MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Singapore hưởng lợi như thế nào từ bất ổn chính trị ở Hồng Kông?

15-10-2019 - 10:01 AM | Tài chính quốc tế

Singapore chứng kiến lượng khách du lịch Trung Quốc tăng 4% trong tháng 8, trong khi Hồng Kông mất đi 39% lượng khách so với năm ngoái. Ngoài ra, nhiều người cũng đang thay đổi dòng tiền cũng như điểm đến trong các dịp lễ, từ Hồng Kông sang Singapore.

Nếu có một nơi được hưởng lợi từ những rắc rối ở Hồng Kông, thì đó chính là một quốc gia với chính phủ tự quản, nhiều người gốc Hoa, trung tâm tài chính, thương mại và vận chuyển của Đông Nam Á: Singapore.

Hai nơi dường như luôn có nhiều điểm chung. Cả Hồng Kông và Singapore đều thân thiện với thương mại. Nhờ ít quy định và bộ máy chính phủ hoạt động hiệu quả, Singapore đứng thứ hai và Hồng Kông đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ tạo điều kiện dễ dàng cho hoạt động kinh doanh. Cả 2 thành phố này từng tự hào về việc tuân thủ luật pháp của người dân và tỷ lệ bạo lực trên đường phố cũng thấp.

Xét trên tất cả các tiêu chí trên, những gì diễn ra trong suốt 4 tháng vừa qua đã gây tổn hại đến danh tiếng của Hồng Kông. Nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa đột ngột vì các cuộc biểu tình, hoặc trong những ngày gần đây, hệ thống ga tàu điện ngầm cũng phải dừng hoạt động, khiến công chức và người tiêu dùng không thể di chuyển. Khi các cuộc biểu tình "biến tướng" thành những "trận chiến" trên khắp các con phố, thì bom xăng, hơi cay và bạo lực đã khiến một số khu vực của trung tâm Hồng Kông trở nên cực kỳ nguy hiểm. 

Một số số liệu gần đây được công bố đã cho thấy những tác động ngắn hạn của tình trạng bất ổn. Trong tháng 8, số lượng khách du lịch đến Hồng Kông giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khách du lịch từ Trung Quốc đại lục cũng giảm 42%. Ngược lại, Singapore thì chứng kiến lượng khách du lịch Trung Quốc tăng 4% trong tháng 8. Trong khi đó, Trung Quốc chiếm 21% lượng khách đến Singapore, nhưng 80% đối với Hồng Kông.

Nhiều yếu tố cũng cho thấy người dân đang thay đổi dòng tiền cũng như điểm đến trong các dịp lễ. Goldman Sachs đã thực hiện một bài phân tích về số liệu tháng 8 của dòng tiền ra từ các tài khoản ngân hàng bằng đồng HKD và dòng tiền vào các tài khoản bằng SGD. Ngân hàng này ước tính có tới 4 tỷ USD tiền gửi có thể đã chảy từ Hồng Kông vào Singapore.

Giới nhà giàu Hồng Kông và Trung Quốc từ lâu đã bị thu hút bởi Singapore. Họ thích đầu tư vào thị trường bất động sản ở đây, đôi khi sử dụng như một nơi để cất giấu tài sản. Kể từ đầu năm 2017, người Trung Quốc đã mua hơn 1.000 căn hộ tư nhân ở Singapore, dù nước này áp thuế 20% cho người nước ngoài.

Bức tranh toàn diện hơn, ngay cả trước những biến động gần đây, là sự dịch chuyển dần dần của hoạt động tài chính thể chế từ Hồng Kông sang Singapore. 

Ngành công nghiệp tài chính Hồng Kông chịu sự cạnh tranh của 2 thành phố lớn của đại lục, là Thượng Hải và Thâm Quyến - không bị cản trở bởi mối quan hệ với chính quyền trung ương, và các trung tâm lớn cùng khu vực như Singapore, Sydney, Tokyo.

Hiện tại, Singapore đang dẫn đầu thị trường về lĩnh vực quản lý tài sản, nước này nắm giữ 3,4 nghìn tỷ USD tài sản tính đến cuối năm 2018, trong khi Hồng Kông là 3,1 nghìn tỷ USD. Ngay cả (hoặc đặc biệt) đối với người giàu Trung Quốc - những người tìm cách rút vốn khỏi đại lục, Hồng Kông có thể khiến họ không thoải mái vì chịu áp lực từ Trung Quốc. Điều đáng lo ngại là Hồng Kông sẽ lại mất lợi thế trong các hoạt động khác, chẳng hạn như mảng ngân hàng đầu tư và thị trường chứng khoán.

Việc Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông hủy kế hoạch mua lại sàn London hôm 8/10 là một dấu hiệu cho sự rắc rối mà họ gặp phải trong vấn đề chiến lược. Rủi ro sẽ gia tăng nếu những rắc rối của Hồng Kông "đầu độc" mối quan hệ với Trung Quốc về lâu về dài, vốn không chỉ là nguồn vốn và khách hàng lớn mà còn là các đặc quyền thương mại, như liên kết giao dịch đặc biệt giữa sàn Hồng Kông và Thượng Hải.

Singapore và Hồng Kông từ lâu đã đưa ra các mô hình chính trị đối địch nhau. Một cách thẳng thắn, Singapore là một nền dân chủ phi tự do, còn Hồng Kông là một chế độ chuyên chế tự do. Một bên có chính phủ được bầu chọn tự do nhưng có hạn chế về luật pháp, ví dụ như cấm biểu tình công khai và một số quan điểm chính trị mang ra tranh luận. Còn Hồng Kông có một vị trưởng đặc khu "được bầu chọn" bởi vài trăm quan chức và chỉ có một phần người dân, nhưng lại có truyền thống mạnh về tự do ngôn luận.

Hồi tháng trước, Kirsten Han - một nhà báo độc lập người Singapore, đã đăng tải một bài viết lên trang Hong Kong Free Press. Han dự đoán rằng tỷ lệ trên có thể đã giảm mạnh kể từ đó. Han lưu ý rằng, nhiều người Singapore tin vào lập luận của các nhà lãnh đạo Hồng Kông, rằng các cuộc biểu tình thực sự là về vấn đề đối với nền kinh tế, như giá nhà ở quá cao, chứ không phải là chính trị. 

Hương Giang

Economist

Trở lên trên