Số 3 xui xẻo trong lịch sử đầy ‘drama’ của Lego: 3 lần cháy công ty, 3 đời CEO gia truyền đều bấp bênh, vươn lên từ đống tro tàn
Nếu bạn nghĩ công ty bị cháy 3 lần tức là ‘vũ trụ gửi thông điệp’ bảo bạn nên dừng lại, thì hãy nhìn vào câu chuyện đầy gian truân của Lego.
- 04-11-2022Tình hình thu hút đầu tư 10 tháng đầu năm của địa phương vừa khởi công dự án LEGO 1 tỷ USD có gì đáng chú ý?
- 03-11-2022CEO Tập đoàn LEGO: 1 tỷ USD là khoản đầu tư quan trọng, chúng tôi sẽ dồn lực cho Nhà máy ở Việt Nam
- 03-11-2022Tập đoàn LEGO khởi công xây dựng nhà máy 1 tỉ USD tại Việt Nam
Có thể nói rằng, lịch sử của Lego từ hồi đầu thành lập là chuỗi vòng lặp bị thiêu đốt rồi lại vươn lên từ đống tro tàn. Lego không chỉ là một công ty đồ chơi, mà còn là cả một đế chế kinh doanh cả công viên, phim ảnh, vân vân. Nhưng để đi đến được vị trí này, khởi đầu từ một cửa hàng khiêm tốn, công ty đã trải qua không ít thử thách lẫn ‘drama’.
Lần cháy đầu tiên ở tiệm gỗ Ole
Ole Kirk Kristiansen sinh năm 1891 tại một ngôi làng nhỏ ở Đan Mạch trong một gia đình đông con và nghèo túng. Hết cấp 3, ông đi học nghề làm thợ mộc và tỏ ra rất say mê với nghề thủ công. Sau vài năm làm việc chăm chỉ, Ole dành dụm đủ tiền để mở một cửa hàng nhỏ chuyên bán vật dụng tự chế tác như bàn, ghế.
Ole Kirk Kristiansen, người sáng lập Lego, xuất thân là một thợ mộc
Năm 1924, mấy cậu con trai của Ole nghịch gỗ trong cửa hàng và tình cờ gây ra hỏa hoạn. Không ai bị thương nhưng nguyên cửa hàng cùng bao nhiêu hàng hóa đều cháy rụi ra than.
Ole xây lại một cửa hàng khác thật tử tế. Nhưng đen đủi thay, năm 1930, cuộc Đại Suy Thoái lan tới Đan Mạch nên dù đã có cửa hàng, Ole cũng chẳng làm ăn được mấy.
Hai năm sau, vợ ông mất. Ole rơi vào tình cảnh gà trống nuôi một lúc bốn đứa con, không biết làm gì để ra tiền, hoàn toàn lạc lõng, mất phương hướng và cô đơn.
Lần cháy thứ hai và giấc mộng lụi tàn
Một hôm, sẵn ít gỗ thừa trong cửa hàng, Ole làm ra ít đồ chơi cho mấy đứa con. Không ngờ các cháu rất thích mà chính ông cũng thấy hứng thú với công việc này. Ole liền mở một cửa hàng đồ chơi gỗ cao cấp.
Sau một hồi suy tính, Ole quyết định đặt tên cho cửa hàng là "Lego", bắt nguồn từ cụm từ tiếng Đan Mạch "leg godt" có nghĩa là "chơi vui". Tình cờ thay, từ "lego" cũng na ná giống như một cụm từ trong tiếng Latin có nghĩa "xếp lại với nhau".
Sản phẩm nổi bật của cửa hàng: vịt gỗ gắn bánh xe
Tuy nhiên, do tình hình kinh tế xám xịt đương thời ở Đan Mạch, người ta chỉ lo kiếm thức ăn, không ai cần đến một con vịt lắp bánh xe làm từ gỗ xịn cả. Dù đam mê nhưng cửa hàng Lego phải đối mặt với nguy cơ sập tiệm.
Năm 1940, Đức Quốc Xã xâm chiếm Đan Mạch. Cửa hàng của Ole lại một lần nữa bị thiêu cháy do chiến tranh. Giấc mộng gỗ của Ole lại một lần nữa tan biến.
