MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Siêu dự án 70 tỷ USD, 1.500km ở Việt Nam có quyết tâm mới, đơn vị hùng hậu bậc nhất Trung Quốc đáp lời

Chủ tịch Hội đồng quản trị, TGĐ Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc đã đưa ra nhiều thông tin tích cực trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Việt Nam quyết tâm triển khai đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Chiều 25/6, tại thành phố Đại Liên, Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC) - nhà cung cấp hệ thống điều khiển vận tải đường sắt lớn nhất thế giới.

Tại cuộc tiếp, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc và các đối tác Trung Quốc tham gia tư vấn, đầu tư, thiết kế, thi công các tuyến đường sắt; hỗ trợ Việt Nam về đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, về cách thức huy động nguồn vốn, chia sẻ kinh nghiệm, qua đó nâng cao năng lực, xây dựng ngành công nghiệp đường sắt.

Thủ tướng đề nghị Tập đoàn phối hợp với Bộ Giao thông vận tại, các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan để hợp tác, phát triển các dự án cụ thể tại Việt Nam, như nghiên cứu tham gia thúc đẩy, triển khai 3 tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng vào thời điểm phù hợp, thúc đẩy kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc theo thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, cũng như các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, phát triển hệ thống đường sắt là chiến lược lớn nhất của Việt Nam hiện nay; mong muốn phát triển hệ thống đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao dài hơn 1.500 km.

Siêu dự án 70 tỷ USD, 1.500km ở Việt Nam có quyết tâm mới, đơn vị hùng hậu bậc nhất Trung Quốc đáp lời- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Việt Nam quyết tâm triển khai trong giai đoạn 2026 – 2027. Do đó, Việt Nam mong hợp tác với Trung Quốc về lĩnh vực đường sắt, toa xe và tín hiệu. Ông hy vọng thời gian tới hai bên có trao đổi, hợp tác.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá, trong đường sắt tốc độ cao, hệ thống thông tin tín hiệu là hết sức quan trọng, quyết định sự an toàn hệ thống. Chính phủ Việt Nam đang chỉ đạo xây dựng các hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM, điều này tạo dư địa lớn để 2 bên hợp tác. Khi Trung Quốc có công nghệ tốt, giá thành hợp lý thì đây là cơ hội tốt, hai bên cần xây dựng các cơ chế hỗ trợ để phát triển dự án đường sắt ở Việt Nam.

Siêu dự án 70 tỷ USD, 1.500km ở Việt Nam có quyết tâm mới, đơn vị hùng hậu bậc nhất Trung Quốc đáp lời- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ tuyến đường sắt tốc độ cao tương lai của Việt Nam bằng ứng dụng AI Chat GPT

Lãnh đạo Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc khẳng định mong muốn có cơ hội hợp tác, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đường sắt an toàn, chất lượng với công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ và giá thành cạnh tranh cho Việt Nam.

Tập đoàn cũng sẵn sàng tham gia đầu tư với hình thức phù hợp, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo nhân lực, hợp tác nghiên cứu và phát triển; trao đổi với các đối tác Việt Nam để triển khai các dự án, chương trình hợp tác cụ thể về đường sắt, góp phần thiết thực triển khai nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước.

Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc lớn mạnh thế nào?

Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc - CRSC là doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước Trung Quốc (SASAC), là nhà cung cấp hệ thống điều khiển vận tải đường sắt lớn nhất thế giới và chiếm tỷ trọng lớn tại Trung Quốc.

Với hoạt động mạnh mẽ tại hơn 20 quốc gia và khu vực, doanh thu của Tập đoàn năm 2023 đạt hơn 37 tỷ NDT (~129,7 nghìn tỷ VNĐ) và lợi nhuận tương ứng đạt 4,7 tỷ NDT (~16 nghìn tỷ VNĐ).

Tập đoàn này đã xây dựng chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh từ thiết kế, nghiên cứu và phát triển (R&D) đến sản xuất thiết bị và dịch vụ kỹ thuật của hệ thống điều khiển vận tải đường sắt.

Siêu dự án 70 tỷ USD, 1.500km ở Việt Nam có quyết tâm mới, đơn vị hùng hậu bậc nhất Trung Quốc đáp lời- Ảnh 3.

CRSC là doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc về tín hiệu đường sắt. Ảnh: China Daily

CRSC cũng đóng vai trò là cơ quan quản lý có thẩm quyền của Trung Quốc về tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn sản phẩm các hệ thống kiểm soát vận tải đường sắt.

Chia sẻ cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết tập đoàn CRSC là doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc về tín hiệu đường sắt. Riêng về lĩnh vực tàu điện ngầm, tập đoàn chiếm thị phần 45%.

Siêu dự án 70 tỷ USD, 1.500km ở Việt Nam có quyết tâm mới, đơn vị hùng hậu bậc nhất Trung Quốc đáp lời- Ảnh 4.

CRSC tại một buổi triển lãm. Ảnh: People Daily

Tập đoàn mong có cơ hội hợp tác với Việt Nam vì có thế mạnh từ khâu thiết kế đến sản xuất hệ thống tín hiệu kiểm soát đường sắt, trong đó có phần mềm, số hoá thiết bị - tạo thành chuỗi khép kín.

Liên quan lĩnh vực giao thông đường sắt, ông Lou QiLiang cho biết, nguồn nhân lực có vai trò rất quan trọng, do đó đơn vị có thể đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D). Tập đoàn có lực lượng hùng hậu về phát triển đường sắt đô thị, nhất là mảng tín hiệu.

Trong lĩnh vực này, tập đoàn đang có hợp tác chặt chẽ với Singapore. Ông Lương nhấn mạnh, muốn phát triển hệ thống đường sắt thì quan trọng vẫn phải là phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, tập đoàn cũng có những mô hình hợp tác với Indonesia, một số nước châu Phi. Vì vậy có thể căn cứ tình hình cụ thể để có hình thức đầu tư khác nhau.

Ngày 26/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.

Báo cáo Chính phủ, Bộ GTVT cho biết giữ nguyên phương án tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến có vận tốc thiết kế 350 km/h, dài khoảng 1.500km, phục vụ cả hành khách lẫn hàng hóa khi cần, trong khi đường sắt Bắc - Nam hiện tại sẽ chuyển sang chủ yếu vận tải hàng, vốn đầu tư khoảng 70 tỷ USD.

Từ các đánh giá phối hợp giữa Bộ GTVT và Tổng cục Thống kê, Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được dự báo có thể góp phần tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 1% từ năm 2025 đến năm 2037.

Theo T.Hà

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên