốn hủy hồ sơ thành lập.
Nhiều ngày nay, dư luận xôn xao về một công ty (tên là USC Interco) có nguồn vốn siêu "khủng" 144.000 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD) vừa được thành lập ở Hà Nội. Nhưng, theo tìm hiểu của báo chí thì một cổ đông của công ty này lại tiết lộ, thông tin nguồn vốn chỉ là do "ghi nhầm" và không có thật. "Tôi đi xin hủy bỏ hồ sơ, hủy bỏ công ty rồi. Giấy tờ đầy đủ rồi, thứ hai này ra là xong thôi", người này nói.
Một nguồn tin của VTC News cho biết, bà Kim Thị Phượng, một trong 3 cổ đông tham gia thành lập doanh nghiệp đã cùng luật sư tới Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội với mục đích hủy bỏ việc thành lập công ty.
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, luật pháp quy định rất rõ về quy trình đăng ký, cũng như giải thể doanh nghiệp. Những thủ tục hiện nay đã tương đối thuận lợi, nhưng không vì thế mà muốn thì đăng ký, còn không thì rút ngay lập tức. “Một khi đã thành lập doanh nghiệp nghĩa là đã phát sinh quyền và nghĩa vụ liên quan, không phải muốn hủy là hủy ngay được”, vị đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nói.
Mặc dù công ty chưa hoạt động, chưa phát sinh các vấn đề thuế thì thủ tục không quá nhiều rắc rối nhưng vẫn phải thực hiện theo quy định pháp luật và các thủ tục liên quan sẽ do Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối.
Trụ sở doanh nghiệp USD Interco tại huyện Hoài Đức, Hà Nội. (Ảnh: Zing.vn)
Theo ý kiến nhiều luật sư, luật pháp quy định rất rõ về thủ tục giải thể, hủy bỏ hồ sơ doanh nghiệp. Điều này phải được thực hiện theo quy trình giải thế doanh nghiệp ghi rất rõ tại Nghị định 78 về đăng ký doanh nghiệp. Ngoài ra, về nguyên tắc, cổ đông sáng lập không được rút vốn đã góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần.
Trường hợp cổ đông rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định thì thành viên Hội đồng quản trị và người đại diện theo pháp luật của công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút.
Vì thế, cổ đông chỉ có thể “rút” vốn bằng cách yêu cầu công ty mua lại số cổ phần của mình hoặc chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông sáng lập hoặc người khác theo quy định.
Với những công ty chỉ mới được thành lập, việc chuyển nhượng cổ phần phải thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 84 Luật doanh nghiệp.
Cụ thể: “Trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông”.
Trong khi đó, nói về việc cổ đông doanh nghiệp giải thích là "viết nhầm" số vốn 144.000 tỷ đồng do say rượu, đại diện Phòng Đăng ký kinh doanh khẳng định, khó có chuyện viết nhầm như vậy. Theo quy định, khi đăng ký doanh nghiệp, các cổ đông phải khai báo vốn điều lệ rất chi tiết, trên cơ sở số lượng cổ phần, mệnh giá cổ phiếu. Việc nhầm lẫn có thể xảy ra với một, hai chỉ tiêu nhưng không thể nhầm toàn bộ. "Hơn nữa, chúng tôi cũng đã hỏi lại nhiều lần khi họ đăng ký vì quy mô vốn lớn bất thường nhưng họ vẫn khẳng định là không có sự nhầm lẫn ở đây", vị này nói.
Thông tin cụ thể về doanh nghiệp có số vốn "khủng" vừa xin được thành lập ở Hà Nội. (Ảnh: CafeF)
Trên bản khai đăng ký kinh doanh của USC Interco, mỗi chỉ tiêu về số lượng cổ phần và giá trị vốn góp được nhắc lại hai lần với mỗi cổ đông. Theo bản thông tin này, các cổ đông của USC Interco đều ký xác nhận về giá trị vốn góp và thời điểm để ba cổ đông hoàn tất việc góp 144.000 tỷ đồng cùng vào ngày 6/4/2020.
Công ty USD Interco chỉ vừa mới thành lập hơn 1 tháng (17/1/2020), trụ sở chính tại số 10, ngõ 234 đường Thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.
“Siêu” doanh nghiệp này có 3 cổ đông góp vốn. Trong đó cổ đông thứ nhất là bà Kim Thị Phương góp 43.200 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ sở hữu 30% vốn. Cổ đông thứ hai là Nguyễn Hoàn Sơn góp 57.600 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ sở hữu là 40% vốn. Và cổ đông thứ ba là Trần Gia Phong góp vốn 43.200 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ sở hữu 30% vốn.
VTC News