'Siêu dự án chết' 117 tầng không 1 bóng người giữa lòng thành phố triệu dân: Được 'rót' 200 nghìn tỷ đồng nhưng vẫn dở dang suốt 15 năm vì nguyên nhân bất ngờ
Công trình này từng được kỳ vọng trở thành tòa nhà cao nhất Trung Quốc nhưng sau 15 năm kể từ khi khởi công, cao ốc vẫn dở dang chưa thể đi vào hoạt động.
- 20-04-2023‘Lạ lùng’ công ty nhà người ta: Phạt nhân viên nếu làm thêm giờ và nghe điện thoại sếp sau khi tan làm, khiếu nại đúng còn thưởng tiền khủng
- 19-04-2023Nữ CEO dùng hũ kem dưỡng 42 triệu đồng kiếm tiền 'khủng' cỡ nào mà ở nhà penthouse 600m2 view Landmark 81 bạc tỷ, du lịch villa 90 triệu/đêm?
- 17-04-2023Vì sao cứ 10 người trúng số thì 7 người rơi vào bi kịch cay đắng, 'tan cửa nát nhà': Nghèo vẫn hoàn nghèo vì 4 nguyên nhân bất ngờ
Tòa nhà Thiên Tân Goldin 117 nằm trong Công viên Khoa học và Công nghệ ở thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) là một tòa nhà 117 tầng trên mặt đất và 3 tầng ngầm với chiều cao hơn 596m, diện tích mặt bằng là 847.000 m2. Toàn bộ dự án bao gồm khu trung tâm thương mại, khu dân cư, văn phòng hạng A, kinh doanh khách sạn, công viên giải trí thể thao chuẩn quốc tế.
Tòa nhà được khánh thành hoành tráng vào tháng 9/2008 và cất nóc vào năm 2015 với kỳ vọng trở thành tòa nhà chọc trời cao nhất Trung Quốc tại thời điểm đó và là tòa nhà thứ 5 tại đất nước tỷ dân cao hơn 500m. Không những vậy, Thiên Tân Goldin 117 còn được chủ đầu tư đặt tham vọng trở thành tòa nhà cao thứ 2 thế giới sau Burj Khalifa của Dubai. Thế nhưng 15 năm trôi qua, công trình tiêu tốn hàng chục tỷ NDT này vẫn im lìm, dở dang không thể đi vào hoạt động.
Chuyện gì đã xảy ra với niềm tự hào một thời của người dân Thiên Tân?
Chủ đầu tư... hết tiền
Thiên Tân Goldin 117 thuộc sở hữu của Tập đoàn Goldin Real Estate, đứng đầu là doanh nhân Hồng Kông (Trung Quốc) Phan Tô Thông. Phan Tô Thông giàu lên nhờ kinh doanh đồ điện tử và bắt kịp xu hướng bất động sản, từng lọt top những người giàu nhất Trung Quốc và cả châu Á.
Với Thiên Tân Goldin 117, Phan Tô Thông đã lên kế hoạch cho những kỷ lục khó phá vỡ của nó: sảnh tham quan cao nhất thế giới, nhà hàng xoay cao nhất thế giới, bể bơi trong nhà cao nhất thế giới,... với tổng số vốn đầu tư lên tới 60 tỷ NDT (~204 nghìn tỷ đồng). Sử dụng nhiều mánh lời quảng cáo, thổi phồng về “dự án số 1 Trung Quốc và cả thế giới”, cổ phiếu của Goldin được đẩy lên cao, ông trùm bất động sản kiếm được bộn tiền trước khi dự án hoàn thành.
Tháng 1/2015, Goldin Real Estate vẫn tuyên bố sẽ hoàn thành việc xây dựng tòa nhà vào quý IV năm sau. Tại thời điểm đó, cổ phiếu của Goldin Real Estate đã tăng 6,23 lần trong 1 tháng rưỡi, cổ phiếu công ty tài chính Goldin Financial Phan Tô Thông mua lại cũng tăng 3,7 lần trong 4 tháng đầu tiên nên doanh nhân này vô cùng tự tin.
Thế nhưng ngay sau đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc rơi vào một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy sau một thời kỳ tăng trưởng vũ bão. Tháng 5.2015, cổ phiếu Goldin Real Estate đã giảm mạnh 41% trong một ngày. Goldin Financial thậm chí còn tồi tệ hơn, “bốc hơi” 43%. Dựa vào tỷ lệ cổ phần, tài sản của Phan Tô Thông đã sụt giảm 87,1 tỷ HKD (~260 nghìn tỷ đồng).
Do tài sản giảm mạnh, số tiền hạn hẹp còn lại phải sử dụng cho hoạt động của công ty nên Phan Tô Thông không còn tiền đầu tư xây dựng Thiên Tân Goldin 117. Tháng 9/2015, số tiền đầu tư vào tòa nhà đã cạn kiệt, quá trình thi công bị đình chỉ.
Một năm sau, Goldin Real Estate bán tòa nhà 117 tầng với giá 18 tỷ NDT. Nhưng việc xây dựng tiếp vẫn bị đỉnh chỉ nên bên mua lại đã kiện Goldin ra tòa. Công trình Thiên Tân Goldin 117 vẫn dở dang đến nay và là tòa nhà không người ở cao bậc nhất thế giới.
Tương lai bỏ ngỏ của siêu dự án chết
Từng có thời kỳ bùng nổ các tòa nhà chọc trời tại Trung Quốc, đến nay đã có hơn 50 cao ốc có chiều cao hơn 300m. Thiên Tân Goldin 117 từng được kỳ vọng là tòa nhà cao nhất Trung Quốc nhưng sớm đã bị các công trình khác “vượt mặt”. Ngay khi Thiên Tân Goldin 117 bị đình chỉ xây dựng vào năm 2015, Trung tâm Tài chính Quốc tế Bình An ở Thâm Quyến đã vươn lên trở thành tòa nhà cao nhất với chiều cao 599m, 118 tầng.
Năm 2016, tháp Thượng Hải cao 632m, 119 tầng lại phá kỷ lục của tòa nhà Thâm Quyến. Các tòa nhà chọc trời được coi là “bộ mặt” của thành phố, mang lại nguồn thu từ du lịch và đầu tư thương mại, đồng thời tiết kiệm quỹ đất tại các đô thị lớn. Tuy vậy, xây dựng những cao ốc này cũng đem đến nhiều rủi ro khi vốn đầu tư lớn, chi phí vận hành và bảo trì tăng theo thời gian. Cơn sốt các tòa nhà chọc trời tại đất nước tỷ dân sau đó đã hạ nhiệt.
Sau vụ kiện của Goldin, chính quyền thành phố Thiên Tân hy vọng sẽ tìm được công ty khác mua lại tòa nhà này nhưng kết quả là Thiên Tân Goldin 117 vẫn không tránh được số phận trở thành siêu dự án chết.
Từng là niềm tự hào của người Thiên Tân nhưng nay chính người dân thành phố này lại hài hước khi nói công dụng lớn nhất của tòa nhà 117 tẩng là đo tầm nhìn trên không của bạn đến đâu. Tuy vậy, nhiều người dân vẫn mong đợi tin tức về sự hồi sinh của “siêu dự án chết” này để Thiên Tân trở thành thành phố duy nhất tại Trung Quốc và trên thế giới có 2 tòa nhà chọc trời cao hơn 500m hoạt động (cùng với Trung tâm tài chính Châu Đại Phúc cao 530m).
Theo Toutiao
Nhịp sống thị trường