Siêu đập khổng lồ, hiện thân cho khát vọng trị thủy nghìn năm của Trung Quốc, đang đến hồi kết thúc
Với một quốc gia có lịch sử nông nghiệp, trị thủy không chỉ là mục tiêu mà còn là khát vọng ngàn đời của người Trung Quốc. Đó cũng là lý do khiến Trung Quốc liên tiếp xây dựng những con đập "xô đổ mọi kỷ lục" từng tồn tại trước đó.
- 10-07-2020124 triệu NDT, 12 ngôi làng: Quy mô thiệt hại khủng khiếp khi đập thủy điện của TQ xả lũ hết công suất
- 09-07-2020Đập thủy điện Trung Quốc xả lũ: Mặt sông tựa như mặt biển, như cuồng phong gào thét
- 09-07-2020Siêu đập Tam Hiệp sánh với Vạn lý trường thành, sức mạnh vĩ đại nhất Trái đất cũng không thể "quật ngã"
- 08-07-2020Vì sao sau khi xây xong đập Tam Hiệp, TQ phải thả vào 10.000 con cá?
- 08-07-2020Lần đầu tiên trong lịch sử, đập thủy điện TQ mở toàn bộ cửa xả, khiến cá bay đầy trời
4.000 năm trước, Hạ Vũ, một vị vua của Trung Quốc thời cổ đại đã trở thành huyền thoại của dân tộc Trung Hoa bởi những nỗ lực đắp đê, xây đập, đào kênh để trị thủy. Trải qua nhiều thiên niên kỷ, trị thủy vẫn là khát vọng lớn lao ở Trung Quốc, nền văn minh mà chỉ vài thập kỷ trước vẫn gắn liền với nông nghiệp và các vùng đồng bằng châu thổ.
Trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới cùng hàng loạt những bước tiến trong khoa học, công nghệ, Trung Quốc đẩy khát vọng trị thủy của mình lên một tầm cao mới. Chỉ vài ngày trước, Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc đã bật tổ máy phát điện đầu tiên tại nhà máy thủy điện khổng lồ Wudongde, nằm sâu trong vùng núi của tỉnh Vân Nam. Cách đó 170 km xuôi xuống hạ lưu của dòng Jinsha, một nhà máy thủy điện khác được dự kiến đi vào hoạt động trong năm tới.
Khi hoạt động hết công suất, 2 nhà máy này có công suất lớn hơn tất cả các nhà máy điện của Philippines cộng lại. Chúng cũng là 2 siêu đập cuối cùng trong kỷ nguyên bùng nổ các công trình trị thủy khổng lồ của Trung Quốc, tồn tại suốt hơn nửa thế kỷ qua. Sự kết thúc của các siêu đập diễn ra trong bối cảnh những tranh cãi ngày càng lớn về việc đánh đổi lợi ích môi trường lấy các đập thủy điện.
Trong mùa mưa lũ được mô tả là chưa từng có trong nhiều thập niên đang diễn ra ở Trung Quốc, đập Tam Hiệp, công trình được kỳ vọng sẽ kiểm soát lũ trên sống Dương Tử, lại đang trở thành mối lo lớn nhất. Hình ảnh vệ tinh cho thấy đập Tam Hiệp biến dạng khi lượng nước đổ về hồ chứa của nó tăng lên mức kỷ lục.
Với chi phí xây dựng 25 tỷ USD, Trung Quốc từng gọi đập Tam Hiệp là công trình trường tồn với lịch sử, tương đương Vạn lý Trường thành. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau khi đập Tam Hiệp đi vào hoạt động, năm 2010, Trung Quốc đã phải cay đắng chấp nhận rằng khả năng của đập Tam Hiệp không phải là vô hạn.
Ngay cả khi có đập Tam Hiệp, nhiều thành phố Trung Quốc vẫn đang lâm vào cảnh lụt lội. Phượng hoàng Cổ trấn, một địa danh du lịch nổi tiếng nên thơ, đang chìm trong biển nước đục ngàu của mưa lũ. Mùa mưa năm nay được mô tả là "chưa từng có trong 80 năm qua". Từ đó, hàng loạt lo ngại liên quan đến đập Tam Hiệp cũng được nêu ra.
Từ khi còn là dự án, đập Tam Hiệp cũng đã gây ra những tranh cãi bất thường ở Trung Quốc. Những người ủng hộ nói đến những lợi ích của năng lượng sạch, cải thiện giao thông đường thủy và cơ hội để chế ngự một trong những con sông dễ bị lũ lụt nhất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, những người phản đối nói đến việc hàng triệu người sẽ phải di rời nhà cửa nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện, tác động tiêu cực đến môi trường cũng như việc phá hủy các địa điểm văn hóa và khảo cổ.
Tam Hiệp vẫn được xây dựng vào năm 1994 và tổ máy phát điện cuối cùng đi vào hoạt động năm 2012. Khi đó, nó trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới, tạo ra 22,5 gigawatt. Tuy nhiên, Trung Quốc đã hết vị trí để xây đập thủy điện trong khi những ngành năng lượng mới có thể khiến việc đổ tiền của vào các đập khổng lồ không còn hiệu quả.
Bên cạnh việc kiểm soát lũ, điện năng là lý do khiến Trung Quốc miệt mài xây dựng các đập thủy điện trong suốt 50 năm qua. Tuy nhiên, thứ năng lượng từ nước này có cái giá của riêng nó dù trên một phương diện nào đó, đây là thứ điện sạch. Để hình dung rõ nhất về tác động của đập thủy điện với môi trường, đập Tam Hiệp là ví dụ điển hình.
Đập Tam Hiệp dài 2.335m, cao 185m, cấu thành từ 28 triệu m3 bêtông và 463.000 tấn thép. Hồ chứa của đập nhấn chìm một khu vực dài tới 600 km. Hệ thống đặc biệt của đập cho phép tàu thuyền tải trọng lớn đi từ dưới chân đập lên hồ chứa và đi sâu lên thượng nguồn sông Dương Tử.
Để xây dựng con đập, hơn 1 triệu người sống ở những mảnh đất màu mỡ dọc sông Dương Tử đã buộc phải chuyển tới nơi đất cao nhưng cằn cỗi hơn. Tuy nhiên, con người có thể di cư nhưng 6.400 loài thực vật, 300 loài cá và hơn 500 loài động vật có xương sống trên cạnh ở khu vực xung quanh đập Tam Hiệp không thể tránh khỏi những ảnh hưởng.
Trong khi đó, tình trạng xói mòn của hồ chứa gây ra nhiều trận lở đất. Thậm chí, động đất cũng thường xuyên xảy ra trong khu vực. Các nhà khoa học tính toán rằng, lượng nước khổng lồ của đập Tam Hiệp còn có thể làm chậm vòng quay của trái đất dù không đáng kể. Việc chặn dòng Dương Tử khiến nhiều loài động vật rơi vào nguy cơ tuyệt chủng vì thay đổi môi trường sống.
Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại nhất là nguy cơ vỡ đập Tam Hiệp, công trình mà người Trung Quốc luôn tự hào. Hình ảnh con đập biến dạng từng khiến nhiều người lo sợ. Nếu đập Tam Hiệp vỡ, lượng nước khổng lồ sẽ quét sạch nhiều làng mạc, đô thị phía dưới, đe dọa tính mạng của hàng triệu người. Thậm chí, nhiều nhà nghiên cứu còn cảnh báo hàng trăm triệu người sẽ bị ảnh hưởng nếu đập vỡ.
Không ai khác, người Trung Quốc có kinh nghiệm đau thương về một sự cố vỡ đập tồi tệ nhất lịch sử. Năm 1975, đập Bản Kiều trên sông Nhữ, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc vỡ, trở thành thảm họa vỡ đập tồi tệ nhất lịch sử. Được xây dựng vào những năm 1950, đập Bản Kiều nứt không lâu sau khi hoàn thành. Sau khi được gia cố, người Trung Quốc gọi nó là "đập sắt" và không thể vỡ.
Tuy nhiên, thảm họa xảy ra tháng 8/1975. Con đập này vỡ vụn dẫn tới hiện tượng mà người dân địa phương gọi là "rồng sông", mô tả con sóng cao nhiều mét, trải rộng tới 12km. Các số liệu cho thấy hàng chục nghìn người đã chết trong vụ việc nhưng BBC dẫn ước tính gần đây cho rằng số nạn nhân của vụ vỡ đập có thể lên tới 250.000 người.
Không chỉ ở Trung Quốc, vỡ đập là nguy cơ hiện hữu ở tất cả các nước trên khắp thế giới. Mối nguy hiểm từ các con đập khổng lồ, hệ lụy chúng gây ra với môi trường khiến nhiều quốc gia cân nhắc về những công trình này. Ngay cả ở Trung Quốc, kỷ nguyên của các siêu đập cũng đã chính thức chấm dứt khi người ta không có kế hoạch xây dựng bất cứ công trình nào mới.
Thiếu vị trí xây đập là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc không còn mặn mà với những công trình này. Thủy điện cần địa hình dốc để nước có thể làm quay các máy phát điện. Tuy nhiên, những nơi dễ dàng đều đã được xây đập. Những nơi hiểm trở thì khiến việc xây dựng trở nên đắt đỏ và rủi ro.
Trong khi đó, điện mặt trời và điện gió lại đang lên ngôi. Không phải đánh đổi những chi phí quá lớn để ngăn sông, đắp đập, điện mặt trời và điện gió dễ tiếp cận hơn, nhất là khi công nghệ của 2 loại năng lượng này ngày càng mang lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục xây đập thủy điện ở nước ngoài bất chấp những hệ lụy mà họ đã nhìn thấy từ các công trình trong nước. Kể từ năm 2000 đến nay, Trung Quốc đã chi tới 44 tỷ USD cho các công trình thủy điện khắp toàn cầu. Thủy điện được Bắc Kinh đầu tư mạnh ở các nước Nam Á, Đông Nam Á, châu Phi và châu Mỹ Latin.