MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Siêu dự án tỷ đô của Xuân Thành có đang đưa ra những đề xuất không tưởng và vô lý?

Bán giá điện cao hơn giá nhà nước quy định và thực hiện dự án theo hình thức BOO - tức là tự xây dựng, sở hữu và vận hành là những đề xuất "không tưởng" của Tập đoàn Xuân Thành với siêu dự án tỷ đô trên sông Hồng.

Hàng loạt những đề xuất bất hợp lý được đưa ra với một dự án trong khi nguy cơ tác động của nó đến môi trường, thủy lợi và nông nghiệp... chưa được đánh giá đầy đủ.

Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, GS.TS - Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam là chuyên gia lâu năm trong ngành điện cho rằng cần phải xem xét kỹ lưỡng và đánh giá đầy đủ tác động của dự án thủy lộ kết hợp thủy lợi trên sông Hồng của Tập đoàn Xuân Thành.

Theo ông việc tận dụng công trình thủy lộ để làm các nhà máy thủy điện trên sông Hồng như đề xuất của Tập đoàn Xuân Thành có phù hợp?

Dự án xây dựng thủy lộ trên sông Hồng, có các cột nước chắn ngang sông Hồng để làm thủy điện, có nhiều vấn đề liên quan. Riêng về điện dự án này không đóng vai trò gì đáng kể, trong việc tăng cường khả năng cung cấp điện. Bởi công suất vài trăm MW thì cũng chưa bằng tổ máy nhiệt điện mà chúng ta đang xây ở khắp nơi.

Nhưng mà tác hại môi trường và sinh thái chưa được làm rõ. Ta có nhiều kinh nghiệm không được tốt về việc phát triển nguồn thủy điện, mà ảnh hưởng của nó đến môi trường sinh thái như thế nào, thì cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước phải xem vấn đề này cẩn thận và chu đáo.

Bởi dòng sông Hồng với miền Bắc Việt Nam có ý nghĩa lớn về thủy lợi, nông nghiệp, giao thông thủy và chuyện cấp nước cho các khu vực ở hạ lưu…

Liên quan đến đề xuất của nhà đầu tư, họ muốn triển khai theo hình thức BOO và đưa ra mức giá bán điện khá cao sơ với quy định. Chúng ta đồng ý là cần ưu đãi hơn cho đầu tư tư nhân, nhưng liệu đề xuất này có hợp lý không?

Trong dự án này cần phải xem xét ngoài chuyện ảnh hướng môi trường sinh thái, nguồn nước thì còn có đề nghị của công ty đầu tư về chuyện giá điện. Tôi được biết lúc đầu là khoảng 1500 đồng/kWh và sau đó tăng lên 3000 đồng/kWh để cho chủ đầu tư có thể thu hồi vốn. Theo tôi đề nghị này là không hợp lý.

Bởi không thể nào bắt người sử dụng điện phải trả thêm tiền điện theo quy định do nhà đầu tư phải chi quá lớn để xây dựng công trình này. Tức là quan hệ giữa chi phí và hiệu quả cần phải xem xét hết sức kỹ lưỡng.

Ngoài ra công trình đề nghị dưới hình thức là BOO, tức là xây dựng, vận hành và sở hữu của chính công ty. Theo quan điểm riêng của tôi thì những công trình liên quan nhiều đến môi trường sinh thái, an sinh xã hội, mà làm theo hình thức BOO thì không nên phát triển.

Bởi những tài nguyên ấy là tài nguyên chung của cả nước, của cả dân tộc chứ không phải giao cho một công ty để họ có thể tự do khai thác, sở hữu một tài nguyên mà nó liên quan đến nhiều người.

Chủ đầu tư đề xuất 5 năm đầu bán điện ở mức giá là 1.900 đồng/kWh; 5 năm tiếp theo nâng lên mức 2.380 đồng/kWh và các năm tiếp theo tối thiểu từ 2.970 – 3.560 đồng/kWh và theo quy định của ngành điện.

Mức giá trên cao hơn rất nhiều so với giá bán điện bình quân hiện tại của EVN. Giá bán điện bình quân năm 2015 mà EVN bán ra là 1.630 đồng/kWh

Đã có nhiều dự án khi được quyết định đầu tư, phải trả giá khá đắt trong đó có dự án thủy điện. Vậy theo ông cần phải có ứng xử thế nào với những dự án đề xuất như thế này, để không phải tiếp tục trả giá?

Nhiều dự án trước đây cũng có khiếm khuyết, như nhiều địa phương được giao làm thủy điện nhỏ, thủy điện vừa mà không có sự kiểm tra của trung ương, cuối cùng nhiều dự án mang lại hậu quả xấu.

Bài học rút ra là cơ quan nhà nước tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước của mình, không nên đùn đẩy những anh thiếu năng lực, không đủ điều kiện xem xét chi tiết.

Riêng với dự án này thì Bộ Công Thương và nhiều bộ liên quan như Nông nghiệp, đặc biệt là thủy lợi, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên môi trường cần vào cuộc đánh giá chi tiết và thuyết phục với dự án này.

Bộ Kế hoạch Đầu tư có nói rằng dự án này mới chỉ là ý tưởng ban đầu, nhưng dù vậy lại được sự đồng thuận của các bộ ngành, ông có cảm thấy lo ngại hay không?

Về mặt quản lý Nhà nước không thể nói chung chung và thiếu căn cứ như vậy được. Cần phải nói rõ là bộ nào, ngành nào đã đồng ý với dự án này, trên cơ sở phân tích lợi hại như thế nào, chứ không thể nói chung tôi đồng ý mà không có chứng minh quan hệ chi phí, hiệu quả, tác động môi trường và an sinh xã hội.

Phát biểu này là lập lờ và cần phải làm rõ ràng. Ví dụ phải nói rõ Bộ Tài nguyên môi trường, hay Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tán thành với những lý lẽ như thế nào?. Chuyện quản lý nhà nước phải rành mạch, rõ ràng chứ không thể lập lờ vì sau này để lại hậu quả xấu, thì hỏi ai quyết định, lúc đó tìm ra bộ nào tán thành cũng không rõ để mà quy trách nhiệm là không được.

Thế ông nghĩ sao về quan điểm của Bộ Công Thương đưa ra, là nếu dự án này được cho phép triển khai làm thủy lộ, mà có thể phát điện thì Bộ Công Thương cũng ủng hộ, dù dự án không nằm trong quy hoạch điện?

Chính phủ chấp thuận hay không thì phải dựa trên luận cứ, chứng cứ. Chính phủ đồng ý thì đương nhiên Bộ không thể nào phản đối theo phân cấp quản lý. Song để Chính phủ đồng ý thì phải có ý kiến tư vấn từ các Bộ hữu quan.

Với dự án thủy điện, thông thường nhà máy điện có công suất trung bình và lớn thì được xem xét quy hoạch phát triển điện lực, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong quy hoạch điện VII và quy hoạch hiện nay đang thực hiện đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì không có công trình thủy điện ở trên sông Hồng.

An Ngọc (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên