MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Số ca nhiễm ở bên ngoài Trung Quốc tăng nhanh, dịch virus corona đang bước sang giai đoạn mới?

22-02-2020 - 16:54 PM | Tài chính quốc tế

"Dường như dịch bệnh đã bước sang một giai đoạn mới, và chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, đi kèm với những tác động kinh tế mạnh mẽ hơn so với dự tính ban đầu", chuyên gia của ngân hàng ANZ nhận định.

Số ca nhiễm virus corona chủng mới (CoVid-19) ở Hàn Quốc đã vượt quá 200. Con số ở Singapore và Nhật Bản lần lượt là 85 và 105 ca, và trong số 3.700 người từng được cách ly trên du thuyền ngoài khơi cảng Yokohama ở Nhật Bản có 634 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính. Mỗi ngày thế giới lại ghi nhận thêm các trường hợp nhiễm bệnh ở những quốc gia và vùng lãnh thổ mới.

Trong khi Trung Quốc vẫn là nơi có nhiều ca nhiễm nhất (khoảng 75.000) và cũng có nhiều trường hợp tử vong nhất, đang xuất hiện những dấu hiệu cho thấy dịch bệnh đang tiến triển nhanh hơn ở các quốc gia châu Á khác. Tâm trạng lo lắng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường tài chính, do nhà đầu tư xem xét một cách thận trọng những tác động lên triển vọng tăng trưởng kinh tế cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp.

"Số ca nhiễm đột ngột tăng ở các nước châu Á khác, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản, đã thổi bùng lên những mối lo ngại mới", theo Khoon Goh – chuyên gia nghiên cứu châu Á tại ngân hàng ANZ – nhận định. "Dường như dịch bệnh đã bước sang một giai đoạn mới, và chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, đi kèm với những tác động kinh tế mạnh mẽ hơn so với dự tính ban đầu".

Cập nhật tin tức liên quan đến coronavirus trên thế giới, bao gồm tình hình kiểm soát dịch, số người mắc, số người tử vong... các nước đang làm gì để đối phó với dịch bệnh tại đây

Cho đến nay dịch Covid-19 chưa trở thành đại dịch – bối cảnh được định nghĩa là tình trạng virus lây lan ra nhiều châu lục. Trong số 2.247 người thiệt mạng, chỉ có 11 ca diễn ra ở bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, trong tuần này đã xuất hiện một loạt ca nhiễm mới ở Iran, UAE, Lebanon và Italy. 4 người ở Iran đã chết và ít nhất 18 người nhiễm bệnh.

Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, chia sẻ lo ngại về những ca nhiễm mới không có mối liên hệ nào với Trung Quốc. Theo ông, cánh cửa cơ hội để ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ Trung Quốc ra các nước khác "thực sự đang dần khép lại", đồng nghĩa dịch bệnh có thể lan rộng theo bất cứ hướng nào.

Các nhà nghiên cứu tại Imperial College London đã sử dụng dữ liệu du lịch hàng không để phân tích tình hình và chỉ ra rằng có khả năng nhiều trường hợp đã nhiễm bệnh nhưng vẫn đi khỏi Trung Quốc đại lục mà chưa được phát hiện bởi các dấu hiệu rất khó nhận biết.

Ở châu Á, Hàn Quốc đã chứng kiến số ca nhiễm tăng gấp đôi chỉ trong 24 giờ, mà phần lớn liên quan đến "ổ dịch" ở 1 nhà thờ ở Daegu. Hầu hết bệnh nhân đã cùng nhau tham dự các buổi lễ với 1 người phụ nữ 61 tuổi được xác định dương tính với virus. Hiện Daegu đã đóng cửa toàn bộ các nơi công cộng và khuyến cáo người dân nên ở trong nhà để ngăn dịch bệnh lây lan thêm.

Trong khi đó Nhật Bản cũng nổi lên là một trong những nơi có nguy cơ lây lan cao nhất bên ngoài Trung Quốc. Cuối tuần trước Bộ trưởng Y tế Katsunobu Kato cho biết Nhật Bản đã để mất dấu một số bệnh nhân. Đất nước mặt trời mọc ghi nhận các trường hợp nhiễm bệnh ở nhiều khu vực rải rác trên khắp cả nước và vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc xác định nguồn lây nhiễm. Chính phủ Nhật bị chỉ trích là đã thực hiện quy trình cách ly duy thuyền Diamond Princess quá lỏng lẻo và không nhanh chóng kiểm soát các du khách đến từ Trung Quốc.

Ít nhất 636 hành khách trên du thuyền bị nhiễm virus và 2 người đã tử vong. Căng thẳng có thể leo thang khi mà Nhật phải đối mặt với nhiều rủi ro như dân số già và văn hóa khó chịu với những người nghỉ phép vì ốm đau trong giới công sở. Tất nhiên Nhật Bản vẫn có lợi thế là hệ thống y tế hiện đại.

Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những tin tốt lành từ các thành phố châu Á đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt. Macau, trung tâm cờ bạc lớn nhất thế giới, đã không có ca nhiễm mới trong hơn 2 tuần nay nhờ hạn chế di chuyển tới đại lục và đóng cửa toàn bộ các casino. Mặc dù Singapore có hơn 80 ca nhiễm, tốc độ xuất hiện ca nhiễm mới khá ổn định và 37 bệnh nhân đã phục hồi. Tương tự, Hồng Kông cũng không ghi nhận ca nhiễm mới, ngoại trừ 1 trường hợp đáng lo là 1 sĩ quan cảnh sát bị nhiễm virus đã ăn tiệc cùng 59 cảnh sát khác và hiện đang thực hiện cách ly.

Một số người cho rằng du thuyền Diamond Princess có thể là 1 "thùng thuốc nổ" với tổng số hơn 1.000 hành khách đã rời tàu tính đến cuối ngày hôm qua. Các hành khách trên du thuyền đến từ hơn 50 quốc gia và giờ họ sẽ trở về nhà, họ có thể kích hoạt 1 làn sóng nhiễm bệnh mới trên toàn cầu.

Hôm qua Australia thông báo 2 hành khách trở về từ du thuyền có kết quả xét nghiệm dương tính với virus. Tuy nhiên theo Keiji Fukuda, 1 cựu quan chức của WHO, hoàn toàn có khả năng những người này được kiểm tra khi rời tàu, xét nghiệm âm tính, được lên máy bay nhưng khi về nước kết quả lại là dương tính.

Theo ông Tedros, thế giới hoàn toàn có cơ hội để kiểm soát dịch bệnh vì đến nay số ca nhiễm ở bên ngoài Trung Quốc là không nhiều. Tuy nhiên rủi ro nằm ở chỗ nếu các nước không chống dịch đủ quyết liệt thì tâm dịch thứ hai có thể xuất hiện.

Tham khảo Bloomberg

Số ca nhiễm ở bên ngoài Trung Quốc tăng nhanh, dịch bệnh đang bước sang giai đoạn mới? - Ảnh 3.

Thu Hương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên