MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sinh ra đã ngậm thìa vàng nhưng "cây viết" được săn đón nhất trang tư vấn tài chính Mỹ vẫn được cha dạy cho bài học thấm thía này để không sợ trắng tay

10-01-2019 - 10:00 AM | Sống

Thường đến lúc kiệt quệ tài chính, người ta mới bắt đầu học cách quản lý tiền bạc vậy nên cha của Sage Evans đã chuẩn bị sẵn cho bà 5 bài học thấm thía để không mất tất cả.

Bài viết được thực hiện bởi Sage Evans, một trong những cây viết chính được săn đón tại LearnVest - một trang tư vấn tài chính của Mỹ, ngoài ra bà còn là cộng tác viên xuất sắc của Forbes, MSN.

Có thể nói, tôi là một người may mắn khi được lớn lên trong một gia đình sung túc và giàu có. Được sống trong một ngôi nhà đẹp, đầy đủ tiện nghi, đi học trường tư và thường xuyên có những chuyến du lịch nước ngoài đắt đỏ. Hồi bé, tôi chỉ biết cảm ơn, vui vẻ đón nhận và chẳng bao giờ nghĩ về những vất vả của bố mẹ.

Nhưng, đến khi trưởng thành hơn, khi cần phải sống tự lập và tự chủ tài chính thì cha mới nhẹ nhàng nói với tôi một câu rằng: "Kiếm tiền là việc vừa dễ vừa khó nhưng nếu con không có dự định gì hay không biết quản lý nghiêm túc nó thì dù kiếm được 500.000 USD một tháng, con vẫn sẽ mãi nghèo khó".

Sinh ra đã ngậm thìa vàng nhưng cây viết được săn đón nhất trang tư vấn tài chính Mỹ vẫn được cha dạy cho bài học thấm thía này để không sợ trắng tay - Ảnh 1.

"Lo lắng cho cuộc sống của con cái và với trách nhiệm của một người nuôi dưỡng, cha đã căn dặn tôi những bài học tài chính quý giá từ chính tình cảnh trắng tay ngày nào của ông" - tác giả Sage Evans

Cha kể lại với tôi hành trình khó khăn dẫn tới thành công và cách ông dành dụm một khoản tiết kiệm không nhỏ trong tài khoản ngân hàng dùng để dưỡng già. Thật bất ngờ, cha mẹ tôi đã từng sống vất vả, phải chật vật gây dựng sự nghiệp lại từ đầu với số tiền ít ỏi có trong tay.

Đã có lúc, họ bị mất việc, thu nhập từ 100.000 Đô la bỗng dưng hóa thành con số 0. Không tiền tiết kiệm trong nhà băng, 10.000 Đô la nợ trong thẻ tín dụng và không có cách nào để trả đủ các hóa đơn sinh hoạt phí hàng tháng. Cảm thấy choáng ngợp và sợ hãi, họ tuyên bố "trắng tay".

Đó là thời kì đen tối nhất trong cuộc sống của hai người, nhưng "thất bại là mẹ thành công", nghị lực vươn lên, họ đã biến khó khăn trở thành động lực to lớn để làm lại từ đầu.

Cha mẹ tôi quyết định theo đuổi giấc mơ ấp ủ từ lâu và bắt đầu kinh doanh riêng. Đó là một thách thức lớn, nhưng thời gian dần trôi đi, trải qua bao nhiêu hợp đồng kinh doanh, công ty bắt đầu có lãi, hoạt động khởi sắc. Đến nay, nó vẫn kiếm được hàng triệu Đô la hàng năm sau 20 năm thành lập.

Dưới đây là năm bài học quan trọng nhất đã giúp tôi nghiêm túc hơn và có trách nhiệm hơn khi quản lý tiền do chính mình làm ra:

1. Luôn có kế hoạch dự phòng cho trường hợp xấu nhất

Trước khi thất nghiệp, cả hai đều làm việc cho một người chú ruột của bố tôi. Với sự ổn định của công việc ấy, mức lương dư dả, đã khiến họ tin rằng họ sẽ luôn có tiền đủ sống hàng tháng và không bao giờ cần phải có kế hoạch dự phòng.

Nhưng sau đó, bố tôi đã xin nghỉ việc vì những bất mãn trong kế hoạch phát triển của công ty, ít ngày sau thì mẹ tôi cũng bị sa thải. Chỉ trong vài ngày, họ đang từ đỉnh cao bỗng xuống đến đáy sự nghiệp. Trong tay chẳng còn nhiều tiền như trước, tài chính nhiều nhất lúc ấy chỉ là những đồng bạc lẻ đủ để ăn uống qua ngày. Từ kinh nghiệm ấy, cha dặn: "Trong cuộc sống, con luôn cần có một kế hoạch dự phòng cho tất cả mọi thứ như sinh hoạt, ăn uống, sức khỏe, đi lại...".

Nhờ câu nói ấy, tôi đã bắt đầu viết ra và luôn nghĩ về trường hợp xấu nhất, tự mình tìm hiểu những gì cần làm nếu điều đó xảy ra và lên kế hoạch. Nó không chỉ giúp tôi giảm bớt căng thẳng và lo lắng về tương lai mà còn cho phép tôi sống trọn vẹn hơn trong hiện tại.

2. Luôn có tài khoản tiết kiệm

Bên cạnh việc có một kế hoạch dự phòng cho tương lai, điều quan trọng là bạn cũng phải có một kế hoạch cụ thể - ví dụ như một tài khoản tiết kiệm.

Khi bố mẹ tôi mất việc, họ không có quỹ khẩn cấp hoặc tài khoản tiết kiệm. Khó khăn ập đến, họ không có thu nhập, và không thể thanh toán hết tất cả các hóa đơn đang chờ sẵn vào mỗi cuối tháng.

Vì vậy, khi lớn lên, bố mẹ luôn khuyến khích tôi và chị gái chi tiêu hợp lý và tiết kiệm tiền trợ cấp được cho hàng tháng. Ngoài ra, họ đã dạy chúng tôi tầm quan trọng của một quỹ khẩn cấp. Trong cuộc sống trưởng thành của mình, tôi tiếp tục thói quen tiết kiệm tiền, chuẩn bị sẵn sàng cho những bất ngờ xảy đến và không bao giờ cho phép tài khoản tiết kiệm xuống dưới 1.000 Đô la.

Sinh ra đã ngậm thìa vàng nhưng cây viết được săn đón nhất trang tư vấn tài chính Mỹ vẫn được cha dạy cho bài học thấm thía này để không sợ trắng tay - Ảnh 2.

3. Chỉ được chi tiêu trong mức tài chính cho phép

Khi bố mẹ tôi bắt đầu sự nghiệp, họ đã kiếm được nhiều tiền và cứ thế tiêu hết, không để lại một đồng nào cho lúc sa cơ. Nhưng khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, họ nhận ra tầm quan trọng của việc chi tiêu hợp lý và đặt ra những quy tắc tiêu tiền - một bài học có ích với với tôi, khi mà tôi vừa được thăng tiến trong sự nghiệp và tiền lương tăng lên mức đáng kể.

Thông thường, một người bắt đầu có thu nhập cao, thì nhu cầu chi tiêu của họ sẽ tăng lên. Và tôi cũng vậy, đã từng bị thay đổi thói quen chi tiêu tiết kiệm của mình, mua sắm, ăn uống xa xỉ, không điểm dừng nhưng lời khuyên của cha đã đánh thức và mang tôi quay trở lại.

Tôi liên tục tự kiểm tra thói quen chi tiêu của mình bằng cách quản lý ngân sách cụ thể, ghi chép những gì đã chi để đảm bảo rằng tôi sẽ tiêu tiền vào những thứ phù hợp, cắt giảm chi phí khi có thể và tiết kiệm tiền mỗi tháng.

Sinh ra đã ngậm thìa vàng nhưng cây viết được săn đón nhất trang tư vấn tài chính Mỹ vẫn được cha dạy cho bài học thấm thía này để không sợ trắng tay - Ảnh 3.

4. Không bao giờ gục ngã trước những sai lầm

Một trong những điều tôi ngưỡng mộ nhất ở cha mẹ là khả năng đứng lên sau biến cố của cuộc đời. Đúng là họ đã từng trắng tay, từng chỉ còn một chút ít tiền, từng sống trong bế tắc, sợ hãi, tất cả điều đó đã trở thành một bài học cho cha mẹ và có lẽ tôi cũng nên học điều này từ đấng sinh thành của mình: Học hỏi từ những sai lầm của bản thân và tiến về phía trước.

Muốn thành công phải kiên trì chứ không thể chỉ cần một đêm. Dốc hết những số tiền ít ỏi còn lại để bắt đầu, họ đã làm nhiều công việc, nói chuyện với nhiều ngân hàng, bỏ ra hàng trăm giờ và đôi khi không gặp nhau. Nhưng theo thời gian, sự chăm chỉ đã được đền đáp và câu chuyện của họ mang đến cho tôi hy vọng rằng dù có chuyện gì xảy ra, thì luôn có cơ hội để sửa chữa cũng như đứng lên sau vấp ngã đầu tiên.

5. Tiền không phải là tất cả

Không thể phủ nhận rằng tiền có thể làm giảm căng thẳng và làm cho mọi thứ dễ dàng hơn trong cuộc sống, nhưng nó không mua được hạnh phúc. Bố tôi nghỉ việc vì những kế hoạch tương lai của công ty đi ngược lại niềm tin và lương tâm của bản thân. Đối với ông, đạo đức nghề nghiệp quan trọng hơn tiền lương.

Kể từ khi tốt nghiệp đại học và bước chân ra ngoài kiếm tiền, tôi đã thay đổi 3 công việc khác nhau trong năm năm vì những lý do tương tự. Cha dạy tôi rằng: "Chúng ta đừng nên gò bó bản thân vào điều gì. Con cần một môi trường làm việc mà con thực sự yêu thích và tiền lương chỉ là thứ yếu".

Và nhờ vào ví dụ của cha mẹ, tôi biết tầm quan trọng của sự hài lòng và hoàn thành công việc, cũng như có một kế hoạch tài chính và khoản dự phòng trước khi chuyển đổi công việc khác.

Nguyễn Nguyễn

LearnVest

Trở lên trên