MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Singapore dẫn đầu ‘rót’ vốn FDI vào Việt Nam

8 tháng năm nay, Singapore tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 3,83 tỷ USD, chiếm hơn 21,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/8, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 3,83 tỷ USD, chiếm hơn 21,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Singapore dẫn đầu ‘rót’ vốn FDI vào Việt Nam - Ảnh 1.

Các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) chính là biểu tượng của sự hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Singapore là một trong những nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam với gần 3.031 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 70,3 tỷ USD. Các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) chính là biểu tượng của sự hợp tác kinh tế giữa hai nước (sử dụng trên 7.000 héc- ta đất, thu hút khoảng 18 tỷ USD vốn đầu tư và tạo hơn 312.000 lao động).

Singapore là thị trường có nguồn FDI đầu tư vào Việt Nam lớn nhất kể từ năm 2020. Gần nhất, năm 2022, trong 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,46 tỷ USD (chiếm 23,3%).

Thời gian qua, các nhà đầu tư Singapore có nhiều dự án lớn, vốn hàng tỷ USD vào Việt Nam. Dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng LNG Bạc Liêu được UBND tỉnh Bạc Liêu trao quyết định chủ trương đầu tư từ tháng 1/2020, được xem là dự án năng lượng có nguồn vốn FDI "khủng" nhất miền Tây. Dự án có công suất 3.200MW, do Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE Singapore) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD.

Dự án Nhà máy điện khí LNG Long An I và Long An II đặt tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An có tổng mức đầu tư khoảng 3,13 tỷ USD do Công ty Vinacapital GS Energy PTE. LTD (Singapore) và GS Energy (Hàn Quốc) làm nhà đầu tư.

Tháng 7 vừa qua, đoàn 25 doanh nghiệp Singapore đã tới Việt để tìm hiểu về cơ hội đầu tư kinh doanh, trong khuôn khổ diễn đàn doanh nghiệp khu vực Singapore.

Singapore dẫn đầu ‘rót’ vốn FDI vào Việt Nam - Ảnh 2.

Lần đầu tiên diễn đàn doanh nghiệp khu vực Singapore tổ chức ngoài lãnh thổ Singapore, chọn điểm là Hà Nội.

Đây cũng là lần đầu tiên Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) xây dựng phương án tổ chức diễn đàn ngoài lãnh thổ Singapore. Tại diễn đàn, 12 biên bản ghi nhớ (MOU) được ký kết, nhằm đẩy mạnh cơ hội hợp tác giữa Singapore và Việt Nam. MOU ký kết trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, phát triển nhân sự, số hoá phát triển bền vững…

Ông Kok Ping Soon - Giám đốc điều hành SBF - chia sẻ, Việt Nam chắn chắn sẽ tiếp tục là thị trường hấp dẫn đối với các danh mục đầu tư của Singapore. Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, các công ty của chúng tôi bị thu hút bởi tiềm năng kinh tế, thị trường nội địa rộng lớn, tầng lớp trung lưu đang nổi lên, và dân số có trình độ học vấn, tay nghề cao và có kỹ năng công nghệ ngày càng cao.

Hôm qua (27/8), Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 17 về kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng Bộ trưởng Thứ hai Bộ Công nghiệp và Thương mại kiêm Bộ trưởng Nhân lực Singapore, ông Tan See Leng.

Hiệp định khung Kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Singapore được ký kết giữa hai Chính phủ vào năm 2005 là Chương trình hợp tác toàn diện tập trung vào 6 nội dung cụ thể, bao gồm: Tài chính; Giáo dục và Đào tạo; Giao thông vận tải; Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ.

Với mục tiêu phát triển những lĩnh vực hợp tác tiềm năng mới giữa hai nước, Chính phủ hai nước Việt Nam và Singapore đã thống nhất mở rộng thêm 2 nội dung mới như hợp tác năng lượng, phát triển bền vững vào Hiệp định khung.

Nhận lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27 – 29/8.


Theo Việt Linh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên