MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Siêu hạn hán ở California: Người dân phải đi xin từng giọt nước

06-10-2022 - 09:18 AM | Tài chính quốc tế

Siêu hạn hán ở California: Người dân phải đi xin từng giọt nước

Khi tình trạng hạn hán ở California ngày càng trở nên nghiêm trọng, gia đình bà Elaine Moore ngày càng cạn kiệt một nguồn tài nguyên quý giá: Nước.

Siêu hạn hán ở California

Theo hãng tin AP, hai giếng nước của những nông dân trồng hạnh nhân ở thung lũng trung tâm đã bị cạn vào mùa hè này.

Gia đình bà Moore hiện đang lấy nước từ một giếng mới mà gia đình đã khoan sau khi giếng cũ bị cạn vào năm ngoái. Giếng nước này thậm chí còn cung cấp nước cho một nhà hàng xóm chung cảnh ngộ - giếng nước cũ bị cạn.

"Năm ngoái trời khô lắm. Vì ít mưa nên không có tuyết tích trữ", bà Moore nói khi đứng cạnh một giếng khô trong khuôn viên nhà ở Chowchilla, California. "Mọi người đều rất thận trọng với nguồn nước đang có".

Trong bối cảnh một trận siêu hạn hán hoành hành ở miền Tây nước Mỹ, nhiều vùng nông thôn đang mất khả năng tiếp cận với nguồn nước ngầm do tình trạng bơm nhiều làm cạn kiệt các tầng chứa nước ngầm không được bổ sung bởi mưa và tuyết.

Theo Sở Tài nguyên Nước California, hơn 1.200 giếng đã cạn trong năm nay trên toàn tiểu bang, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cuộc khủng hoảng nước ngầm diễn ra nghiêm trọng nhất ở thung lũng San Joaquin, trung tâm nông nghiệp của California, nơi xuất khẩu trái cây, rau và các loại hạt đi khắp thế giới.

Nguồn cung cấp nước ngầm bị thu hẹp phản ánh mức độ nghiêm trọng tình trạng hạn hán ở California, hiện đã bước sang năm thứ tư. Theo Cơ quan Giám sát Hạn hán Mỹ, hơn 94% tiểu bang đang trong tình trạng hạn hán nghiêm trọng, cực đoan hoặc bất thường.

California vừa trải qua ba năm khô hạn nhất trong lịch sử, và cơ quan quản lý nước của bang hôm 3/10 cho biết, họ đang chuẩn bị cho một năm khô hạn nữa vì hiện tượng thời tiết được gọi là La Nina dự kiến sẽ xảy ra trong năm thứ ba liên tiếp.

Hiện nay, do các hồ chứa của bang cạn kiệt nên nông dân đang bơm thêm nước ngầm để tưới tiêu cho cây trồng của mình. Điều đó khiến mực nước ngầm trên khắp California giảm xuống. Dữ liệu của tiểu bang cho thấy 64% giếng có mực nước dưới mức bình thường .

Tình trạng thiếu nước đã và đang làm giảm sản lượng nông nghiệp của khu vực vì nông dân buộc phải bỏ ruộng và để các vườn cây ăn trái khô héo. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, ước tính có khoảng 215.000 ha đất nông nghiệp không thể trồng trọt được trong năm nay vì thiếu nước tưới.

Biến đổi khí hậu kéo theo nhiệt độ nóng hơn và hạn hán nghiêm trọng hơn, các thành phố trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước do các hồ và sông khô cạn. Nhiều khu vực đang bơm thêm nước ngầm dẫn đến cạn kiệt các tầng chứa nước với tốc độ đáng báo động.

Andrew Ayres, một nhà nghiên cứu về nước tại Viện Chính sách Công của California, cho biết: "Đây là một thách thức quan trọng không chỉ đối với California mà còn đối với các cộng đồng khác trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu".

Tại quận Sonoma, phía bắc San Francisco, các nhà chức trách hôm 4/10 đã thông qua lệnh tạm hoãn 6 tháng đối với việc khoan các giếng nước ngầm mới.

Siêu hạn hán ở California: Người dân phải đi xin từng giọt nước - Ảnh 1.

Bà Elaine Moore đứng cạnh kênh tưới tiêu khô hạn. Ảnh: AP

Quận Madera, phía bắc Fresno, đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề vì nơi này phụ thuộc rất nhiều vào nước ngầm. Quận báo cáo khoảng 430 giếng khô cho đến nay trong năm nay.

Trong những năm gần đây, quận này chứng kiến diện tích vườn hạnh nhân và hạt dẻ cười, vốn được tưới bằng các giếng nông nghiệp có mạch nước ở sâu hơn giếng nước sinh hoạt, khô hạn ngày càng lớn.

Người Mỹ đang rất thiếu nước

Những cư dân có giếng cạn có thể nhận được sự trợ giúp từ một chương trình của tiểu bang: Cung cấp nước đóng chai cũng như các bể chứa nước đầy ắp do các xe vận chuyển chuyển tới. Chính phủ Mỹ cũng hỗ trợ tiền để thay thế các giếng cạn, nhưng phải chờ rất lâu để có được một giếng mới.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận được sự trợ giúp.

Thomas Chairez, một cư dân địa phương cho biết, căn nhà ông cho một gia đình 8 người thuê thường sử dụng nước từ giếng của hàng xóm. Nhưng khi tình trạng khô hạn xảy ra trong vòng hai năm qua, những người thuê nhà của ông cũng mất nước sinh hoạt.

Chairez đang cố gắng yêu cầu quận cung cấp bể chứa và dịch vụ giao nước. Hiện tại, những người thuê nhà của ông phải dùng ô tô tới nhà người quen để xin nước.

"Họ đang cố sống sót", ông nói.

Nhu cầu về máy khoan giếng cao do máy bơm nước ngừng hoạt động trên khắp thung lũng San Joaquin.

Ethan Bowles và các đồng nghiệp của ông gần đây đang khoan một giếng mới tại một trang trại ở khu Madera Ranchos, nơi nhiều giếng đã cạn kiệt trong năm nay.

"Đó là những cuộc điện thoại gần như không ngừng nghỉ do mực nước ngầm liên tục giảm. Hầu hết giếng nước của người dân đột nhiên ngừng chảy", Bowles nói.

Công ty của Bowles hiện phải khoan sâu 152m đến 183m để tìm được mạch nước ngầm ổn định cho khách hàng, sâu hơn hẳn so với những giếng cũ.

"Các giếng phải đào xuống sâu hơn", Bowles nói." Bạn phải đào tới một tầng chứa nước khác và đưa mũi khoan vào các khu vực khác nhau của mạch nước ngầm để chúng thực sự có thể cung cấp nước ngọt cho ngôi nhà của bạn".

Vào tháng 3, Thống đốc Gavin Newsom đã ký một lệnh hành pháp để làm chậm lại tình trạng khoan giếng tràn lan trong vài năm qua. Biện pháp tạm thời là cấm các cơ quan địa phương cấp giấy phép cho các giếng mới có thể gây hại cho các giếng hoặc công trình gần đó.

Viện Chính sách Công của California ước tính rằng khoảng 202.000 ha đất nông nghiệp, chiếm khoảng 10% tổng diện tích hiện tại, sẽ phải ngừng sản xuất trong vòng hai thập kỷ tới do hạn hán.

Isaya Kisekka, một chuyên gia về nước ngầm tại Đại học California Davis, cho biết: "Những cộng đồng này sẽ bị ảnh hưởng bởi nguồn cung cấp nước và như thế họ sẽ mất việc làm. Có rất nhiều cuộc di cư khi vùng đất bị hoang hóa".

Nông dân và cư dân trong thung lũng ở California đang hy vọng nhận được sự giúp đỡ. "Hy vọng trời sẽ mưa nhiều hơn", Chairez nói. "Chúng tôi có một nhu cầu lớn: Nước. Chúng tôi cần nước, nước, nước".

Theo An An

Tổ quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên