Siêu phi cơ Airbus A380 được dọn đường trở lại bầu trời sau 2 năm xếp xó, "tượng đài" thoát chuỗi ngày bi thảm?
Lufthansa, hãng hàng không danh tiếng của Đức, đang chuẩn bị để đưa loại máy bay chở khách lớn nhất hành tinh Airbus A380 hoạt động trở lại sau 2 năm phủ bụi trong các nhà chứa.
- 01-04-2022Đúng lúc giá xăng tăng vọt, Airbus cho siêu phi cơ A380 bay bằng dầu ăn thải loại
- 06-10-2021Hai gã khổng lồ Airbus A380 bị kéo đi "xẻ thịt" khi mới hơn 10 tuổi: Chuỗi ngày bi thảm của "tượng đài" bắt đầu?
- 05-10-2021Hình ảnh độc nhất vô nhị: Siêu máy bay A380 xếp hàng đi trên đường phố Singapore và cái kết buồn cho những gã khổng lồ của bầu trời
- 29-09-2020Nằm bẹp vì Covid-19, Singapore Airlines biến những chiếc siêu máy bay A380 thành nhà hàng
- 25-06-2020Tăng vốn 1,3 tỷ USD nhưng vẫn phải cắt giảm ít nhất 6.000 việc làm, Qantas xác định cho 12 chiếc A380 nằm chơi 3 năm
Thêm những chiếc A380 trở lại bầu trời
Ở thời điểm hiện tại, A380 vẫn là loại máy bay được những tín đồ của ngành công nghiệp hàng không yêu thích nhờ nội thất rộng rãi, kích thước lớn và trải nghiệm bay êm ái. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch bùng phát, phần lớn những chiếc A380 đều không có cơ hội cất cánh. Chúng bị các hãng hàng không "cất vào kho" vì quá lớn để lấp đầy và quá tốn chi phi vận hành.
Đại dịch Covid-19, cùng với các yêu cầu hạn chế đi lại, thực sự là cú đánh mạnh với ngành hàng không và có thể nói là đòn hạ gục những chiếc A380. Tuy nhiên, khi bóng ma Covid-19 bị đánh bay, hãng hàng không Đức Lufthansa đã công bố tái triển khai kế hoạch đưa những chiếc A380 trở lại bầu trời vào mùa hè năm 2023. Điều này trở nên đặc biệt hơn khi trước đó, chính Lufthansa đã rao bán tất cả những chiếc A380 của mình và lên kế hoạch loại chúng khỏi biên chế.
Trong tuyên bố hôm 27/6, Lufthansa cho biết họ đưa những chiếc A380 trở lại khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng mạnh nhưng việc giao những chiếc máy bay mới bị trì hoãn. Ngoài ra, hãng hàng không Đức cũng không quên nhấn mạnh rằng A380 vẫn là dòng máy bay được khách hàng và cả phi hành đoàn vô cùng ưa chuộng.
Kể từ tháng 5/2020, Lufthansa đã đưa những chiếc A380 của mình vào chế độ "cất giữ sâu". Theo đó, những chiếc máy bay được xử lý nhằm đảm bảo cho chúng không bị hư hại gì sau thời gian dài không sử dụng. Các kho chứa của Lufthansa nằm ở Pháp và Tây Ban Nha.
Hiện tại, Lufthansa đã bán 6 chiếc A380 trong đội bay của mình. Biên chế còn lại 8 chiếc loại này. Hãng đang đánh giá xem có thể đưa bao nhiêu chiếc A380 trở lại và lựa chọn tuyến đường bay dành cho chúng.
Do kích thước khổng lồ, A380 thường được dùng cho những chặng bay dài và có nhiều hành khách. Chi phí vận hành A380 rất cao nên các hãng buộc phải tìm ra chặng bay hiệu quả để đảm bảo lợi nhuận.
Trong những năm gần đây, A380 thực sự gặp khó khăn. Hiện tại, chỉ vài hãng hàng không đang vận hành dòng phi cơ này, bao gồm Singapore Airlines, Emirates, Qantas, Qatar Airways, Korean Air, All Nippon Airways và British Airways.
Những ngày đen tối nhất đã qua?
Khi đại dịch qua đi, có nhiều nỗ lực nhằm đưa những gã khổng lồ này trở lại bầu trời. Khi chiếc A380 cuối cùng được giao vào tháng 12/2021, Chủ tịch Tim Clark của Emirates nhấn mạnh đây vẫn là dòng máy bay chủ lực trong đội bay của hãng những năm tới.
Singapore Airlines cũng thừa nhận sự hấp dẫn của A380 và công bố kế hoạch đưa những chiếc máy bay này trở lại vào năm ngoái. Siva Govindasamy, một quan chức của Singapore Airlines, thậm chí còn thừa nhận rằng một số người mua vé chỉ vì họ thích bay trên những chiếc A380.
Trong một nỗ lực để khiến dòng A380 trở nên thân thiện hơn, đầu năm nay, người ta đã thử sử dụng Nhiên liệu Hàng không Bền vững (SAF) – được tạo thành chủ yếu từ mỡ và dầu ăn đã qua sử dụng - cho mẫu phí cơ này. SAF được cung cấp cho một động cơ Rolls-Royce Trent 900 trong tổng số 4 động cơ của nó.
Tuy nhiên, chắc hẳn những người yêu thích hàng không vẫn nhớ hình ảnh 2 chiếc Airbus A380 của hãng hàng không Singapore Airlines bị kéo đi tháo dỡ khi chỉ hơn 10 năm tuổi. Chúng góp mặt trong biên chế hãng hàng không quốc gia Singapore năm 2009 và đã ngừng hoạt động từ năm 2020, khi đại dịch bùng lên.
Thông thường, mỗi chiếc máy bay chở khách sẽ được sử dụng trong khoảng 25 năm. Hai chiếc máy bay A380 bị hóa kiếp rõ ràng vẫn đang hoạt động tốt. Tuy nhiên, chi phí vận hành và bảo dưỡng chúng quá cao, khiến niềm tự hào trở thành gánh nặng kinh tế cho hãng.
Phạm vi hoạt động 15.700 km cùng sức chứa lên tới 525 hành khách ở cả 3 hạng ghế, việc lấp đầy những chiếc A380 trong điều kiện bình thường đã khó chứ chưa nói tới thời kỳ đại dịch hoành hành. Trong khi đó, sự cạnh tranh từ các dòng máy bay nhỏ hơn như Boeing 777, Boeing 787 hay chính Airbus A350 khiến những gã khổng lồ càng bị thất sủng.
Tuy nhiên, đại dịch đã qua và nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đang trở lại nhanh chóng. Được ra đời để mang lại trải nghiệm tuyệt vời nhất cho khách trên các chặng bay dài, A380 chắc chắn vẫn là lựa chọn không thể thay thế của những người giàu có bậc nhất thế giới. Sự hồi sinh của nó tại Lufthansa đã chứng minh điều đó.
Cùng với sự phổ biến của vắc xin phòng Covid-19, có thể khẳng định rằng những ngày đen tối nhất của dòng A380 đã bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, kỷ nguyên của những chiếc máy bay khổng lồ như Boeing 747 hay Airbus A380 đã qua và thay thế chúng là những mẫu máy bay nhỏ hơn nhưng linh hoạt và tiết kiện nhiên liệu hơn.
Dẫu vậy, với hơn 240 chiếc Airbus A380 đang nằm trong biên chế các hãng hàng không lớn nhất thế giới, mẫu máy bay này vẫn hứa hẹn sẽ tung cánh trên bầu trời trong ít nhất 1-2 thập niên nữa. Và khách hàng của nó vẫn đa phần là những người giàu có trên những đường bay tấp nập nhất, nối liền các trung tâm tài chính, các đầu não kinh tế….
Nguồn: Tổng hợp