Singapore 'rót vốn' nhiều nhất cho startup Việt Nam
Năm 2023, các công ty khởi nghiệp (startup) Việt Nam nhận được gần 530 triệu USD vốn đầu tư, giảm 17% so với năm trước. Khởi nghiệp chưa qua “mùa đông gọi vốn”, tiếp tục chịu ảnh hưởng của tình hình kinh tế toàn cầu nhiều biến động.
- 28-04-2024Thủ tướng kỳ vọng Ninh Thuận vượt lên mạnh mẽ, phát triển nhanh, bền vững
- 28-04-2024Phà sang Cát Bà tắc hàng km, du khách chờ 3 tiếng trong nắng nóng, nhiều người quyết định bỏ về
- 28-04-2024Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thực hiện "sáu đẩy mạnh" để phát triển Phú Quốc
Số liệu được Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia ( NIC ) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố tại báo cáo đầu tư công nghệ và đổi mới sáng tạo 2024. Dù tổng vốn đầu tư sụt giảm, nhưng hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam vẫn sôi nổi so với bối cảnh chung thế giới.
“Trong khi vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu năm 2023 giảm mạnh 35% xuống còn 345 tỷ USD, mức giảm nhẹ (17%) của thị trường Việt Nam cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta tiếp tục là điểm đến hấp dẫn”, báo cáo chỉ ra.
Vốn đầu tư vào y tế và giáo dục đạt mức cao lịch sử. Vốn rót vào lĩnh vực y tế tăng vọt 391% so với cùng kỳ 2022, đạt 184 triệu USD. Giáo dục nhận được 67 triệu USD, tăng 107% và cao nhất từ trước đến nay. Ngành nhân sự và du lịch - khách sạn tăng mạnh, lần lượt tăng 305% và 132% so với năm trước.
Năm qua, Singapore dẫn đầu hoạt động rót vốn vào startup Việt Nam, trong khi các nhà đầu tư nội địa đứng thứ hai. Tại Đông Nam Á, Singapore dẫn đầu, theo sau là Indonesia, Việt Nam giữ vững vị trí thứ ba về số lượng thương vụ lẫn giá trị đầu tư.
Gần 100 quỹ đã rót vốn vào các startup trong nước, trong đó các nhà đầu tư năng động nhất đến từ Singapore, theo sau là Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhận định, Việt Nam đang dần khẳng định là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, công nghệ toàn cầu. Hai lĩnh vực có nhiều hứa hẹn là công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhận tạo (AI).
Ông Đông cho biết, Việt Nam sẽ sớm ban hành chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và đề án đào tạo 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực. Mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn trở thành nước xuất khẩu bán dẫn lớn, thúc đẩy nền kinh tế và tạo cơ hội việc làm cho người dân.
Với lĩnh vực AI, Thứ trưởng Trần Duy Đông tin tưởng: "Tương lai phát triển AI của Việt Nam hết sức rộng mở. Một số startup AI đã vươn tầm quốc tế. Thị trường AI có đủ cơ hội cho tất cả mọi người, từ những doanh nghiệp tên tuổi cho đến startup".
Tiền Phong