Lần cháy thứ ba, CEO quyết định ‘đốt vía’
CEO đời một và ‘drama’ đạo ý tưởng
Năm 1945, Đan Mạch được tự do nhưng nền kinh tế vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề sau chiến tranh. Ole lúc này vẫn chưa từ bỏ đam mê, liền tìm đến nguyên liệu rẻ tiền hơn để chế tác đồ chơi là nhựa. Trong thời chiến, Đan Mạch cấm sử dụng những đồ nhựa phi thiết yếu, bao gồm cả đồ chơi. Sau giải phóng, lệnh này được xóa bỏ và Ole đã có cơ hội đến tận Copenhagen để tham quan một cỗ máy ép phun nhựa.
Thời đó người ta vẫn tranh cãi về giá trị của đồ chơi nhựa, họ cho rằng trẻ con sẽ không đời nào chơi với những thứ trông rẻ tiền như thế. Nhưng Ole nhìn ra tiềm năng và quyết liều một phen. Ông vét hết số tiền ít ỏi còn lại để mua một cỗ máy ép phun nhựa và mở đầu một chương mới cho cửa hàng Lego.
Ole xây lại cửa hàng và bắt đầu sản xuất đồ chơi nhựa, khởi đầu là gấu Teddy, xe kéo Ferguson với hai loại: một loại hoàn chỉnh, một loại tháo rời để người chơi tự lắp ráp. Chiếc xe kéo này đã mang lại thành công lớn đầu tiên cho Lego cũng như doanh số hơn 100.000 chiếc chỉ trong giai đoạn 1952-1954.
Mẫu xe kéo Ferguson, phiên bản làm lại năm 2018. Ảnh: reddit.com
Một lần, Ole bắt gặp bộ đồ chơi xây nhà của Kiddicraft, bao gồm các miếng gạch xếp được vào với nhau để ra mô hình nhà cửa.
Bộ đồ chơi của Kiddicraft
Ole nhận ra tiềm năng của ý tưởng này vì những miếng gạch như thế có thể làm nên nhiều mô hình khác nữa chứ không chỉ nhà cửa. Tuy nhiên, món đồ chơi này đã được cấp bằng sáng chế cho doanh nhân người Anh Hilary Fisher Page.
Bất chấp điều đó, Ole vẫn tung ra sản phẩm tương tự với một cái tên khác. Dĩ nhiên, có rất nhiều tranh cãi xung quanh việc Lego ăn trộm ý tưởng của Kiddicraft. Đến năm 1981, Lego cũng đã phải trả 45.000 EUR để mua lại ý tưởng theo phán quyết của tòa án. Phải nói rằng, đây là một cái giá tương đối rẻ để xây nên cả một đế chế về sau.
CEO đời hai và ‘drama’ gia đình
Năm 1955, Lego tung ra các bộ lắp ráp mà trẻ con có thể xây dựng nên cả một thị trấn và gặt hái thành công đáng nể. Sau khi Ole mất, người con trai Godfred lên làm CEO kế nhiệm. Chẳng bao lâu sau, công ty bắt đầu nhận về những lời phàn nàn rằng gạch Lego không lắp chặt được vào với nhau, xây gì cũng bị đổ. Godfred liền cải tiến bằng cách gắn thêm lỗ tròn dưới miếng gạch còn mặt trên thì có mấu lồi. Nhờ đó, các miếng Lego sẽ được xếp khít vào nhau và không bị đổ nữa. Đây chính là phiên bản chúng ta thấy ngày nay. Từ đây, Lego tiếp tục tung ra nhiều bộ đồ chơi với các chủ đề khác nhau và tất cả đều được đón nhận nồng nhiệt.
Sự cải tiến của gạch Lego: có thêm lỗ chốt để gạch xếp vững hơn. Ảnh: Magnates Media
Thời đó, song song với đồ chơi nhựa, Lego vẫn tiếp tục sản xuất đồ chơi gỗ, thậm chí kết hợp cả linh kiện gỗ trong các bộ xếp hình Lego nhựa và đặt tên là Bilofix. Nhưng vận xui vẫn còn đeo bám công ty gia đình này. Năm 1960, nhà máy của công ty lại bị cháy, lần này là do sét đánh. Sau lần cháy thứ ba này, Godfred đã đưa ra một quyết định gây tranh cãi, đó là dẹp toàn bộ mảng đồ chơi gỗ. Không biết có phải ông này cảm thấy đồ chơi gỗ ‘bị dính lời nguyền’ và cần được ‘đốt vía xả xui’ hay không, nhưng dù sao doanh số của đồ chơi gỗ vốn cũng khá tủn mủn.
Đồ chơi xếp hình gỗ của Bilofix. Ảnh: Magnates Media
Những người anh em của Godfred không tán thành liền tách ra thành lập công ty Bilofix để duy trì cả đồ chơi nhựa lẫn đồ chơi gỗ. Công ty vẫn tồn tại tới ngày hôm nay, cạnh tranh với Lego. ‘Drama’ quả không buông tha gia đình này, khi mà người cha Ole vốn muốn mang lại cho các con niềm vui bằng đồ chơi, thì nay cũng vì nó mà anh em chia rẽ.
Lego tiếp tục phất lên trông thấy. Godfred cho xây hẳn mô hình sân bay Berlin tỉ lệ 1:65 ở Đức để thúc đẩy doanh số ở nước ngoài. Lego còn bắt đầu cho xây cả công viên giải trí Legoland với kỳ vọng đón 300.000 khách tham quan mỗi năm. Tưởng đó là ý tưởng viển vông, nhưng trên thực tế, ngay trong năm đầu công viên đã có đến 625.000 lượt khách. Được đà, Lego còn xuất bản sách, bán quần áo và dĩ nhiên không quên triển khai cả mảng trò chơi điện tử.
Phiên bản Lego của sân bay Berlin, gồm 100.000 miếng gạch Lego, mất 6 tháng để hoàn thành. Nguồn: Bloomberg
CEO đời ba và lần đầu thua lỗ
Năm 1995, chức vụ CEO đời thứ ba được truyền lại cho cháu nội Ole là Kjeld. Năm 1998, lần đầu tiên công ty báo lỗ trong nhiều thập kỷ do nhiều quyết định tài chính sai lầm cùng những lùm xùm kiện tụng.
Trước đó, có một công ty khác tên là Tyco cũng tung ra sản phẩm đồ chơi gạch xếp hình giống như Lego và dĩ nhiên bị Lego lôi ra tòa. Mỉa mai thay, ngày trước Lego cũng từng bị Kiddicraft kiện vì lý do tương tự và họ cũng chỉ chịu trả tiền bản quyền trước đó không lâu. Tyco thắng kiện và tiếp tục kinh doanh sản phẩm của mình dù không thể nào thành công bằng Lego.
Đến những năm 90, công ty lại vướng vào những lùm xùm kiện tụng khác với một hãng kinh doanh sản phẩm tương tự là Mega Bloks. Lego đã phải tốn cả đống tiền cho luật sư và chi phí theo kiện.
Một sản phẩm của Mega Bloks
Đồng thời, công viên giải trí, trò chơi điện tử, sách truyện và các mảng khác thay vì mang tiền về thì lại đốt không ít vốn của công ty. Kết quả là, Lego phải cắt giảm hơn 1000 nhân viên và cứ thế xuống dốc từ đó. Năm 2004, Lego lỗ vài trăm triệu USD.
Hết 3 đời CEO gia truyền, công ty mới vững chân thành đế chế
Sau thảm họa đó, lần đầu tiên Lego có một CEO không phải người trong gia đình là Jorgen Vig Knudstorp. Ông bán phăng các mảng kinh doanh thua lỗ, chấm dứt những sản phẩm mà công ty không có kinh nghiệm, chỉ tập trung vào gạch xếp hình và trò chơi điện tử. Jorgen bắt tay với các thương hiệu ăn khách khác như Harry Potter, Avengers, Dragon Ball Z, vân vân để "Lego hóa" các thế giới và nhân vật. Nhờ những bước đi này, tình hình tài chính công ty trở nên sáng sủa hơn.
Thế giới Harry Potter trong Lego
Năm 2014, công ty cho ra mắt bộ phim chiếu rạp về Lego và trở thành một cú ‘hit’ lớn, mang lại 500 triệu USD doanh thu. Nhờ công lớn của Jorgen, đến nay Lego đã tăng trưởng hai con số.
Phim chiếu rạp Lego the Movie
Lời kết
Nếu bạn nghĩ công ty mình bị cháy ba lần là ‘vũ trụ gửi thông điệp’ bảo bạn nên dừng lại, thì hãy nhìn vào câu chuyện đầy gian truân của Lego. Từ một xưởng gỗ vô danh lập nên bởi một người thợ mộc đam mê đến độ ngoan cố, xây lên rồi lại cháy, huy hoàng một thời rồi lại kiện tụng, thua lỗ, Lego nay đã trở thành một đế chế lẫy lừng.
Tham khảo từ: MagnatesMedia
Nhịp sống thị trường