“Sính” bằng cấp là thực tiễn của xã hội chúng ta“
Trả lời chất vấn của ĐBQH, Thủ tướng thừa nhận thực tế này nhưng khẳng định "bằng cấp là cần thiết nhưng không phải tất cả"
- 18-11-2017Hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội
- 17-11-2017Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn
- 14-11-2017Chiều 16 và sáng 17/11, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn
- 09-11-2017Ngày 18/11 Thủ tướng trả lời chất vấn trước Quốc hội
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) hỏi Thủ tướng về giải pháp đột phá để mỗi cán bộ công chức, đặc biệt là chính quyền cơ sở thực hiện đúng, đủ nhiệm vụ, chức trách của mình?
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) nêu chất vấn
Đại biểu Hiển cho rằng, bằng cấp là tiêu chuẩn cứng quy định trong nhiều văn bản để làm tiêu chuẩn tuyển dụng, bổ nhiệm và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chạy theo bằng cấp, cố đi học cho có bằng dù công việc không cần thiết phải có. Đại biểu hỏi Thủ tướng về giải pháp căn cơ để cơ quan Nhà nước tuyển dụng được người thực tài và thay đổi quan niệm bằng cấp.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hiển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần phân cấp giao quyền mạnh mẽ hơn, quy định trách nhiệm cá nhân phải rõ hơn. Giải pháp phải đưa ra nhiều nhưng việc xử lý nghiêm cá nhân đứng đầu kịp thời hơn là rất quan trọng. "Tất cả việc đó chúng tôi lắng nghe tiếp thu và phân cấp mạnh mẽ hơn"
Thủ tướng cũng thừa nhận vấn đề “sính” bằng cấp đang là thực tiễn của xã hội chúng ta. Thủ tướng cho rằng cần nhận thức rõ vấn đề người thực việc thực giữa tư duy và hành động, đây là nhận thức rất cần thiết. “Bằng cấp là cần thiết nhưng không phải là tất cả”, Thủ tướng nói.
Trong báo cáo giải trình trước Quốc hội, về vấn đề cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, Thủ tướng đã nêu rõ, thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, bảo đảm tính thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ; xây dựng văn hóa công sở và ý thức chấp hành các quy định về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; triệt để phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm. Rà soát, hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ; kiên quyết sàng lọc, thay thế những người yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong từng cơ quan, đơn vị; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ và công tác cán bộ; xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm. Nghiên cứu, xây dựng phương án cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội phù hợp, trình Trung ương và Quốc hội./.
VOV