Sở Công Thương TP HCM giải thích lý do nhiều mặt hàng tăng giá nóng
Theo Sở Công Thương TP HCM, trong một số thời điểm khách đông, lượng hàng còn ít, tiểu thương không có kế hoạch bổ sung nguồn nên đã tự động nâng giá lên cao.
- 09-07-2021Thực hư siêu thị bán bắp cải 250.000 đồng/kg trong mùa dịch
- 09-07-2021Trái ngược với cảnh trống trơn, các kệ siêu thị lại đầy ăm ắp rau củ, cá tôm trong ngày đầu TP.HCM giãn cách xã hội
- 09-07-2021Bất ngờ với mẫu ô tô điện mới xuất hiện trên thị trường, giá siêu rẻ chỉ từ 95 triệu đồng
Theo báo cáo nhanh của ban quản lý các chợ truyền thống còn đang hoạt động tại TP HCM, giá cả nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm tiếp tục tăng cao trong 2-3 ngày nay.
Ngày 9-7, giá thịt heo trung bình tại các chợ đã tăng 3.000 – 10.000 đồng/kg. Cụ thể: thịt heo đùi 168.000 đồng/kg (tăng 8.000 đồng/kg), thịt heo vai 153.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng/kg), chân giò 147.000 đồng/kg (tăng 7.000 đồng/kg), thịt ba rọi 220.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg). Giá các mặt hàng rau ăn lá, củ quả cũng tăng 10%-20%, nhất là nhóm rau ăn lá.
Giá thịt vịt, gà ta, trứng gà vịt cũng dao động ở mức cao. Cụ thể: thịt vịt 90.000 – 91.000 đồng/kg, trứng vịt loại 1 từ 32.000 – 35.000 đồng/chục, trứng gà loại 1 từ 27.000 – 30.000 đồng/chục. Trứng gà ta đặc biệt khan hiếm, hầu như không có hàng.
Lý giải nguyên nhân hàng lương thực, thực phẩm tăng giá, Sở Công Thương TP HCM cho rằng hiện nay, 2/3 số chợ trên địa bàn TP, bao gồm 3 chợ đầu mối, tạm ngưng hoạt động vì liên quan ca nhiễm Covid-19. Những chợ còn đang mở cửa bán hàng thì tiểu thương không nhập hàng về nhiều trong khi sức mua tăng vọt trong vài ngày qua. Trong một số thời điểm khách đông, lượng hàng còn ít, tiểu thương không có kế hoạch bổ sung nguồn nên đã tự động nâng giá lên cao.
Một lý do nữa là hầu hết các thương nhân chợ đầu mối đang bán hàng qua điện thoại, phải điều chỉnh phương thức giao hàng từ xe lớn chuyển sang xe nhỏ trong khi giá xăng tăng, việc vận chuyển rau củ, thịt cá từ các tỉnh, thành về TP HCM tiêu thụ gặp khó khăn do các địa phương tăng cường kiểm soát dịch làm gia tăng chí phí xét nghiệm, chi phí thời gian… Tất cả đều tính vào chi phí giá thành nên giá bán đến tay người tiêu dùng biến động theo.
Tại các siêu thị, cửa hàng, theo xác nhận của quản lý một chuỗi cửa hàng tiện lợi có số điểm bán thuộc tốp đầu tại TP HCM, giá bán các mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng đã tăng vì những lý do tương tự. Tuy nhiên, so với mức tăng đột biến ngoài chợ truyền thống, giá nhiều mặt hàng thịt heo, trứng gà/vịt, rau củ… đang rẻ hơn khá nhiều do bán theo giá bình ổn thị trường.
Lượng hàng hóa nông sản thực phẩm cung cấp cho TP HCM đang dần tăng trở lại (sau khi giảm mạnh trong ngày đầu tiên chợ đầu mối Thủ Đức đóng cửa, 7-7). Thương nhân, thương lái đang cung cấp khoảng 1.426 tấn rau củ quả/ngày đêm qua các kho bãi, các điểm tập kết hàng hóa xung quanh 3 chợ đầu mối và bán hàng trực tiếp qua kênh điện thoại, Zalo.
Về mặt hàng thịt, gần 1.100 tấn thịt heo cũng đã được bán ra thị trường trong ngày 9-7, bao gồm thịt từ các lò giết mổ ở TP HCM, nguồn hàng từ lò giết mổ ở Long An chuyển về và một lượng khá lớn thịt đông lạnh nhập khẩu.
TP HCM đang vận động, tạo điều kiện hỗ trợ cho các thương lái, doanh nghiệp tăng cường thu mua, vận chuyển hàng hóa từ các nơi về cung cấp cho người dân TP trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, góp phần kéo giá hàng hóa về mức bình thường.
Người lao động