MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Số ca mắc tăng gấp đôi trong 24h, các nhà khoa học Nam Phi tuyên bố còn quá sớm để nói Omicron chỉ gây bệnh nhẹ

02-12-2021 - 10:08 AM | Tài chính quốc tế

Số ca mắc tăng gấp đôi trong 24h, các nhà khoa học Nam Phi tuyên bố còn quá sớm để nói Omicron chỉ gây bệnh nhẹ

Các chuyên gia khoa học hàng đầu của Nam Phi vừa chính thức bày tỏ sự thận trọng với độ nguy hiểm của biến thể Omicron sau khi có những thông tin cho rằng biến chủng này chỉ gây ra các triệu chứng bệnh nhẹ.

Trình bày trước các nhà lập pháp hôm 1/12, giới khoa học Nam Phi cho rằng còn quá sớm để tuyên bố Omicron chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ. Trước đó, Viện Nghiên cứu Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm của Nam Phi cho biết số ca mắc mới hàng ngày ở nước này đã tăng gấp đôi lên 8.561 ca trong 24 giờ qua. Cho đến nay, Omicron là biến thể nổi trội nhất trong số các ca mắc mới.

"Các ca nhiễm mới nhất chủ yếu xảy ra ở nhóm trẻ tuổi hơn nhưng chúng tôi đang bắt đầu thấy chủng này lan sang những nhóm lớn tuổi. Chúng tôi hy vọng những biến chứng nặng hơn không xuất hiện trong vài tuần tới", Michelle Groome, quan chức phòng chống dịch hàng đầu của Nam Phi nói với các nhà lập pháp nước này.

Trước đó, ngày 25/11, Chính phủ và các nhà khoa học Nam Phi công bố sự xuất hiện của một biến thể mới. Chỉ vài ngày sau, nó được Tổ chức Y tế Thế giới đặt tên là Omicron sau khi phân loại "đang quan ngại" – cùng loại với biến thể Delta. Sự xuất hiện của Omicron đã ngay lập tức dẫn tới cú bán tháo trên thị trường tài chính toàn cầu và những tác động của nó vẫn đang tiếp diễn. Nhiều quốc gia cũng ban hành các biện pháp hạn chế đi lại với Nam Phi.

Richard Lessells, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại viện gen KRISP cho biết mức độ nghiêm trọng của biến thể mới này có thể không được nhận thức hết khi rất nhiều người đã từng mắc hoặc tiêm chủng, giúp họ có một số khả năng miễn dịch.

"Nếu virus này thực sự lây lan mạnh trong cộng đồng, nó vẫn có thể tìm thấy những người chưa tiêm chủng và có thể gây ra những triệu chứng nghiêm trọng. Đó là điều khiến chúng tôi quan ngại khi nghĩ về lục địa này (châu Phi là nơi có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp)", Lessells nói.

Thực tế, tỷ lệ tiêm chủng của Nam Phi thấp hơn nhiều so với các quốc gia phương Tây và Trung Quốc dù vẫn cao hơn phần còn lại của châu Phi. Khoảng ¼ dân số quốc gia này đã được tiêm phòng đầy đủ. Trong khi đó, 1,3 tỷ người của lục địa này thì mới chỉ có 6,7% được tiêm chủng đầy đủ. Cộng hòa Dân chủ Congo là điểm đáng lo ngại nhất khi chỉ có 0,1% trong tổng số 100 triệu dân được tiêm phòng.

Mặc dù vậy, Lessells hy vọng dù biến thể có thể né kháng thể nhưng các hệ thống phòng thủ khác của cơ thể, chẳng hạn như tế bào T, vẫn có khả năng tiêu diệt virus. Tế bào này có nhiệm vụ tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh.

"Chúng tôi cho rằng việc bảo vệ mọi người trước biến thể này sẽ khó khăn hơn nhiều. Chúng tôi cũng mong muốn biến thể không gây ra bất kỳ ảnh hưởng gì với các biện pháp trị liệu mà chúng ta đang sử dụng", Lessells nói với các nhà lập pháp.

Biến thể Omicron hiện đã được phát hiện ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết nước này ghi nhận ca mắc biến thể Omicron đầu tiên là một người trở về từ châu Phi. Ngay lập tức, thị trường chứng khoán Mỹ bị bán tháo, kéo dài những mất mát kể từ khi Omicron gây sóng gió hồi cuối tuần trước.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên