MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Smartphone, ô tô sẽ tạo ra cơ hội cho ngành nhựa Việt Nam

Với nhiều doanh nghiệp công nghệ nước ngoài tới Việt Nam cùng kim ngạch xuất khẩu luôn tăng, ngành nhựa và bao bì trong nước đang có cơ hội lớn. Nhưng để các doanh nghiệp cạnh tranh tốt không phải là dễ.

Ngành nhựa Việt Nam đang duy trì mức tăng trưởng từ 15 đến 20% trong 10 năm qua. Chỉ riêng năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu 477.000 tấn nhựa, tăng gần gấp đôi năm 2016.

Theo Mordor Intelligence Research, thị trường nhựa ở Việt Nam trong giai đoạn 2018 đến 2023 sẽ tăng trưởng luỹ kế hàng năm khoảng 6,63%. Công nghệ có tỷ lệ tăng trưởng lớn nhất là công nghệ ép phun, thường được áp dụng trong việc tạo ra các chi tiết trên bảng điều khiển ô tô, điện tử gia dụng.

Tiềm năng tăng trưởng này đến từ việc nhiều nhà sản xuất lớn trên thế giới như Foxconn, Samsung và các hãng ô tô đầu tư nhà máy tại Việt Nam.

Tại hội thảo Ngành nhựa Việt Nam - Công nghiệp đóng gói: cơ hội lớn từ Cách mạng công nghiệp 4.0 trong triển lãm Hanoi Plas Print Pack 2019 do Vinexad và Yorker phối hợp tổ chức, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam nhận định, việc Việt nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ nhựa.

Khách hàng ở các nước trên thế giới đang có xu hướng chuyển sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam vì có chi phí sản xuất thấp hơn. Thuế xuất từ Việt Nam sang Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu cũng thấp hơn vì có ưu đãi.

Cơ hội nhiều nhưng thực tế ngành nhựa và đóng gói, bao bì của Việt Nam lại đang có sự cạnh tranh rất gắt gao.

Cạnh tranh này đến từ các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam. Khó khăn thường thấy nhất là nguồn vốn. Các doanh nghiệp nhựa, in ấn, bao bì nội thường phải vay vốn lãi suất trung hạn thường trong khoảng 10 đến 12%/năm. Còn các doanh nghiệp FDI có thể vay vốn ưu đãi ở chính nước họ với mức lãi suất thường thấp hơn mức này.

Ngoài ra các doanh nghiệp quốc tế luôn có sẵn kinh nghiệm, công nghệ. Công ty mẹ của họ ở nước ngoài có thể hỗ trợ cho công ty ở Việt Nam lỗ trong vài năm để có thị trường. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể chịu lỗ trong 1 đến 2 năm.

Khả năng tiếp cận khách hàng của doanh nghiệp Việt Nam trong ngành này cũng kém hơn.

Trước các khó khăn này, các chuyên gia tại hội thảo cho rằng doanh nghiệp Việt nam cần tận dụng tốt tiềm năng đã có trên thị trường nội địa. Song song với đó là tìm kiếm những thị trường mới, phân khúc sản phẩm mới. Đa dạng mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.

Ví dụ thị trường châu Âu, đây là thị trường chiếm từ 60 đến 70% kim ngạch xuất khẩu của ngành nhựa. Hiệp định thương mại tự do EVFTA sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp nhựa, bao bì của Việt Nam.

Đối với các doanh nghiệp bao bì, thời điểm này tại Việt Nam lại đang có sự thay đổi nhận thức của khách hàng. Nhiều nhãn hàng đã chủ động đổi bao bì sản phẩm của mình sang các loại thân thiện với môi trường như giấy hay màng sinh học được làm từ bột gạo, ngô.

Đây chính là cơ hội mới cho các doanh nghiệp bao bì. Một xu hướng khác hiện nay mà các doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng được đó là bao bì có thể tái sử dụng nhiều lần.

Theo Tùng Linh

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên