Singapore sống chung với Covid-19 thế nào
Với việc tiêm vaccine Covid-19 được đẩy mạnh, Singapore sẵn sàng sang một giai đoạn mới, khi đại dịch chết chóc này không còn gây ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của người dân quốc đảo. "Bất kỳ ai nghĩ rằng bản thân không cần phải tiêm chủng để phòng chống dịch bệnh cần phải thay đổi lại ngay suy nghĩ của mình”, Catherine Bennett, trưởng khoa dịch tễ học tại Đại học Deakin, Australia, cho biết.
- 10-07-2021Amazon phá tan "chiêu trò gian lận" ở các cửa hàng Trung Quốc: Cú sốc lớn cho tham vọng "Mỹ tiến" của Bắc Kinh
- 10-07-2021Phát hiện ra manh mối biến thể Delta “lẩn tránh” hệ miễn dịch
- 10-07-2021EU đề nghị Anh trả hơn 47 tỷ euro để dàn xếp tài chính hậu Brexit
Trong nhiều tháng, chính quyền Singapore áp dụng hàng loạt các quy định phòng dịch hết sức chặt chẽ, nhằm giảm thiểu tối đa số ca nhiễm mới. Biên giới của quốc gia này vẫn đóng kín. Hai tuần gần đây, Singapore chỉ ghi nhận số ca nhiễm mới khoảng từ 4 đến 20 ca mỗi ngày. Số ca nhiễm khiêm tốn trên vẫn được coi là tương đối cao theo quan điểm của giới chức nước này. Đó chính là lý do người dân vẫn chưa được phép ngồi theo nhóm trên 2 người trong các nhà hàng.
Hiện tại, với gần 40% dân số được tiêm đủ mũi vaccine Covid-19, Singapore đang lên kế hoạch bước vào một "kỷ nguyên” mới, khi cơ quan y tế sẽ không phải vất vả truy vết từng ca Covid-19 mới và chặn đứng mọi kênh lây nhiễm. Thay vào đó, Covid-19 sẽ trở thành một dịch bệnh ít nguy hiểm hơn, giống như bệnh cúm thông thường, và sẽ không còn làm "tê liệt” cuộc sống thường nhật của người dân. Nói cách khác, Covid-19 sẽ trở thành một bệnh đặc hiệu, tức là một căn bệnh chỉ xuất hiện trên một nhóm người cụ thể, giống như nhiều chuyên gia y tế dự báo.
Người dân đang mất dần sự kiên nhẫn, theo lời nhóm các bộ trưởng trong bài viết trên tờ Straits Times. "Mọi người đặt câu hỏi: Khi nào và bằng cách nào, dịch bệnh này sẽ kết thúc?".
Một điểm xét nghiệm Covid-19 ở Singapore. Ảnh: Reuters.
"Tin xấu là Covid-19 sẽ không bao giờ biến mất", theo các bộ trưởng. "Nhưng tin tốt là chúng ta hoàn toàn có thể sống chung với nó một cách bình thường".
Mỹ và vài quốc gia khác gỡ các biện pháp hạn chế khi tỷ lệ lây nhiễm thậm chí còn cao hơn nhiều so với Singapore ở thời điểm hiện tại, mục tiêu là để đẩy nhanh quá trình phục hồi nền kinh tế. Singapore đã lên kế hoạch cho một sự thay đổi, bởi ngày càng nhiều quốc gia chấp nhận sự thật dù có nhiều vaccine được sản xuất hơn, Covid-19 cũng không thể hoàn toàn bị đẩy lùi.
Chủng virus ban đầu đã tiến hoá thành quá nhiều biến thể khác nhau, một vài trong số chúng trở nên nguy hiểm hơn, với tốc độ lây nhiễm cao hơn và khả năng kháng các loại vaccine. Và sự chậm trễ trong quá trình phân phối vaccine tới các quốc gia đang phát triển lại góp phần tạo điều kiện cho các biến thể này phát triển mạnh mẽ hơn.
Nhưng các nhà hoạch định chính sách cũng phải thừa nhận rằng vaccine hoàn toàn có khả năng làm cho dịch bệnh trở nên ít nghiêm trọng hơn bằng cách giảm thiểu các ca bệnh nặng, các ca bệnh buộc phải nhập viện và các ca tử vong.
Tại Mỹ, nơi 40% người dân được tiêm phòng đầy đủ, số lượng ca tử vong mỗi ngày do Covid-19 đã giảm xuống ít hơn 300 ca, thấp nhất kể từ tháng 3/2020, theo Our World in Data. Tại Anh, dù gần đây, số ca nhiễm có xu hướng tăng lên do biến thể Delta, số lượng ca tử vong vẫn được duy trì ở mức thấp. Nadhim Zahawi, phụ trách chiến dịch tiêm chủng của chính phủ Anh, chia sẻ trong tháng 5 rằng quốc gia này đang lên kế hoạch cho năm sau, “để có thể sống chung với Covid-19 như khi chúng ta sống chung với bệnh cúm, thông qua các chương trình tiêm chủng thường niên".
Nhân viên siêu thị sắp xếp các bộ xét nghiệm nhanh tại một cửa hàng dược phẩm ở Singapore. Ảnh: Reuters. |
Kế hoạch của Singapore nhằm bước sang một giai đoạn hoàn toàn mới sẽ diễn ra như sau. Phần lớn trong tổng số 5,7 triệu dân của quốc đảo sẽ được tiêm phòng Covid-19, Singapore đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 2/3 dân số vào đầu tháng 8, khiến cho virus khó có khả năng lây nhiễm, và quan trọng hơn, khó gây tử vong cho bệnh nhân. Không ngoại trừ vẫn xuất hiện những ca nhiễm mới, nhưng họ hoàn toàn có thể tự điều trị và hồi phục tại nhà.
Các cơ quan chức năng Singapore sẽ không cần phải dồn lực để truy vết các ca nhiễm, sẽ có ít người bị cách ly hơn và tiến tới chấm dứt việc thống kê số lượng các ca nhiễm mới mỗi ngày, thay vào đó, cơ quan y tế sẽ thống kê có bao nhiêu bệnh nhân Covid-19 cần được chăm sóc đặc biệt và có bao nhiêu bệnh nhân cần đặt ống nội khí quản và thở oxy.
Giai đoạn hậu đại dịch tại Singapore sẽ không hoàn toàn giống như năm 2019, trước khi đại dịch nổ ra. Ví dụ, việc đi lại sẽ không được tự do như trước, cho dù, quá trình này sẽ dễ dàng hơn đối với những ai đã được chứng nhận tiêm phòng đầy đủ. Việc xét nghiệm Covid-19 sẽ được thực hiện ở mọi nơi như sân bay, văn phòng làm việc, trung tâm mua sắm và các trường đại học, nhưng thay vì phải sử dụng các que thử, chúng ta sẽ có những dụng cụ, thiết bị thay thế khác như máy phân tích hơi thở.
Để có thể hiện thực hóa kế hoạch, Singapore đang tham khảo dữ liệu thực tế từ những quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng cao như Israel, theo Yik-Ying Teo, trưởng khoa tại Trường Y Saw Swee Hock. Họ đặc biệt quan tâm đến tỷ lệ bệnh nhân được tiêm phòng vaccine Covid-19 - những người chỉ phải chịu những triệu chứng nhẹ thay vì phải đối mặt với tình trạng nghiêm trọng hơn, thậm chí là tử vong. Hiện tại, số lượng ca nhiễm tăng cao tại Israel trong khoảng thời gian gần đây lại không đi liền với đà gia tăng các ca tử vong.
"Nếu như chiến dịch tiêm chủng vaccine thực sự hiệu quả, hoặc ít nhất, có những loại vaccine có hiệu quả tốt hơn so với phần còn lại, trong việc cho phép các quốc gia giảm thiểu các ca phải nhập viện, đó chính là dữ liệu mà thế giới cần để có thể thoát khỏi tình trạng bệnh dịch hiện tại”.
Hiện tại, con đường đi tới mục tiêu “"bình thường hoá” vẫn còn rất dài và nhiều chông gai. Cho dù một vài quốc gia phát triển đã vượt qua được giai đoạn tồi tệ nhất của dịch bệnh, virus vẫn chưa được hoàn toàn chế ngự trên toàn cầu. Các quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng thấp như Ấn Độ, Bangladesh đang phải gồng mình chống chọi các làn sóng lây nhiễm mới. Ấn Độ đưa ra cảnh báo rằng một làn sóng dịch bệnh mới là điều hoàn toàn có thể. Số lượng ca nhiễm và tử vong đang tăng lên tại nhiều quốc gia thuộc châu Phi. Trên toàn cầu, mỗi ngày vẫn có khoảng 8.000 ca tử vong do Covid-19.
Điều đó thấy rằng mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và số lượng các ca tử vong sẽ khác biệt tại các quốc gia trong một khoảng thời gian dài.
“Các quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng cao sẽ dễ dàng thoát khỏi đại dịch hơn", theo giáo sư Teo. "Đối với các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, họ có thể sẽ phải sống chúng với virus trong một khoảng thời gian lâu hơn, đơn giản là vì họ chưa thể có đủ những loại vaccine an toàn và hiệu quả để tiêm phòng cho phần lớn người dân".
Phun khử khuẩn tại một siêu thị ở Singapore sau khi có một trường hơp dương tính với Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Catherine Bennett, trưởng khoa dịch tễ học tại Đại học Deakin, Australia, cho biết một nỗ lực toàn cầu là điều cần thiết để giúp toàn bộ các quốc gia đặt được tỷ lệ tiêm chủng cao. "Chúng ta không thể chấm dứt một đại dịch nếu như thế giới bị phân hoá", bà cho biết. Việc để một bệnh dịch lây lan mạnh sẽ làm tăng rủi ro các biển thể được hình thành.
"Viễn cảnh tồi tệ nhất đối với thời điểm này năm sau đó chính là việc xuất hiện một biến thể có khả năng chống lại tất cả vaccine, và chúng ta sẽ phải bắt đầu từ con số 0", bà cho biết.
Bà cho rằng điều đó sẽ khó có khả năng xảy ra và cho biết dịch bệnh sẽ sớm trở thành một bệnh đặc hiệu. Các chính phủ, chuyên gia y tế vẫn phải quan sát kỹ lưỡng dịch bệnh này, nhưng không thông qua việc truy vết từng ca nhiễm, mà bằng việc đi trước đón đầu các biến chủng mới. Các thế hệ vaccine mới sẽ được phát triển, và có hiệu quả tốt hơn trong việc ngăn chặn các ca nhiễm mới, làm chậm chu kỳ biến đổi của virus, bà nói.
Tại thời điểm này, các quốc gia như Australia sẽ cần phải thay đổi cách tiếp cận không khoan nhượng của mình đối với dịch bệnh, bà cho biết. Australia hiện tại đang là quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng thấp, và vẫn phải đối mặt với các ổ dịch mới, bên cạnh đó là duy trì các lệnh phong toả.
"Bất kỳ ai nghĩ rằng bản thân không cần phải tiêm chủng để phòng chống dịch bệnh cần phải thay đổi lại ngay suy nghĩ của mình”.
Người đồng hành