MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Siêu thị đầy ắp hàng hóa, người dân nhộn nhịp mua sắm cuối tuần

07-03-2020 - 16:26 PM | Thị trường

Các doanh nghiệp tại TP HCM khẳng định sẵn sàng cung ứng vượt 30%-50% kế hoạch TP giao. Nhiều mặt hàng còn giảm giá, khuyến mại…

Lúc 12 giờ ngày 7-3, ghi nhận của Báo Người Lao Động, tại siêu thị Mega Market (quận 2, TP HCM), chị Ngọc (ngụ quận 2) đang chờ tính tiền cho biết nay cuối tuần và siêu thị cũng có khuyến mại nên chị đi mua đồ hơi nhiều so với ngày thường. Hầu hết khách hàng khác cũng khẳng định chỉ mua hàng đủ dùng, không có ý định tích trữ nhưng vẫn phải chờ vì lượng khách quá đông.

Siêu thị đầy ắp hàng hóa, người dân nhộn nhịp mua sắm cuối tuần  - Ảnh 1.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Mega Market sáng 7-3. Ảnh: Linh Anh

Trao đổi với Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho hay Sở Công Thương đang phối hợp chặt với các doanh nghiệp bình ổn thị trường mặt hàng thực phẩm thiết yếu trong công tác theo dõi diễn biến thị trường, tăng kế hoạch sản xuất, cung ứng đủ hàng thiết yếu bảo đảm cân đối cho nhu cầu mua sắm, tiêu thụ của người dân TP.

Theo bà Trang, Hội Lương thực Thực phẩm TP và các doanh nghiệp bình ổn thị trường đều đã có kế hoạch sẵn sàng cung ứng vượt 30% - 50% kế hoạch TP giao. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ nguồn nguyên liệu để duy trì cung ứng, vượt kế hoạch đến hết năm 2020, trong đó một số doanh nghiệp cam kết cung ứng vượt kế hoạch đến hết năm 2021.

Trong đó, các doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị lượng hàng như lương thực, trứng gia cầm, đường, thực phẩm chế biến, dầu ăn, rau củ quả, thịt gia súc, thịt gia cầm… đủ cung ứng cho thị trường trong ngắn và dài hạn.

Cũng từ tháng 2 đến nay, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, trứng, mì gói, bún khô, nước chấm… từ 10-15% tùy theo mặt hàng.

Trao đổi với Báo Người Lao Động, các siêu thị khác khuyến cáo khách hàng không cần phải lo lắng, mua đồ dự trữ với khối lượng lớn, chỉ nên mua lượng đủ dùng để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu cho gia đình.

"Nguồn cung hàng hoá rất dồi dào, VinMart, VinMart+ cùng các nhà cung cấp sẽ bổ sung liên tục trong ngày; đặc biệt tăng cường các hàng hoá thiết yếu thịt sạch MEATDeli và rau củ quả VinEco, mỳ gói, gạo, gia vị, nước rửa tay, khẩu trang ... trên toàn bộ các siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+" – đại diện hệ thống siêu thị này cho hay.

Các hệ thống siêu thị MM Mega Market, Co.opmart, Co.opXtra, BigC, Lotte Mart… cũng cho biết từ khi Việt Nam công bố dịch Covid-19, siêu thị đã tăng lượng dự trự hàng thiết yếu, hàng tiêu dùng khoảng 30% - 40%.

Cụ thể, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra thuộc Saigon Co.op đã chuẩn bị hàng từ 1 tháng trước, tập trung vô 11 nhóm hàng thiết yếu, đặc biệt là gạo, mì gói, nước tẩy rửa, giấy vệ sinh với lượng chuẩn bị tương đương tháng Tết. Từ cuối tuần trước, tổng kho Saigon Co.op vừa tăng cường hàng đến các siêu thị các tỉnh thành. Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Thường trực Saigon Co.op, cho biết lượng hàng hoá Saigon Co.op chuẩn bị trước mắt đủ để cung ứng cho thị trường trong 1 tháng nên người tiêu dùng không cần lo sợ hút hàng, thiếu hàng hay mua dồn để tích trữ. Giá cả các mặt hàng cũng sẽ được giữ ổn định.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail (chủ hệ thống Big C), cũng khẳng định từ khi có dịch bệnh các hệ thống bán lẻ thực phẩm thuộc Central Retail đã chủ động trữ lượng tồn kho tăng lên 3-4 lần. Ngay trong ngày 7-3, Big C đã làm việc với các nhà cung cấp tăng cường tần suất giao hàng... Đồng thời, huy động và tăng cường nhân viên làm việc tối đa, thậm chí làm thêm giờ cả ban đêm nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. "Chúng tôi cam kết tiếp tục bình ổn giá, không tăng giá bán hàng hóa thực phẩm thiết yếu. Với sự chủ động và nỗ lực từ phía Central Retail và các nhà cung cấp, chúng tôi dự kiến có đủ hàng cung cấp trong vài tuần tới, phục vụ nhu cầu khách hàng" – bà Phương nhấn mạnh.

Bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại MM Mega Market Việt Nam, cũng xác nhận để vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, siêu thị đã và đang tích cực triển khai nhiều hoạt động đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của khách hàng. Cụ thể, ngay từ đầu năm, công ty đã phối hợp với nhà cung cấp, nông dân để tăng lượng hàng thiết yếu bán ra từ 20% – 40% so với kế hoạch nhằm bảo đảm hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Hiện tại, MM vẫn tiếp tục làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp để đặt hàng và tăng số lượng xe giao hàng đến các trung tâm, đặc biệt là các trung tâm ở khu vực miền Bắc, tránh tình trạng thiếu hàng và sốt giá. "Hiện các mặt hàng như: gạo, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống... đã được MM tập trung chủ động nguồn hàng hóa, tăng lượng mua vào với tổng giá trị hàng hóa hơn 1.200 tỉ đồng. Đặc biệt, các mặt hàng hỗ trợ phòng ngừa bệnh truyền nhiễm như khẩu trang y tế, nước rửa tay, nước sát trùng... MM đã tăng lượng hàng lên từ 190% đến 1.500% để đưa vào hệ thống phục vụ khách hàng. Trong giai đoạn sắp tới, chúng tôi tiếp tục làm việc với nhà cung cấp trên toàn quốc, nông dân tại nhiều địa phương như Đà Lạt, Đồng Nai, các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long,...bảo đảm đủ lượng hàng thiết yếu trên toàn hệ thống và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm" – bà Nga khẳng định.

Không cần thiết mua đồ tích trữ!

Các hệ thống siêu thị kêu gọi khách hàng không cần phải lo lắng, ồ ạt đi mua đồ dự trữ, hay di chuyển khỏi nơi cư trú bởi những điều này hoàn toàn không cần thiết và chỉ khiến công tác kiểm soát dịch bệnh thêm khó khăn. Trong quá trình mua sắm ở siêu thị, các điểm kinh doanh này kêu gọi khách hàng sử dụng khẩu trang và rửa tay sát khuẩn thường xuyên; nước rửa tay sát khuẩn miễn phí cũng được trang bị tại siêu thị để khách hàng sử dụng miễn phí.

Theo Thanh Nhân - Thái Phương

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên