MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Siêu mẫu có học vấn đỉnh nhất nhì showbiz Việt kể chuyện du học ở trời Tây, chỉ 1 chi tiết về thức ăn mà ai nấy thốt lên: Nhân văn quá

10-11-2021 - 10:44 AM | Sống

Những luật lệ nghiêm ngặt, những quy tắc "cứng nhắc"... nhưng bên cạnh đó, ngôi trường này có những thứ quá đỉnh.

Siêu mẫu Hà Anh quê gốc tại Hà Nội, có bố là họa sĩ thiết kế phim truyện Vũ Huy, mẹ là nhà báo - dịch giả Lệ Hà. Còn ông nội Hà Anh là cố nhà văn Vũ Tú Nam, bà nội là nhà báo Thanh Hương - nguyên Tổng biên tập báo Phụ nữ Việt Nam.

Ngay từ nhỏ, Hà Anh đã được bố mẹ giáo dục toàn diện theo kiểu phương Tây. Cô đi học piano và ngoại ngữ từ nhỏ. Càng lớn, Hà Anh học càng giỏi và thi đỗ trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Cô từng viết đơn cho 200 trường để xin học bổng và được trường Broomsgrove của Anh nhận với 80% chi phí kì học. Đây cũng là bước đệm để Hà Anh vào Đại học Reading, khoa Quản lý Doanh nghiệp.

Siêu mẫu có học vấn đỉnh nhất nhì showbiz Việt kể chuyện du học ở trời Tây, chỉ 1 chi tiết về thức ăn mà ai nấy thốt lên: Nhân văn quá - Ảnh 1.

Siêu mẫu Hà Anh quê gốc tại Hà Nội, gia đình thuộc hàng danh giá.

Mới đây, siêu mẫu 8x đã có những chia sẻ về quãng thời gian du học tại Broomsgrove, Anh. Trong mắt Hà Anh, ngôi trường đầy luật lệ, quy tắc với một học sinh "hay chuồn ăn sáng, ghét luật lệ và chẳng muốn vào các trường nổi tiếng" như cô. Nhưng cô cũng cho rằng, "họ" đã thật "cừ", khi tìm ra nhân tài trong mỗi con người…

Tôi không hiểu vì sao mình lại may mắn đến mức liên tục đạt được các học bổng

Bây giờ đôi khi tôi vẫn không hiểu vì sao mình lại may mắn đến mức liên tục đạt được các học bổng đi du học khi còn ít tuổi. Đặc biệt là học bổng đi học dự bị đại học ở Anh của trường Bromsgrove, nơi đã từng có tiền lệ về trường Hanoi Amsterdam của tôi để tuyển học sinh giỏi. Họ thường cho 2 học bổng mỗi năm để cho các học sinh xuất sắc nhất của trường có cơ hội sang học bởi ông hiệu trưởng trường Bromsgrove lúc bấy giờ là ông Timothy Taylor, người có tình cảm đặc biệt đối với Việt Nam.

Và một lý do nữa, là trường tuyển được những học sinh xuất sắc nhất để chúng tôi sau dự bị có thể vào các trường đại học danh tiếng nhất như Oxford, Cambridge, LSE.. để giúp trường tăng thứ tự xếp hạng. Tương tự, trường cho các học bổng thể thao cho các học sinh Đức bởi họ chơi Hockey và các môn thể thao khác rất cừ.

Bromsgrove là trường tư thục, dành cho tầng lớp khá giả trên trung lưu của Anh bởi học phí trung bình cho một năm học rơi vào khoảng 32 ngàn bảng (trên 60 ngàn đô) một năm, chưa kể các chi phí thêm về đồng phục, sách vở, các chuyến đi dã ngoại.

Siêu mẫu có học vấn đỉnh nhất nhì showbiz Việt kể chuyện du học ở trời Tây, chỉ 1 chi tiết về thức ăn mà ai nấy thốt lên: Nhân văn quá - Ảnh 2.

Cô từng viết đơn cho 200 trường để xin học bổng và được trường Broomsgrove của Anh nhận với 80% chi phí kì học.

Là học sinh của trường, chúng tôi ăn ở ở trường. Trường có nhà riêng dành cho nam, và có nhà riêng dành cho nữ. Tổng cộng có nhà Mary Windsor (Nhà tôi ở - có sức chứa khoảng 60 học sinh nữ), Nhà nữ Oakley, nhà nam Elmhurst, Gordon… và 2 nhà dành cho học sinh ngày.

Dĩ nhiên, khuôn viên trường nằm trên cả một quả đồi biệt lập, với những thảm cỏ xanh mươn mướt mà chúng tôi không được phép đi bộ lên trên. Mùa hè thì đầy nhóc những đoá hoa daffodils vàng rực. Hai ven đường thường là những cây hạt dẻ ngựa to và xanh rì. Trường có sân chơi bóng đá, sân chơi hockey, rugby ngoài trời, sân tenis, cầu lông, bể bơi, phòng tập aerobic trong nhà, sân tập cưỡi ngựa cách xa trường 20 phút lái xe.

Trường có nhiều nội quy cực kỳ nghiêm ngặt: Có 3 lần phải điểm danh, trai gái không được vào chơi phòng nhau. Nếu bắt được sẽ bị đuổi học ngay. Không được phép ra khỏi khuôn viên của trường ngoài những ngày, giờ quy định. Các kỳ nghỉ phải có thư cho phép của cha mẹ hoặc người bảo hộ mới được rời khỏi trường.

Và vâng, ti tỉ loại luật lệ khác mà tôi ghét cay ghét đắng. Đơn cử là việc bắt buộc phải đi ăn sáng. Thời tiết ở Anh vốn lạnh, hay mưa lất phất và u ám. Nên việc phải dậy từ 7 giờ sáng và nhìn trời vẫn tối như 10 giờ đêm, mà phải đi ăn thì không hay ho gì cho lắm. Bởi vậy tôi rất hay chuồn ăn và rất hay bị phạt vì điều này.

Rồi chúng tôi còn bắt buộc phải đi nhà thờ một tuần 3 lần, đi Routh Hall (nghe thầy hiệu trưởng nói chuyện) một tuần 1 lần. Dĩ nhiên ở nơi đây tôi có điều kiện học đủ những thứ để có thể trở thành một "quý cô" theo đúng cách. Chúng tôi được dạy cách ăn mặc, đi đứng, ăn uống, cách cư xử, kỷ luật. Chúng tôi còn được phép tham gia các môn ngoại khoá nhiều vô kể như chụp ảnh, nặn tượng, vẽ, nhảy hay thậm chí như tôi… cùng nhóm lập ra công ty để tập "kinh doanh".

Chúng tôi dù bị khép vào kỷ luật rất cao (mà tôi ghét - nhưng thực ra tốt cho tôi) nhưng ngược lại phòng ở của chúng tôi chẳng thua gì một khách sạn cao cấp, với người dọn phòng, giặt đồ, gập đồ cho chúng tôi hàng ngày. Ngoài giờ học, chúng tôi vào mùa hè còn rủ nhau ra bãi cỏ ngồi chơi, picnic…

Than phiền về món ăn ở trường và cái kết bất ngờ

Tôi không thích các món ăn ở trường, mặc dù họ được biết đến là một trong những ngôi trường có nhiều sự lựa chọn về đồ ăn nhất. Tuy nhiên, sau khi tôi nhăn nhó than vãn về chuyện thức ăn, ông hiệu trưởng khi về Việt Nam đã quyết tìm ra giải pháp. Liền sau đó tôi nhận được email của bếp trưởng hỏi tôi là nhà trường có thể làm một số món Việt Nam như phở xào... ý kiến của tôi ra sao?

Tôi thực sự ngạc nhiên bởi chúng tôi lúc đó chỉ có 3 học sinh Việt Nam (đi theo dạng học bổng hoàn toàn) gồm tôi, cậu em họ của tôi và Mai, cô bạn giờ trở thành cô bạn gái thân nhất đời của tôi.

Em họ tôi, tên ở nhà là Đốm, học cực kỳ xuất sắc nên Đốm đã hoàn thành chương trình 2 năm trong vòng 1 năm. Vậy nên đến năm thứ 2 nhà trường cho xe riêng đưa Đốm lên trường Đại học ở trên Birmingham để học riêng cùng giáo sư. Điều này cho thấy sự văn minh và nhân đạo của các nước phát triển. Họ chú tâm nâng bước cho từng cá thể tài năng để chắp cánh cho tài năng ấy mà không cần dụng ý hay mục đích cụ thể gì.

Siêu mẫu có học vấn đỉnh nhất nhì showbiz Việt kể chuyện du học ở trời Tây, chỉ 1 chi tiết về thức ăn mà ai nấy thốt lên: Nhân văn quá - Ảnh 3.

Ngay từ nhỏ, Hà Anh đã được bố mẹ giáo dục toàn diện theo kiểu phương Tây.

Đốm, tên thật là Hoàng Vũ, sau này được học bổng toàn phần đi học Toán ở Cambridge, sau đó được tiếp học bổng lấy 2 bằng thạc sỹ và 1 bằng tiến sỹ cũng ở Trinity College, Cambridge. Cô bạn thân tôi thì được học bổng toàn phần tại LSE (London School of Economic) trường dạy môn kinh tế hàng đầu ở Châu Âu. Còn tôi, dù thông minh và luôn đạt các điểm A tại lớp cho các môn học Kinh Tế, Kinh Doanh… nhưng tôi lại không cảm thấy mình ham hố vào những trường có tiếng.

Tôi tham gia học môn Kịch và Sân Khấu để cho bản thân được mở rộng sự quan tâm, thích thú. Tôi được cùng lớp tham gia diễn kịch, đi xem các vở kịch, nhạc kịch nổi tiếng, học về lịch sử kịch và sân khấu của Anh Quốc. Và vì vậy, tôi vẫn không hiểu vì sao tôi lại được cho học bổng bên cạnh 2 người xuất chúng học hành như em họ tôi và bạn thân tôi.

Điều mà tôi nhớ, là khi tới nhà của đại diện trưởng của trường, là ông David Wilson, hiệu trường của một trường học cũng danh tiếng tại Anh, với mục đích là phiên dịch hộ cậu bạn để xin thêm học bổng để cậu ấy có thể đi thi.

Ông đã nhìn tôi chăm chú và hỏi "Tiếng Anh cháu rất tốt, cháu có muốn đi học ở Anh không?". Lúc bấy giờ tôi đã lỡ đợt thi chính ở trường, vả lại tôi cũng đang có trong tay một học bổng của trường Bellerby College. Tuy nhiên ông nói "Cháu ngày mai đến đây thi nhé, tôi sẽ xem, liệu chúng tôi có thể cho cháu một học bổng tốt hơn không?".

Và thế là tôi đến thi môn Toán và Anh Văn.

Siêu mẫu có học vấn đỉnh nhất nhì showbiz Việt kể chuyện du học ở trời Tây, chỉ 1 chi tiết về thức ăn mà ai nấy thốt lên: Nhân văn quá - Ảnh 4.

Năm 2016, Hà Anh kết hôn với ông xã ngoại quốc Oliver Dowden. Sau nhiều năm chung sống hạnh phúc, cặp đôi có trái ngọt là cô con gái đáng yêu Myla Vu Dowden.

Thú thực, tôi nghĩ, nếu như tôi đi thi như các bạn khác ở trường, chưa chắc tôi đã xuất sắc, bởi trường tôi nổi tiếng với nhiều học sinh rất giỏi. Nhưng trước khi về, tôi nhìn thấy chiếc đàn piano ở nhà ông, tôi hỏi ông tôi có thể chơi đàn cho ông nghe được không. Và thế là tôi ngồi vào đánh đàn, trước sự ngạc nhiên của ông.

Ông hỏi chuyện về gia đình tôi, đặc biệt thích thú khi biết ông bà tôi là nhà văn, ba tôi là hoạ sỹ thiết kế và mẹ tôi là nhà báo. Ông bảo tôi có biết bơi không? Tôi tròn mắt trả lời "Có chứ ạ!" vì ngày xưa tôi từng trong đội tuyển bơi mà… Và thế đấy, tôi đã được học bổng đi học cùng 2 học sinh xuất sắc nhất trường lúc đó là Đốm, em họ tôi, và Mai, cô bạn thân của tôi. Lúc đó tôi chưa thể hiểu được vì lý do gì tôi lại có được may mắn này.

Và ngay cả khi đọc những dòng tôi đại diện cho Bromsgrovian (Học sinh cũ Bromsrgove) đại diện cho nhà Mary WIndsor phát biểu về kỷ niệm đối với trường, và những thành tựu mình đạt được, tôi vẫn tủm tỉm cười. Tôi nhất định không phải là con mọt sách, tôi hay chuồn ăn sáng, ghét luật lệ và chẳng muốn vào các trường nổi tiếng.

Nhưng giờ tôi đã hiểu, vì sao họ chọn tôi.

Phải nói, họ thật "cừ", khi tìm ra nhân tài trong mỗi con người…

Theo Hiểu Đan

Nhịp sống Việt

Trở lên trên