“Siêu lừa” Huyền Như liên tục khai không nhớ liên quan 1.500 tỷ đồng tiền gửi của Navibank
"Vì thời gian lâu quá có thể bị cáo quên. Xin HĐXX cho bị cáo được giữ nguyên lời khai và có thể nhắc lại để bị cáo trả lời", bị án Huyền Như trả lời tại tòa.
- 27-02-2018Ngày mai, “siêu lừa” Huyền Như tiếp tục hầu tòa liên quan vụ Navibank
- 26-02-2018Các bị hại của “siêu lừa” Huyền Như đồng loạt kháng cáo
- 21-02-2018'Siêu lừa' Huyền Như bất ngờ không kháng cáo
Sáng nay 1/3, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Nam Việt ( NaviBank ).
HĐXX vẫn tiến hành phần xét hỏi các bị cáo, trong đó có phần xét hỏi bị án Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank CN TP.HCM liên quan khoản tiền 1.500 tỷ đồng mà Navibank gửi vào Vietinbank.
Chủ tọa: Bị án trình bày vắn tắt lại quá trình huy động xung quanh số tiền 1.500 tỷ từ Navibank?
Bị án Huyền Như: Vì thời gian lâu quá có thể bị cáo quên. Xin HĐXX cho bị cáo được giữ nguyên lời khai và có thể nhắc lại để bị cáo trả lời.
Như vậy bị án khẳng định những lời khai trong quá trình điều tra bị án đã khai là đúng?
Dạ đúng.
Đối với khoản tiền 1.500 tỷ đồng Navibank đưa vào Vietinbank CN Nhà Bè, bị án còn nhớ đường đi ra khi điều chuyển số tiền này như nào không?
Theo bị án nhớ thì tiền vào, bị án dùng tiền để trả nợ cho các khoản vay trước đó của bị án.
Khi chuyển tiền đi như vậy thì thủ tục bị án làm như nào?
Bị án nhớ là dùng 2 phương thức, một là dùng lệnh chi do chính bị án lập, giả hồ sơ tài khoản các cá nhân, hai là dùng thẻ tiết kiệm để vay rồi rút tiền.
Đối với giai đoạn ký lại hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank CN TP.HCM, bị án còn nhớ tình tiết xung quanh việc này không?
Bị án xin lỗi, bị án không nhớ, sợ không chính xác. Xin HĐXX nhắc để bị án xác nhận.
Thủ tục ký lại hợp đồng để Navibank gửi tiền tại Vietinbank CN TP.HCM, quy trình huy động, ký, mở tài khoản, tiền đi ra như thế nào?
Thời điểm đó, bị án dùng tiền cá nhân để nộp vào các tài khoản cá nhân mở tại Vietinbank với số tiền tương đương để bị án ký lại các hợp đồng tiền gửi mới. Dùng tiền đó chuyển trả cho các cá nhân ngân hàng Navibank sau đó ký lại hợp đồng để Navibank gửi vào Vietinbank CN TP.HCM.
Nghĩa là nguồn tiền để nộp trả lại tài khoản khi làm thủ tục tất toán để điều chuyển tiếp theo, theo như bị án là lấy tiền từ cá nhân đem vào để chuyển trả phải không?
Dạ phải.
Vậy xung quanh toàn bộ số tiền 1.500 tỷ đồng đưa vào Vietinbank CN Nhà Bè, số tiền này bị án điều đi đâu?
Bị án trả nợ cho các cá nhân, đơn vị bị án đã vay trước đó.
Tức toàn bộ số tiền 1.500 tỷ đồng của Navibank gửi đã bị điều chuyển đi rồi?
Dạ đúng.
Khi làm thủ tục tất toán để tiếp tục ký hợp đồng tại Vietinbank CN TP.HCM lý do vì sao phải làm thủ tục tất toán ở CN Nhà Bè?
Bị án không nhớ rõ.
Nguồn tiền đưa vào tài khoản trả cho các nhân viên của Navibank, bị án xác nhận một lần nữa là bị án lấy từ nguồn tiền nào?
Có thể từ các khoản vay khác của bị án ở các cá nhân đơn vị khác.
Theo cáo trạng, từ ngày 19/11/2010-27/5/2011, dưới sự chủ trì của Lê Quang Trí (lúc này là Tổng giám đốc Navibank), các thành viên Hội đồng tín dụng của Navibank đã chấp thuận chủ trương để các nhân viên của ngân hàng này đứng tên 47 hợp đồng, vay hơn 1.500 tỷ đồng của Navibank.
Sau đó, các hợp đồng trên được gửi vào Vietinbank CN Nhà Bè và CN TP.HCM, để hưởng lãi suất cao theo thỏa thuận của Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn (nguyên Phó GĐ Vietinbank CN Nhà Bè) là từ 16,5%/năm đến 22,5%/năm.
Tháng 5/2011, 10 bị can trên đã làm hợp đồng tín dụng cho nhân viên vay tiền, thực hiện giải ngân, làm hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank CN Nhà Bè.
Hai tháng sau, Vietinbank CN Nhà Bè quyết toán cho Navibank hơn 1.000 tỷ đồng, còn 500 tỷ đồng chưa đến hạn quyết toán. Số tiền này được gửi tiếp vào Vietinbank CN TP.HCM bằng 18 hợp đồng.
Đến ngày 7/9/2011, Vietinbank CN TP.HCM đã tất toán 12 hợp đồng với tổng số tiền 300 tỷ đồng, còn 200 tỷ đồng còn lại đã bị Huyền Như chiếm đoạt.
BizLive