MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Siêu dự án Điện khí LNG Hải Lăng 2,3 tỷ USD còn vướng mắc gì khiến cho 3 năm vẫn “loay hoay”?

20-05-2024 - 07:19 AM | Doanh nghiệp

Liên danh nhà đầu tư cam kết hoàn thành tiến độ dự án và đưa vào vận hành thương mại vào quý 2 năm 2029.

Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 10/2021. Tuy nhiên, sau gần ba năm từ khi được chấp thuận chủ trương, dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1 vẫn đang gặp nhiều vướng mắc.

Dự án được đầu tư bởi Tổ hợp nhà đầu tư gồm: Công ty Năng lượng Hanwha Hàn Quốc (Hanwha), Tổng công ty Khí Hàn Quốc (Kogas), Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (Kospo) và DN Việt Nam duy nhất là Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T (Tập đoàn T&T).

Theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp, tổng vốn đầu tư của dự án là 53.668 tỷ đồng, tương đương 2,32 tỷ USD, trong đó vốn góp của Tổ hợp nhà đầu tư để thực hiện dự án là 13.416 tỷ đồng; trong đó: T&T Group góp 40%, mỗi nhà đầu tư: HANWHA, KOSPO, KOGAS góp 20%.

Dự án sẽ xây dựng Trung tâm Kho cảng LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 tiếp nhận tàu chở khí hóa lỏng từ 170.000 đến 226.000 m3 , công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn khí hóa lỏng/năm; Trung tâm Điện lực Hải Lăng, giai đoạn 1 có công suất phát điện 1.500 MW.

Trong khoảng cuối tháng 4/2024, đoàn công tác tỉnh Quảng Trị do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Liên doanh tổ hợp các nhà đầu tư của dự án LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 với 1500MW.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Liên doanh tổ hợp các nhà đầu tư đã báo cáo với đoàn công tác tỉnh Quảng Trị tiến độ triển khai dự án. Đến nay, cơ bản hồ sơ dự án đầu tư đã cơ bản hoàn chỉnh và trình các cấp bộ ngành và Chính phủ Việt Nam, trong 19 tiêu chí cơ bản, Liên doanh tổ hợp các nhà đầu tư đã hoàn thành 4 tiêu chí quan trọng và đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị hỗ trợ nhà đầu tư trong thỏa thuận tiêu thụ điện với EVN, trong đánh giá tác động môi trường, bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), phê duyệt phương án phòng cháy chữa cháy và công tác giải phóng mặt bằng… phối hợp đồng hành cùng với nhà đầu tư giải trình các nội dung liên quan của dự án với các cấp bộ ngành Trung ương và Chính phủ.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, qua rà soát, dự án đến nay còn tồn tại nhiều nội dung cần được tháo gỡ xử lý và đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Một trong số đó là việc điều chỉnh quy hoạch.

Trước đó, để phù hợp với quy mô công suất đã phê duyệt tại Quy hoạch điện VIII, Liên danh nhà đầu tư đã đề xuất điều chỉnh phương án bố trí tổng mặt bằng dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1 với tổng diện tích mặt đất và mặt nước là khoảng 184,93 ha. Trong đó, quy mô mặt nước sử dụng của dự án là 130 ha, quy mô sử dụng đất của dự án là khoảng 54,93 ha.

Tuy nhiên, qua rà soát các quy hoạch liên quan, phương án điều chỉnh tổng mặt bằng dự án chưa phù hợp với Quy hoạch chung và Quy hoạch phân khu xây dựng khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, giai đoạn 1.

Đại diện liên danh nhà đầu tư cho biết, hiện nay đơn vị đang thực hiện việc điều chỉnh dự án đầu tư; điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500; lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường...

Tại buổi làm việc trong tháng 4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục đồng hành với Liên doanh nhà đầu tư để hoàn thiện việc điều chỉnh dự án đầu tư, trong đó có việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị - giai đoạn 1, điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1; hoàn thiện một số thỏa thuận chuyên ngành chính (thỏa thuận đấu nối; vị trí thông số cảng biển; báo cáo đánh giá tác động môi trường…) nhằm đảm bảo đầy đủ các điều kiện để Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định.

Vướng mắc thứ hai là rủi ro trong hợp đồng mua bán điện (PPA). Dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1 nằm trong danh sách các dự án đã trình báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) tới Bộ Công Thương để thẩm định, phê duyệt và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã có văn bản gửi các chủ đầu tư yêu cầu hoàn thiện hồ sơ FS.

Theo Báo Công Thương, theo lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, trên cơ sở báo cáo của các chủ đầu tư và địa phương có dự án, trong quá trình triển khai các dự án điện khí đang gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến hợp đồng PPA, bảo lãnh Chính phủ và cơ chế mua LNG. Cụ thể, đa số các chủ đầu tư trong nước yêu cầu trong hợp đồng PPA cam kết sản lượng hợp đồng (Qc) dài hạn ổn định hoặc bao tiêu khí; chuyển ngang cam kết sản lượng mua khí từ hợp đồng mua khí sang hợp đồng mua điện; chuyển ngang giá khí sang giá điện, điều kiện bất khả kháng…

Đặc biệt, một số quy định của Luật Đấu thầu chưa phù hợp với đặc thù và thông lệ kinh doanh LNG quốc tế. Do vậy, cần phải có quy định về việc mua LNG cho các dự án nhà máy điện LNG phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cũng cho biết, Cục đang nghiên cứu báo cáo Bộ Công Thương sửa đổi quy định tại 2 thông tư để tháo gỡ các vướng mắc, giúp chủ đầu tư và EVN có thể ký kết các hợp đồng PPA làm cơ sở thu xếp vốn, thực hiện các dự án điện khí LNG. Tuy nhiên, việc sửa đổi các thông tư này phải dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ các tác động như giá điện, thị trường điện và các quy định pháp luật khác có liên quan. Trường hợp có vướng mắc vượt thẩm quyền, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cấp thẩm quyền để chỉ đạo, giải quyết.

Ngoài ra, dự án còn gặp khó khăn trong chuyển tiếp giá LNG; hợp đồng mua nhiên liệu; việc đầu tư đường dây truyền tải 500 kV để kết nối dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1 với hệ thống điện quốc gia...

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng ghi nhận các kiến nghị, đề xuất các nhà đầu tư và chỉ đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế và các Sở: Kế hoạch & Đầu tư, Tài nguyên – Môi trường, Công Thương, các sở, ban, ngành liên quan bám sát cùng với nhà đầu tư để thực hiện xử lý các kiến nghị, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các nhà đầu tư xây dựng kế hoạch tổng thể, mốc tiến độ dự án để cùng với tỉnh Quảng Trị triển khai thực hiện.

Liên danh nhà đầu tư cam kết hoàn thành tiến độ dự án và đưa vào vận hành thương mại vào quý 2 năm 2029.

Ngọc Điệp

An ninh Tiền tệ

Trở lên trên