"Siêu dự bị" của chính sách tiền tệ có ra sân?
Đầu tháng 3/2015, ngân hàng HSBC từng đưa ra dự báo khá chắc chắn: Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất trên thị trường mở (OMO) ngay trong tuần, từ 5%/năm xuống 4,5%/năm.
- 26-10-2017Thống đốc NHNN: Rất nhiều người từ chối khi được điều sang tái cơ cấu ngân hàng yếu kém
- 25-10-2017"NHNN không nhất thiết phải thúc đẩy hệ thống ngân hàng hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 21%"
- 24-10-2017Lãi suất duy trì xu hướng giảm, NHNN tăng hút tiền khỏi hệ thống
Nhưng bẵng đi, đã hơn hai năm, dự báo đó nay vẫn chưa hiện thực. Lãi suất OMO trở thành "siêu dự bị" của chính sách tiền tệ cho đến nay.
Thời điểm HSBC đưa ra dự báo, hoạt động ngân hàng chuyển sang giai đoạn sau Tết Nguyên đán. Thường thấy, trong giai đoạn này hàng năm, dòng tiền quay trở lại ngân hàng sau mùa cao điểm chi trả.
Thậm chí như hai năm gần đây, đó cũng là thời điểm Ngân hàng Nhà nước bắt đầu trở lại phát hành tín phiếu để hút bớt tiền về.
Trong bối cảnh như vậy, vốn khả dụng và thanh khoản dồi dào, lãi suất có điều kiện hạ nhiệt hoặc chí ít bớt căng thẳng. Công cụ lãi suất OMO theo đó trở thành của để dành, cần cho lúc có yêu cầu can thiệp. Đắc dụng để đắc trị.
Dĩ nhiên còn cân đối và dự phòng với lạm phát và tỷ giá, nhưng có thể vì lẽ trên mà đến nay Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa điều chỉnh lãi suất OMO. Bên cạnh giá trị can thiệp tạm "đóng băng" vì suốt thời gian dài không có phát sinh giao dịch, giá trị tín hiệu của nó cũng trở nên xơ cứng khi giữ nguyên 5%/năm suốt những năm qua, mặc cho thị trường và hoạt động hệ thống ngân hàng luôn vận động.
Song, nhà điều hành chính sách tiền tệ hẳn có lý do. Có thể suy nghĩ rằng: khi thị trường và hoạt động ngân hàng, về thanh khoản và lãi suất, vẫn đang tự dưỡng tốt, công cụ đó chưa phải dùng đến.
Thực tế, hai năm gần đây báo cáo định kỳ của cơ quan này nhiều thời điểm cho biết nguồn vốn cho hệ thống có dư thừa ở mức phù hợp; cùng đó, lãi suất hai năm qua cũng giảm dần.
Mặt khác, năm 2015, năm mà HSBC đưa ra dự báo trên, so với hiện nay có khác biệt lớn. Yếu tố lạm phát khá tương đồng, cùng được kiểm soát ở mức thấp, nhưng ở khía cạnh tỷ giá là sự trái ngược: 2015 tỷ giá USD/VND căng thẳng và phải liên tục bán ra ngoại tệ để can thiệp; 2017 thì ngược lại, kể cả sự chuyển tiếp từ 2016, Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào lượng ngoại tệ lớn, đồng nghĩa với lượng lớn tiền đồng đưa ra.
Đó cũng là một trong những lý do có thể góp phần lý giải vì sao lãi suất OMO vẫn nằm yên mãi như vậy.
Song, thời điểm cuối năm 2017 dự báo sẽ có những chuyển động mới. Áp lực đối với lãi suất có thể tăng lên vào mùa cao điểm, trong khi Chính phủ vẫn yêu cầu phấn đấu giảm tiếp 0,5%/năm lãi suất cho vay.
Nếu những giả thiết trên dồn đẩy đến một thế trận căng thẳng, có thể kênh bơm vốn hỗ trợ qua OMO sẽ chảy trở lại, và khi đó "siêu dự bị" lãi suất OMO có thể được tung ra sân, giảm để phát tín hiệu bình ổn và cũng trực tiếp hỗ trợ chi phí cho các tổ chức tín dụng vay cầm cố, giảm thiểu áp lực đối với lãi suất.
Thực tế, hồi tháng 7 vừa qua, sau quyết định giảm các lãi suất điều hành (ngày 10/7), tại buổi làm việc với các tổ chức tín dụng một số tỉnh miền Trung, Thống đốc Lê Minh Hưng từng nêu định hướng: Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, kể cả trên thị trường mở (OMO), tái cấp vốn để hỗ trợ nguồn vốn cho các ngân hàng để tiếp tục cho vay với mức lãi suất thấp hơn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vay vốn.